Tin tức

Đỉnh cao của tư duy chiến lược và nghệ thuật quân sự Việt Nam

Hà Trang 30/04/2025 06:20

(NB&CL) Đại thắng mùa Xuân 1975 đã là một trong những chiến công vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng những gì đã làm nên chiến thắng vĩ đại ấy, trong đó có tư duy chiến lược và nghệ thuật quân sự tài tình của Đảng vẫn không ngừng khiến các học giả, các nhà khoa học, trong và ngoài nước khâm phục, muốn khám phá, nghiên cứu.

Tài thao lược, những quyết định sáng suốt, táo bạo của Bộ Thống soái tối cao

Báo cáo Chính trị tại Đại hội lần thứ IV của Đảng (tháng 12/1976) đã khẳng định: “Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thành quả tổng hợp của một loạt nhân tố tạo nên sức mạnh vô địch của cách mạng Việt Nam. Nguồn gốc của mọi nhân tố ấy chính là sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta”, mà “trước hết là thắng lợi của đường lối chính trị, đường lối quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn và sáng tạo của Đảng”.

Nhìn lại Đại thắng mùa Xuân năm 1975, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đều thống nhất cao với nhận định ấy. Chiến thắng vang dội đó được làm nên bởi nhiều yếu tố, trong đó nhân tố cốt lõi, quyết định chính là tài thao lược của Đảng, cụ thể là những chủ trương chiến lược, quyết sách chỉ đạo sáng suốt, nhạy bén của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp cùng Bộ thống soái tối cao (cách gọi để chỉ Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh- PV) với phương châm “thần tốc - táo bạo - bất ngờ - chắc thắng”.

anh1(1).jpg
Xe tăng Quân giải phóng chiếm phủ Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn, trưa ngày 30-4-1975. Ảnh: TTXVN

Còn nhớ, năm 2015, nhân dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng chí Nguyễn Phú Trọng- khi đó là Tổng Bí thư, Bí thư Quân ủy Trung ương trong bài viết với nhan đề: “Thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước là thắng lợi của đường lối và nghệ thuật quân sự Việt Nam dưới sự lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo của Đảng”, đã nhấn mạnh: Việc xác định đường lối cách mạng độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo đã thể hiện tầm nhìn xa trông rộng, tư duy chiến lược, tài thao lược xuất sắc của Đảng, nhất là ở những thời điểm mang tính bước ngoặt của cuộc kháng chiến.

anh2.jpg
Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh

Trước tình hình chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm thực hiện chính sách “tố cộng”, “diệt cộng”, lê máy chém đi khắp miền Nam, thẳng tay đàn áp các chiến sĩ cách mạng và quần chúng nhân dân, phong trào cách mạng miền Nam phát triển khó khăn, tháng 1/1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị lần thứ 15 (mở rộng), dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định con đường tiến lên của cách mạng miền Nam, vạch rõ mục tiêu và phương pháp cách mạng, mối quan hệ giữa hai chiến lược cách mạng ở hai miền, giữa cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới nhằm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, thống nhất nước nhà. Nghị quyết Trung ương 15 chỉ rõ: con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân; ngoài ra không có con đường nào khác. Chủ trương đúng đắn đó của Đảng đã tạo ra “làn gió mới”, khí thế mới, trở thành động lực thúc đẩy cách mạng miền Nam vững bước tiến lên.
Tài thao lược, quyết định sáng suốt của Đảng trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975, theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, được thể hiện trước hết ở việc Đảng đã nắm chắc tình hình đề ra đường lối đúng đắn giải phóng hoàn toàn miền Nam trong thời gian xác định chính xác và khi thời cơ đến, Đảng kịp thời lãnh đạo chớp lấy thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngày 07/01/1975, Bộ Chính trị họp và có quyết sách quan trọng: “Nhiệm vụ sắp tới của chúng ta là nắm vững thời cơ lịch sử, mở nhiều chiến dịch tổng hợp liên tiếp, đánh những trận quyết định, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc”. Bộ Chính trị cũng đề ra kế hoạch tác chiến trên từng chiến trường: Nam Bộ, Khu V - Tây Nguyên, Trị - Thiên. Miền Bắc phải chi viện tối đa cho chiến trường miền Nam; đồng thời, chủ động đối phó nếu Mỹ dùng không quân, hải quân đánh phá trở lại.

