Xã hội

Điểm sàn đại học tại TP HCM: Mức chênh lệch rõ nét, từ “ngưỡng cửa” 15 đến “vượt đỉnh” 25

Văn Hiền 24/07/2025 06:55

(CLO) Trong khi một số trường đặt điểm sàn xét tuyển chỉ 15 điểm, nhiều ngành thuộc khối sư phạm tại TP HCM vọt lên 25 điểm, mức cao nhất cả nước hiện tại. Điều này cho thấy sự phân hóa rõ rệt giữa các nhóm ngành và định hướng tuyển sinh của từng trường.

Đại học Ngân hàng TP HCM: Ổn định ở mức 18 điểm cho mọi ngành

Trường ĐH Ngân hàng TP HCM (HUB) giữ nguyên điểm sàn 18/30 cho tất cả các ngành, giống như năm 2024. Đây là điểm xét tuyển theo phương thức sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Với phương thức xét tuyển tổng hợp (kết hợp học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ, thành tích học sinh giỏi), điểm sàn quy đổi theo thang 150 là 75 điểm. Thí sinh tốt nghiệp năm 2025 phải đạt học lực loại khá, còn học sinh các năm trước cần có điểm trung bình học kỳ 2 lớp 11 và cả lớp 12 từ 6,5 trở lên.

Trường cũng sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy V-SAT với ngưỡng đầu vào là 225/450 điểm, đồng thời yêu cầu điểm thành phần của từng môn trong tổ hợp phải từ 15 trở lên.

523069369_1147338704091432_8245701550079015663_n.jpg
Điểm sàn theo kỳ thi đánh giá năng lực tiếp tục đóng vai trò “cửa phụ” quan trọng bên cạnh kỳ thi tốt nghiệp THPT truyền thống.

Đại học Mở TP HCM: Giảm mạnh đến 6 điểm ở nhiều ngành “hot”

Trái ngược với sự ổn định của HUB, Trường Đại học Mở TP HCM (OU) gây bất ngờ khi giảm điểm sàn mạnh tay, xuống còn 15–16 điểm ở nhiều ngành. Một loạt ngành từng “hot” như Khoa học máy tính, Marketing, Kinh doanh quốc tế, Logistics đều giảm tới 6 điểm so với năm 2024 (từ 22 xuống 16).

Với phương thức thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP HCM, OU đưa ra hai ngưỡng sàn: 567 và 598/1200 điểm tùy ngành. Trường cho biết sẽ quy đổi kết quả này tương đương với điểm thi tốt nghiệp THPT khi xác định điểm chuẩn.

Đại học Công nghệ Thông tin (UIT): Hạ nhiệt nhẹ, vẫn giữ tiêu chuẩn cao

Là trường đầu ngành về CNTT, UIT (thuộc ĐHQG TP HCM) điều chỉnh điểm sàn về mức 22 điểm cho tất cả các ngành – giảm nhẹ 0,5–2 điểm so với công bố hồi tháng 6.

Với xét tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực, điểm sàn được nâng lên 700/1200 điểm, tăng 20 điểm so với dự kiến. Riêng ngành Thiết kế vi mạch, yêu cầu rất khắt khe: môn Toán trong kỳ thi đánh giá năng lực phải đạt 195/300 điểm, hoặc 6,5 điểm ở kỳ thi tốt nghiệp THPT.

UIT tuyển hơn 2.000 sinh viên, với 4 nhóm ưu tiên xét tuyển thẳng, gồm học sinh giỏi quốc gia, học sinh các trường chuyên, thí sinh đạt giải các kỳ thi quốc tế hoặc có chứng chỉ như SAT, ACT, A-level, IB.

Đại học Sài Gòn: Ngành Sư phạm Lịch sử – Địa lý vọt lên 25 điểm, dẫn đầu cả nước

Ngành Sư phạm Lịch sử – Địa lý của Đại học Sài Gòn đạt điểm sàn cao nhất cả nước hiện tại: 25 điểm, tăng tới 6 điểm so với năm trước. Nhóm ngành sư phạm của trường nói chung lấy điểm từ 18 đến 25, trong đó các ngành như Sư phạm Toán, Âm nhạc, Mỹ thuật giữ nguyên mức sàn, nhưng một số ngành như Hóa, Sinh, Văn... tăng 4–5 điểm.

514415178_1131033522388617_3596388673617445767_n.jpg
Ngành kinh tế, công nghệ “giảm nhiệt”, mở rộng cơ hội cho nhiều đối tượng thí sinh.

Các ngành kinh tế như Tài chính – Ngân hàng, Kinh doanh quốc tế, Quản trị kinh doanh lại đi theo chiều ngược lại, giảm từ 19,5 xuống còn 18,5.

Năm 2025, Đại học Sài Gòn tuyển 5.220 sinh viên, mở thêm 3 ngành mới gồm Lịch sử, Địa lý học và Thiết kế vi mạch. Học phí dự kiến từ 78 đến 193 triệu đồng toàn khóa (4–4,5 năm).

Đại học KHXH&NV TP HCM: Nhẹ tay hạ sàn 0,5–1,5 điểm

Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG TP HCM (HCMUSSH) công bố mức điểm sàn 18 và 20, giảm nhẹ so với năm ngoái. Ngành Đông phương học, Ngôn ngữ Trung, Văn hóa học, Lịch sử, Quản trị văn phòng nằm trong nhóm giảm nhiều nhất – về mức sàn 18.

Với phương thức đánh giá năng lực, trường nhận hồ sơ từ 620–700/1200 điểm.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Điểm sàn đại học tại TP HCM: Mức chênh lệch rõ nét, từ “ngưỡng cửa” 15 đến “vượt đỉnh” 25
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO