Điện Kremlin: Kinh tế Nga sẵn sàng chịu thêm lệnh trừng phạt
(CLO) Điện Kremlin cho biết nền kinh tế Nga đã thích nghi tốt với các lệnh trừng phạt của phương Tây và Moscow không lo ngại về khả năng bị áp thêm các biện pháp như vậy.
Vào ngày 25/2/2022, một ngày sau khi Nga tiến hành cuộc tấn công toàn diện vào Ukraine, Liên minh châu Âu đã đưa ra các biện pháp trừng phạt trên diện rộng nhằm gửi tín hiệu rõ ràng tới Moscow rằng cuộc chiến sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Cho đến nay, khối này đã áp đặt 11 gói trừng phạt và tuần trước cho biết họ sẽ nỗ lực khắc phục những lỗ hổng trong các biện pháp hiện có. Các quan chức EU cho rằng các biện pháp trừng phạt có thể được duy trì trong nhiều năm.

Moscow cho biết các biện pháp trừng phạt đã thúc đẩy sản xuất trong nước của họ. Ảnh: Andrey Rudkov/Bloomberg.
Đáp trả tuyên bố trên của châu Âu, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên hôm thứ Ba: “Nga đã đối mặt dưới chế độ trừng phạt trong một thời gian khá dài, trong nhiều thập kỷ và chúng tôi đã thích nghi đủ với nó, vì vậy khoảng thời gian từ 5 đến 10 năm không làm chúng tôi sợ hãi”.
Bên cạnh đó, ông Peskov còn cho biết các lệnh trừng phạt đã thúc đẩy nền kinh tế trong nước và sản xuất công nghiệp.
Một số nhà quan sát lập luận rằng các biện pháp trừng phạt đã bị lách luật và không ngăn cản được Nga trong cuộc chiến chống Ukraine.
Theo báo cáo của công ty tư vấn rủi ro Corisk có trụ sở tại Na Uy – chuyên phân tích dữ liệu hải quan từ 12 nước EU, Na Uy, Anh, Mỹ và Nhật Bản – số tiền vi phạm lệnh trừng phạt xuất khẩu đối với Nga lên tới khoảng 8 tỷ euro (8,5 tỷ USD) vào năm 2022.
Nói chung kinh tế Nga phần nào đã thích ứng trước các lệnh trừng phạt của phương Tây nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để đưa nền kinh tế tăng trưởng ổn định.
Để chống lại sự tăng giá và hỗ trợ đồng rúp, ngân hàng trung ương Nga gần đây đã tăng lãi suất lên 13%. Các báo cáo cho thấy Nga có thể cần phải duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt trong một “thời gian dài”.
Trong khi đó để đảm bảo nguồn cung trong nước, mới đây nhất, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin đã ký sắc lệnh đưa ra các hạn chế tạm thời đối với việc xuất khẩu xăng động cơ và nhiên liệu diesel. Hạn chế nêu trên có hiệu lực từ ngày 21/9.
Bằng cách này, các nhà chức trách Nga có ý định cân bằng thị trường trong nước và giảm giá xăng dầu đã đạt mức kỷ lục. Tuy nhiên, lệnh hạn chế xuất khẩu chỉ có thể kéo dài “tối đa một tháng”, nếu không, thị trường sẽ thiếu nhiên liệu do các nhà máy lọc dầu đóng cửa và thua lỗ.
Lê Na (Theo Al Jazeera)