Điện một giá có rơi vào tình trạng 'bình mới rượu cũ'?

Thứ tư, 12/08/2020 14:54 PM - 0 Trả lời

(CLO) Bản dự thảo về cơ cấu biểu giá điện bán lẻ để “người dân có nhiều lựa chọn” do Bộ Công Thương đưa ra hôm 10/8 thổi bùng lên cuộc tranh cãi về giá điện tiêu dùng. Các chuyên gia cho rằng cần phải có thị trường điện cạnh tranh thì mới chấm dứt được việc tranh luận về giá điện.

Người dân băn khoăn về dự thảo tính điện 1 giá. Ảnh: TL.

Người dân băn khoăn về dự thảo tính điện 1 giá. Ảnh: TL.

Điện "một giá": Ai thiệt, ai lợi?

Bà Trần Kim Hoa, ngụ ở phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội) đã tính toán thử theo phương án như dự thảo. Bà cho biết, kỳ tiền điện tháng 7/2020, gia đình bà sử dụng 180 kWh giá tính theo bậc thang 6 bậc hiện nay là 365.000 đồng.

Nếu tính giá điện theo phương án 1 ( năm bậc thang như dự thảo), tiền điện là 328.840 đồng, thấp hơn 36.000 đồng so với mức giá sáu bậc hiện hành.

Nếu tính theo phương án một giá điện - 2A và 2B như dự thảo - với mức giá tương ứng là  2.703 đồng và 2.889 đồng/kWh (chưa gồm VAT), bà Quý sẽ trả mức tiền điện tương ứng là 486.540 đồng và 520.020 đồng - nghĩa là cao hơn nhiều so với cách tính năm bậc hay sáu bậc.

Nhiều gia đình sử dụng từ 200 kWh/tháng trở xuống khi tính toán theo phương án 1 của dự thảo thì số tiền thấp hơn vài chục ngàn so với mức giá sáu bậc như hiện nay.

Tuy nhiên, nhiều gia đình sử dụng từ 500 kWh/tháng trở lên thì số tiền điện theo phương án mới không giảm. Nghĩa là người dùng điện càng nhiều thì càng bất lợi. Do vậy, biểu giá điện bán lẻ vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

GS. Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hội điện lực Việt Nam đưa ra nhiều băn khoăn xung quanh phương án một giá điện. Theo ý kiến của ông Long, đã đưa ra phương án một giá thì chỉ đưa vào một mức nào đó xác định, không nên đưa ra 2 mức (145% và 155%) như vậỵ. 

“Chính phủ đã có mức giá bán lẻ bình quân (hiện là 1.864,44 đồng một kWh -  PV), khi tính toán thì lấy mức đó rồi cân đối cho phù hợp, đảm bảo lợi ích các bên. Tôi chưa hiểu vì sao phải đưa ra 2 phương án về điện một giá như thế”, ông Long nói.

EVN tăng cường kiểm tra sau sự cố hóa đơn tiền điện của người dân tăng đột ngột. Ảnh: TL.

EVN tăng cường kiểm tra sau sự cố hóa đơn tiền điện của người dân tăng đột ngột. Ảnh: TL.

Đáng chú ý, ông Long cho rằng, việc đang từ 5 bậc giảm xuống ngay một giá như vậy có phần “đột ngột".

“Đáng lẽ từ 5 bậc nên xem xét tới phương án 3 bậc trước khi nhảy xuống một giá luôn. Điện một giá trước sau gì chúng ta cũng phải tính đến khi hoàn thiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, nhưng từ đây đến thời điểm đó mấy năm nữa”, ông Long nêu quan điểm.

Theo ý kiến của ông Long, phương án 3 bậc sẽ bao gồm: bậc 1 từ 1-100kWh cho những gia đình khó khăn ở mức giá được hỗ trợ, bậc tiếp theo từ 101- 499 kWh với mức giá bình quân, còn lại khách hàng trên 500kwh thì sẽ phải giá cao hơn vì đây là mức dùng nhiều với các hộ khá giả.

Còn theo ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN, nếu duy trì phương án điện một giá có thể khiến những người dùng nhiều điện lựa chọn, không đảm bảo mục tiêu tiết kiệm điện.

Vì vậy, ông đề nghị với mức giá bán lẻ điện bình quân là 1.864,44 đồng/kWh như hiện nay thì điện một giá phải ở mức trên 2.000 - 2.200 đồng/kWh để khuyến khích tiêu dùng điện hợp lý, ngành điện có nguồn cho tái đầu tư.

Ông Trần Viết Ngãi cho rằng việc tính đồng giá cũng tạo ra không ít tác động tới các hộ dùng điện. Chẳng hạn, những gia đình dùng ít điện, trung bình dưới 200kWh sẽ tăng tiền điện nhưng những gia đình dùng từ 400kWh trở lên, số tiền phải trả hàng tháng lại giảm.

Trong khi những hộ dùng dưới 200kWh thường là các hộ nghèo, thu nhập thấp và lâu nay họ vẫn được Nhà nước "trợ giá".

Cần có cơ chế cạnh tranh trong ngành điện

Theo Cục điều tiết điện lực Bộ Công Thương, hiện nay cơ chế bán điện đang bộc lộ nhiều tồn tại như giá bán không phản ánh kịp thời chi phí. Giá bán lẻ bình quân cũng thấp hơn thực tế tới 5,9 cent cho mỗi kWh.

Giá thấp và phải bù lỗ nên không thu hút được các nhà đầu tư trong lĩnh vực phát điện, việc thu hồi chi ở các khâu truyền tải và phân phối cũng gặp khó khăn...  

Do vậy, khi giá điện vận hành theo cơ chế thị trường, 4 khâu cơ bản như phát điện, truyền tải, dịch vụ phụ trợ và phân phối bán lẻ sẽ được tách ra độc lập.

Cần có cơ chế cạnh tranh trong ngành điện. Ảnh: TL.

Cần có cơ chế cạnh tranh trong ngành điện. Ảnh: TL.

Giá điện theo đó được điều chỉnh dựa theo biến động của các thông số đầu vào như tỉ giá, giá nhiên liệu và cơ cấu sản lượng điện phát. Cách tính giá vẫn theo bậc thang, 50 kWh đầu tiên được hỗ trợ, tương đương với khoảng 30.000 đồng mỗi tháng, áp dụng cho các hộ nghèo.

Và cũng giống như mặt hàng xăng dầu, quỹ bình ổn giá điện cũng hình thành cho phép ngành điện được sử dụng để điều tiết giá bán...

Ông Lê Ngọc Ánh Minh, Chủ tịch Pacific Group, cho rằng nếu tranh cãi về tính giá điện bậc thang hay giá cố định, chắc chắn tranh luận sẽ không có hồi kết.

Bởi vì phương án 1 có lợi cho một nhóm người tiêu dùng này, trong khi phương pháp hai có lợi cho một nhóm người tiêu dùng khác. Vấn đề cốt lõi trong giá điện là ngành điện vẫn giữ tình trạng độc quyền nên không có tính cạnh tranh.      

Ông Minh cho rằng cần có cơ chế bán điện cạnh tranh. Ông đặt vấn đề vì sao ngành viễn thông xóa độc quyền, chuyển qua cơ chế cạnh tranh mà ngành điện không thể?

“Thời gian qua quá nhiều lời phàn nàn trong dư luận về sự bất hợp lý trong đầu tư ngành điện cũng như giá điện. Chính phủ nên cân nhắc cải cách ngành điện cho tương đồng với các quốc gia phát triển trước Việt Nam”, ông Minh nói.      

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, với cách triển khai thị trường mà cơ quan quản lý đưa ra, chỉ mình Tập đoàn điện lực VN (EVN) được lợi.

Quy trình mua bán điện không có gì mới, vì các nhà máy điện công suất từ 30 MW vẫn phải chào giá bán qua đơn vị mua buôn duy nhất là Cty mua bán điện (EPTC) thuộc EVN và giao dịch trên thị trường điện giao ngay. Các nhà máy điện công suất dưới 30 MW, do không thuộc diện chào giá, vẫn bán điện cho các Tông công ty Điện lực thuộc EVN như trước đây.

Còn các nhà máy điện đầu tư theo hình thức BOT (đầu tư-chuyển giao) sẽ không tham gia chào giá trực tiếp mà do Cty mua bán điện chào giá thay trên thị trường để thực hiện nghĩa vụ bao tiêu trong hợp đồng và tối ưu chi phí mua điện của hệ thống.

Trong sơ đồ của Cục điều tiết, EPTC có vai trò rất quan trọng nhưng đơn vị này hiện vẫn là thành viên của EVN. Trong nhiệm vụ, EPTC có chức năng ký kết hợp đồng và thanh toán nhưng dưới sự ủy quyền của EVN. Nhưng khi EVN chậm thanh toán hợp đồng DN không biết kêu ai.

Ngoài ra, nhiều DN còn cho rằng, cơ chế mới cũng cần làm rõ tỷ lệ giá mua vào điện của các DN so với giá bán điện ra của EVN.

Vũ Công Đạt

Tin khác

VIPFA mở cơ quan đại diện phía Nam: 'Cầu nối” giữa doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước

VIPFA mở cơ quan đại diện phía Nam: "Cầu nối” giữa doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước

(CLO) Việc VIPFA khai trương cơ quan đại diện tại TP Hồ Chí Minh sẽ là cầu nối hiệu quả giữa cộng đồng doanh nghiệp hình thành hệ sinh thái kinh doanh kết nối cơ hội đầu tư và xúc tiến FDI vào Việt Nam.

Kinh tế vĩ mô
Vàng miếng bị ế, Ngân hàng Nhà nước sẽ đấu thầu liên tục

Vàng miếng bị ế, Ngân hàng Nhà nước sẽ đấu thầu liên tục

(CLO) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có thông báo sẽ tiếp tục tổ chức đấu thầu vàng miếng SJC vào ngày mai (25/4).

Thị trường - Doanh nghiệp
Ngày mai, giá xăng trong nước sẽ hạ nhiệt ?

Ngày mai, giá xăng trong nước sẽ hạ nhiệt ?

(CLO) Một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại Hà Nội dự báo, trong kỳ điều chỉnh ngày mai (25/4), giá xăng trong nước có thể giảm 250 - 300 đồng/lít, tùy loại.

Thị trường - Doanh nghiệp
Thép Hòa Phát Dung Quất được BSI trao giấy công bố kiểm tra, xác nhận khí nhà kính theo ISO 14064-1:2018 và ISO 14067:2018

Thép Hòa Phát Dung Quất được BSI trao giấy công bố kiểm tra, xác nhận khí nhà kính theo ISO 14064-1:2018 và ISO 14067:2018

(CLO) Ngày 22/4/2024, BSI - Tổ chức chứng nhận quốc tế hàng đầu của Vương quốc Anh đã trao giấy công bố kiểm tra, xác nhận khí nhà kính theo tiêu chuẩn ISO 14064-1:2018 và ISO 14067:2018 cho các dòng/mã sản phẩm đang sản xuất tại Thép Hòa Phát Dung Quất. Sự kiện đánh dấu cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển bền vững và giảm phát thải khí nhà kính của Công ty.

Thị trường - Doanh nghiệp
Doanh số Apple “kém sắc”, Huawei “thắng đậm” tại thị trường nội địa

Doanh số Apple “kém sắc”, Huawei “thắng đậm” tại thị trường nội địa

(CLO) Huawei không chỉ đang có màn trở lại rầm rộ ở Trung Quốc mà còn trên đà vượt qua Apple tại thị trường điện thoại thông minh lớn nhất thế giới.

Thị trường - Doanh nghiệp