Xã hội

Điều tra truy xuất nguồn gốc khiến 2 người tử vong sau khi ăn tiết canh lợn

Văn Hiền 16/07/2025 10:14

(CLO) Sau khi cùng ăn tiết canh lợn tại ba quán ăn gần nhau ở xã Quỳnh An, huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Hưng Yên), 6 trong số 17 người phải nhập viện điều trị, trong đó 2 người đã tử vong; cơ quan chức năng phải khẩn trương vào cuộc điều tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm.

Hai nạn nhân tử vong là nam giới, 51 và 55 tuổi, cùng có biểu hiện sốt cao, đau đầu, rối loạn tiêu hóa sau khi ăn tiết canh. Một người tử vong sau khi được chuyển từ Bệnh viện Đa khoa Phụ Dực lên tuyến trên điều trị không thành công; người còn lại rơi vào hôn mê sâu tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Quỳnh Phụ, rồi qua đời dù được can thiệp tích cực.

Bốn trường hợp còn lại đang được theo dõi và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thái Bình, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Bạch Mai, trong tình trạng chưa ổn định.

Ngày 15/7, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Sở Y tế Hưng Yên đã thành lập hai tổ công tác để điều tra, truy xuất nguồn gốc thịt lợn và lấy mẫu xét nghiệm.

Cơ quan chuyên môn bước đầu nghi ngờ các bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn một loại vi khuẩn nguy hiểm có thể gây tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

tiet-canh-2-2247.jpg
Các chuyên gia y tế khẳng định bất kể giống lợn nào cũng có nguy cơ nhiễm liên cầu khuẩn.

Liên cầu khuẩn lợn lây sang người qua tiếp xúc với máu, dịch tiết của lợn nhiễm bệnh hoặc qua việc ăn tiết canh, thịt tái, thịt chưa nấu chín kỹ. Người nhiễm bệnh nặng có thể sốc nhiễm khuẩn, tụt huyết áp, ban hoại tử toàn thân, suy đa tạng và tử vong nhanh chóng.

Nhiều người lầm tưởng rằng tiết canh ngan, vịt, dê… là an toàn hơn. Tuy nhiên, chuyên gia khẳng định không có loại tiết canh nào thực sự "an toàn", bởi dụng cụ chế biến có thể dùng chung, hoặc người bán pha trộn tiết lợn vào để "cho đông hơn".

Ngay cả lợn nhà nuôi, lợn mán hay lợn cắp nách cũng không loại trừ nguy cơ mang vi khuẩn, đặc biệt là trong giai đoạn khỏe mạnh ngoài da nhưng đang nhiễm khuẩn trong họng và máu – được gọi là "lợn lành mang trùng".

Các chuyên gia y tế khuyến cáo: Tuyệt đối không ăn tiết canh dù ở bất kỳ hình thức nào; Không giết mổ lợn bệnh, lợn chết, không ăn thịt tái, nem sống; Luôn đeo găng tay khi chế biến thịt sống, nhất là với người có vết thương hở. Thịt lợn phải được nấu chín kỹ, đảm bảo an toàn thực phẩm trước khi tiêu thụ.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Điều tra truy xuất nguồn gốc khiến 2 người tử vong sau khi ăn tiết canh lợn
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO