Điều chỉnh vùng trời, đường hàng không đi/đến sân bay Điện Biên
(CLO) Thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) trong công tác chuẩn bị đưa sân bay Điện Biên vào khai thác trở lại, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) đã thực hiện đầu tư xây dựng đài kiểm soát không lưu mới.
Theo VATM, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện tốt công tác chuẩn bị để đưa sân bay Điện Biên mới vào khai thác.

Hình ảnh cảng hàng không Điện Biên chuẩn bị khai thác trở lại. Ảnh: TL.
Các hạng mục chuyển đổi đã được thực hiện xong trong đó có nội dung quan trọng như công tác thiết kế, đánh giá phương thức bay hàng không dân dụng, điều chỉnh vùng trời, đường hàng không đi/đến sân bay Điện Biên.
Sân bay Điện Biên nằm trong khu vực lòng chảo dọc theo chiều Bắc Nam, bao bọc xung quanh là địa hình đồi núi cao phức tạp với độ chênh cao so với mức cao sân bay lên đến 1700m.
Do đặc điểm phía Nam sân bay có khe địa hình thoải, phía Bắc và Đông sân bay có nhiều đồi núi hơn nên khi khai thác đường cất hạ cánh 16/34 cũ, hướng đường cất hạ cánh 34 (bay về hướng Bắc) được sử dụng cho tàu bay tiếp cận hạ cánh và hướng đường cất hạ cánh 16 (bay về hướng Nam) được sử dụng cho tàu bay khởi hành.
Phương thức tiếp cận được thiết kế cho đường cất hạ cánh 34 cũ phải lệch trục so với tim đường cất hạ cánh kéo dài là 14 độ, tồn tại nhiều khó khăn trong quá trình tiếp cận hạ cánh của tàu bay.
Tổng công ty đã nghiên cứu thiết kế phương thức bay hàng không dân dụng sử dụng thiết bị dẫn đường VOR/DME và dẫn đường vệ tinh PBN cho đường cất hạ cánh mới tại sân bay Điện Biên, đảm bảo khai thác cho các loại bay loại C như A320, A321.
Kết quả thiết kế đã mang lại hiệu quả an toàn cao hơn so với các phương thức bay cũ, cụ thể khi tàu bay tiến nhập vào giai đoạn tiếp cận chót để hạ cánh luôn được duy trì hướng bay thẳng hàng so với trục tim đường cất hạ cánh kéo dài.
Không phải bay lệch trục (bay lệch trục là hướng bay trong giai đoạn tiếp cận không thẳng hàng với hướng đường cất hạ cánh, tổ lái phải điều chỉnh hướng bay phù hợp để hạ cánh) trong giai đoạn tiếp cận chót so với phương thức bay cũ.
Điều này làm tăng sự ổn định, cân bằng khí động học của tàu bay để hạ cánh, giúp tổ lái kiểm soát được quỹ đạo tàu bay và chiều cao tham chiếu so với thềm đường cất hạ cánh cũng như tổ lái không phải tập trung quan sát đường cất hạ cánh do vị trí của tổ lái đã được gióng thẳng hàng với đường cất hạ cánh mong muốn.
Nhằm tăng cường năng lực và nâng cao khả năng tiếp thu của sân bay, nâng cao hiệu quả và an toàn của hoạt động khai thác bay tại sân bay Điện Biên, VATM sẽ triển khai áp dụng phương thức điều hành bay sử dụng giám sát trong khu vực vùng trời.
Tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị khai thác có liên quan nghiên cứu tối ưu hóa các phương thức bay hiện tại. Đưa vào áp dụng tiêu chuẩn thiết kế và kiểu loại phương thức bay mới RNP AR APCH với độ chính xác cao hơn.