cmyk1(1).jpg
Quân giải phóng bắn cháy nhiều xe thiết giáp của địch tại chi khu Đức Lập, Đắk Lắk trong Chiến dịch Tây Nguyên. Ảnh: TTXVN

Tài thao lược của Đảng, theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, đó còn là việc Đảng lãnh đạo chọn đúng hướng và mục tiêu tiến công chiến lược làm thay đổi hoàn toàn cục diện cuộc chiến tranh, theo hướng có lợi cho ta. Thực hiện những kết luận của Bộ Chính trị, ngày 09/01/1975, Thường vụ Quân ủy Trung ương đã bàn và cụ thể hóa kế hoạch tác chiến chiến lược trong hai năm 1975 và 1976. Theo đó, mở đầu năm 1975, sẽ mở chiến dịch tiến công địch ở Tây Nguyên, hướng chính là Nam Tây Nguyên, mục tiêu chính là đánh chiếm thị xã Buôn Ma Thuột. Cùng với đó, Đảng lãnh đạo, chỉ đạo huy động nhân lực, vật lực tạo nên sức mạnh vượt trội giành chiến thắng. Ngày 25/3/1975, Bộ Chính trị đã quyết định thành lập Hội đồng chi viện miền Nam do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch.

anh3.jpg
Bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh. Nguồn: Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.

Ngày 01/4/1975, Bộ Chính trị gửi điện cho lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam về xúc tiến gấp kế hoạch Tổng tiến công và nổi dậy ở Sài Gòn - Gia Định, lập Ban Chỉ huy và Đảng ủy Mặt trận Sài Gòn. Ngày 09/4/1975, Bộ Chính trị có điện gửi các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục và các đồng chí lãnh đạo đang ở chiến trường về kế hoạch tiến công Sài Gòn với tinh thần chuẩn bị tốt nhất trên tất cả các hướng bảo đảm toàn thắng. Từ chiến thắng trên các chiến trường, Bộ Chính trị đã họp ngày 14/4/1975 để nghe Quân ủy Trung ương báo cáo về tình hình Mặt trận Sài Gòn và các phương hướng, chủ trương đề ra. Bộ Chính trị nhất trí với phương hướng, chủ trương ấy và “đồng ý Chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”.

cmyk3.jpg
Đồng bào vùng mới giải phóng theo dõi bản đồ chiến sự những ngày cuối cùng của chiến tranh. Ảnh: Trần Mai Hưởng/TTXVN

Còn theo Đại tá, PGS-TS Nguyễn Văn Sáu, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự, trận quyết chiến chiến lược mùa Xuân năm 1975 đã thể hiện tài thao lược của Bộ Thống soái tối cao, nhiều dấu ấn đậm nét của những vị tướng lĩnh cấp cao Quân đội nhân dân Việt Nam; đánh dấu bước phát triển mới của nghệ thuật chiến tranh nhân dân, đặc biệt là nghệ thuật điều hành chiến tranh ở giai đoạn kết thúc.

“Thời cơ lớn đã xuất hiện. Đại tướng, Tổng Tư lệnh đề nghị cần khẩn trương xây dựng kế hoạch tác chiến giải phóng Sài Gòn theo hướng: Thực hiện bao vây chiến lược ở phía Đông và phía Tây Sài Gòn, sử dụng nắm đấm chủ lực, bất ngờ thọc sâu tiêu diệt địch. Sau khi thảo luận, Bộ Chính trị khẳng định: Mỹ tỏ ra hoàn toàn bất lực, dù có tăng viện cũng không thể cứu vãn được tình thế của VNCH. Cuộc chiến tranh cách mạng ở miền Nam không những đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt, mà thời cơ để mở tổng tiến công và nổi dậy tại Sài Gòn - Gia Định đã chín muồi”. Như vậy, từ cuộc họp lịch sử này, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân dân Việt Nam đã chính thức bắt đầu”- Đại tá, PGS-TS Nguyễn Văn Sáu minh chứng về dấu ấn của Bộ Thống soái tối cao trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), thì cho rằng, những quyết sách của Đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 thể hiện tầm cao trí tuệ và trách nhiệm của Đảng đối với đất nước và dân tộc. Sự thống nhất cao độ giữa quyết sách của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh với hành động trên các chiến trường, từng mặt trận và chiến dịch đã tạo nên sức mạnh to lớn quyết định thắng lợi. Sự sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ huy trên chiến trường thể hiện tài thao lược của các lãnh đạo, tướng lĩnh, chỉ huy bảo đảm hiện thực hóa những quyết định chiến lược của Đảng. Tập trung, thống nhất, trách nhiệm, kỷ luật, thần tốc, táo bạo là nét nổi bật trong sự lãnh đạo của Đảng bảo đảm giành thắng lợi cuối cùng.

