(CLO) Những năm qua, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh (Tân Hoàng Minh Group) nổi lên nhờ tung ra 4 dự án siêu sang với quy hoạch theo lối kiến trúc Pháp cổ, ở vị trí đắc địa như: D’. Le Pont D’or – Hoàng Cầu, D’. Palais de Louis – Nguyễn Văn Huyên, D’. Le Roi Soleil – Quảng An hay D’. San Raffles – Hai Bà Trưng ở Hàng Bài. Hầu hết các tòa nhà đều được dự kiến hoàn thành vào khoảng năm 2013-2015. Tuy nhiên, các dự án này đều liên tục chậm tiến độ và bộc lộ nhiều sai phạm. D’. Le Pont D’or – Hoàng Cầu Năm 2015, Dự án Chung cư CT1, tại 36 Hoàng Cầu (với tên thương mại là D'. Le Pont D'or) đã tạo được ấn tượng trên thị trường, là một trong số những dự án có tiến độ triển khai nhanh nhất tại Hà Nội. Đây cũng là một trong số ít dự án do Tân Hoàng Minh làm chủ đầu tư được mở bán rầm rộ, công khai trong năm 2015. Thế nhưng, cho đến lúc triển khai xong phần xây thô, Dự án D'. Le Pont D'or đã bị phát lộ ra những sai phạm nghiêm trọng trong xây dựng.
Theo Giấy phép xây dựng số 30/GPXD-SXD do Sở Xây dựng Hà Nội cấp ngày 20/9/2013, thì dự án có tổng diện tích sàn xây dựng là 67.397m2. Tổng chiều cao của công trình tính từ vỉa hè đến đỉnh mái là 79,75m, tương đương 23 tầng nổi. Trong đó, tầng 1 cao 7,5m với diện tích sàn rộng 2.244m2.
Tuy nhiên, quá trình xây dựng, chủ đầu tư lại không tuân thủ đúng thiết kế do Tổng Công ty tư vấn xây dựng Việt Nam (Bộ Xây dựng) thẩm định, không tuân thủ giấy phép xây dựng. Cụ thể, chủ đầu tư tự ý chia tầng 1 thành 2 tầng, nâng tổng số tầng công trình lên thành 24 tầng, chiều cao công trình không thay đổi. Diện tích xây dựng sai phép đến gần 2.000m2.
Việc tự ý chia tầng 1 thành 2 tầng này của chủ đầu tư là vi phạm nghiêm trọng pháp luật, làm gia tăng mật độ, ảnh hưởng đến quyền lợi người mua nhà. Việc chia tầng cũng đem lại lợi nhuận nhiều tỉ đồng cho chủ đầu tư nhưng gây ảnh hưởng không nhỏ đến kết cấu chịu lực của công trình.
Trước những vi phạm này, ngày 24/12/2015, Chủ tịch UBND phường Ô Chợ Dừa đã ký quyết định đình chỉ thi công đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị này, do vi phạm Khoản 4 điều 12 Luật Xây dựng 2014, Khoản 1 điều 5 Nghị định 180/2007/NĐ-CP ngày 7/12/2007 và điểm C Khoản 5 điều 13 Nghị định 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ và điểm b Khoản 5 nghị quyết 7/2014/NQ-HĐND ngày 11/7/2014 của HĐND TP.Hà Nội.
D'. Palais De Louis – Nguyễn Văn Huyên Được chủ đầu tư là Công ty TNHH thương mại và dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (Công ty Tân Hoàng Minh) giới thiệu là nơi hội tụ những giá trị vàng của một dự án bất động sản cao cấp, bởi dự án có vị trí chiến lược với tầm nhìn rộng lớn, thiết kế đặc trưng từ kiến trúc sư danh tiếng, nội thất cao cấp được chế tạo tinh xảo và tiện nghi ưu việt. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng, do Công ty Katsuki Archidesign Inc của Nhật Bản lấy ý tưởng từ cung điện Versailles. D'. Palais De Louis – Nguyễn Văn Huyên được giới thiệu sở hữu những căn hộ siêu sang, được thiết kế theo phong cách kiến trúc Pháp, Ý cổ điển với toàn bộ mặt ngoài được ốp đá Granite. Giá dự kiến cho mỗi căn hộ là khoảng 13 tỷ đồng với diện tích 120,9m2 đến 48,6 tỷ đồng trên một căn hộ có diện tích 486m2, tương đương khoảng trên 100 triệu đồng/m2.
Song, ngược lại với lời quảng cáo "có cánh", dự án này lại bị phản ánh mắc nhiều sai phạm trong quá trình thi công, gây thất vọng cho khách hàng. Dự án tại Nguyễn Văn Huyên liên tục giãn tiến độ khiến năm 2014, Tân Hoàng Minh phải trả lại tiền đặt cọc cho khoảng 60 nhà đầu tư do tiến độ không như cam kết, đến khoảng năm 2016 mới tiến hành mở bán trở lại. Thanh tra Bộ Xây dựng đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với chủ đầu tư và các nhà thầu tại dự án theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
D’. Le Roi Soleil – Quảng An Dự án D’. Le Roi Soleil - Quảng An được triển khai xây dựng từ quý II/2015 là Tổ hợp khách sạn và căn hộ cao cấp, tọa lạc tại ngã 3 phố Xuân Diệu – Đặng Thai Mai, phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội. Dự án có quy mô dự án gần 10.000m2 gồm hai cao ốc với 498 căn hộ, một cao ốc dịch vụ cao 8 tầng, một trung tâm thương mại và 6 tầng hầm.
Khi vừa được khởi công, tức là phải mất một khoảng thời gian khá lâu nữa dự án D’. Le Roi Soleil Quảng An mới xong móng và đủ điều kiện mở bán theo quy định của pháp luật. Thế nhưng, lúc đó chủ đầu tư Tân Hoàng Minh đã công khai nhận đăng ký và nhận tiền đặt cọc của khách hàng. Điều này đang khiến nhiều người mua nhà tỏ ra lo ngại về sự "mập mờ" trong thủ tục pháp lý khi mua nhà tại dự án.
Và trên thực tế đến cuối tháng 2/2016 dự án thậm chí vẫn dậm chân tại chỗ, không có dấu hiệu được xây dựng thêm. Việc tiến hành thi công chậm hơn so với tiến độ đã khiến nhiều khách hàng khiếu nại chủ đầu tư Tân Hoàng Minh.
D’. San Raffles – Hai Bà Trưng Dự án D’.San Raffles được Tập đoàn Tân Hoàng Minh giới thiệu là “một công trình đẳng cấp nhất từ trước đến nay”. Dự án D'. San Raffles tọa lạc trên mảnh đất vàng tại số 22 - 24 phố Hàng Bài, 25 - 27 phố Hai Bà Trưng, Hà Nội. Dự án do Công ty CP Thời đại mới T&T thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh là chủ đầu tư. Dự án này được giao đất từ 19/7/2011 theo Quyết định số 3362. Theo giới thiệu của chủ đầu tư, dự án có 6 tầng hầm, 8 tầng nổi và 1 tầng mái, tổng diện tích sàn xây dựng trên 40.000 mét vuông, là loại hình căn Trung tâm thương mại, văn phòng cao cấp và nhà ở hạng sang, dự kiến hoàn thành trong năm 2014.
Dự án này từng nổi đình đám về “kỷ lục” đền bù, giải phóng mặt bằng khi có hộ dân đưa ra mức giá đền bù… 1 tỷ đồng/m2. Tuy nhiên, ít ai biết, khu đất này đã từng nằm trong quy hoạch bãi đỗ xe của Hà Nội. Quy hoạch mạng lưới các điểm đỗ xe công cộng trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020 (QĐ 165) được biết đến như là một giải pháp cụ thể để hợp lý, đồng bộ giao thông tĩnh trên địa bàn 07 quận nội đô. Trong số 34 điểm/bãi đỗ, quận Hoàn Kiếm có tổng số bảy điểm/bãi đỗ xe mới được phê duyệt, thời gian chuẩn bị đầu tư xây dựng được “chốt” từ năm 2004 – 2008. Hoàn thành xong việc giải phóng mặt bằng gian nan, UBND thành phố Hà Nội cũng đã có Quyết định số 3362 giao đất cho Tân Hoàng Minh từ 19-7-2011. Tiêu tốn số tiền khổng lồ, những tưởng ông lớn này sẽ bắt tay ngay vào việc xây dựng siêu dự án D’.San Raffles nhưng sau 3 năm kể từ ngày nhận quyết định, mảnh đất vàng vẫn ngổn ngang. Mặt bằng lô đất hiện chỉ để trông xe, bán trà đá, vừa hoang phí vừa khiến cảnh quan quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm – bộ mặt của Thủ đô nhếch nhác. Đến 2/2016, hoạt động xây dựng đầu tiên mới bắt đầu được triển khai.
Bảo Quyên (T/h)