cmyk5.jpg
Nữ sinh trường Bồ Đề (Đà Nẵng) tặng hoa chào đón các chiến sĩ vào giải phóng thành phố. Ảnh: Quang Thành - TTXVN

Bước phát triển vượt bậc của nghệ thuật quân sự Việt Nam

Theo PGS.TS Vũ Quang Vinh, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 diễn ra trong 55 ngày đêm với tốc độ “một ngày bằng 20 năm”, đánh dấu sự trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam cả về tổ chức lực lượng và chỉ huy tác chiến hiệp đồng. Đại tá, PGS.TS Nguyễn Văn Sáu cũng khẳng định: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước để lại nhiều nét đặc sắc về nghệ thuật quân sự Việt Nam, thể hiện ở những nội dung chủ yếu: Nghệ thuật tạo ưu thế lực lượng, hình thành sức mạnh áp đảo bảo đảm đánh địch trên thế mạnh.

Cách đây 15 năm, năm 2010, trong dịp kỷ niệm 35 năm ngày thống nhất đất nước, Đại tướng Phùng Quang Thanh, trong bài viết nhìn nhận lại cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân 1975, trong đó khẳng định: Từ thực tiễn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chúng ta có thể khẳng định rằng: nền khoa học và nghệ thuật quân sự Việt Nam, hay nói cụ thể hơn là nền khoa học, nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân Việt Nam đã không ngừng phát triển, hết sức độc đáo, sáng tạo, đạt đến đỉnh cao trong cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân 1975.

Điều đó thể hiện tập trung ở những nội dung chủ yếu: Đánh giá đúng tình hình, nắm vững thời cơ chiến lược và triệt để tận dụng thời cơ để mở cuộc Tổng tiến công chiến lược, kết thúc chiến tranh trong thời gian ngắn, có lợi nhất; Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp, kết hợp chặt chẽ các mặt đấu tranh; kết hợp tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công để giành thắng lợi quyết định; Kế thừa truyền thống quân sự của dân tộc; nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công, vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân để giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn và triệt để, kết thúc toàn thắng cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại.

anh5.jpg
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo Quân ủy Trung ương theo dõi diễn biến Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Ảnh: Tư liệu

“Cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân 1975 là đỉnh cao của sự kết hợp giữa tiến công và nổi dậy, nổi dậy và tiến công để đánh bại và làm tan rã toàn bộ lực lượng địch, kết thúc chiến tranh trong thời gian ngắn, có lợi nhất. Nó thể hiện nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh và tài thao lược quân sự sắc bén, sáng tạo, táo bạo mà đúng đắn của Đảng ta. Sự kết hợp giữa tiến công quân sự của bộ đội chủ lực và nổi dậy của quần chúng được thực hiện hết sức chặt chẽ, hiệu quả, trong suốt cuộc Tổng tiến công chiến lược.

Những đòn tiến công quân sự của bộ đội chủ lực, bằng một loạt trận đánh hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, đánh thẳng vào các thành thị, trung tâm đầu não, căn cứ quân sự lớn của địch, tiêu diệt, làm tan rã lực lượng lớn và gây cho chúng hoang mang tột độ đã tạo điều kiện hỗ trợ, thúc đẩy lực lượng chính trị của quần chúng nổi dậy, đập tan bộ máy kìm kẹp của địch ở địa phương, cơ sở để giành quyền làm chủ.

Tương tự như vậy, sự nổi dậy mạnh mẽ của lực lượng quần chúng đông đảo trên nhiều địa bàn từ nông thôn đến thành thị, với nhiều hình thức phong phú, linh hoạt đã tạo thuận lợi cho bộ đội chủ lực cả về thế, lực và điều kiện để nhanh chóng đập tan sự kháng cự của địch; đồng thời, để tập trung lực lượng vào những mục tiêu chủ yếu của cuộc Tổng tiến công”- Đại tướng Phùng Quang Thanh phân tích.

cmyk6.jpg
Chiến thắng Buôn Ma Thuột - “cú đấm thép” mở đầu cho Đại thắng mùa Xuân 1975. Ảnh: TTXVN

Đại tướng Phùng Quang Thanh cũng nhấn mạnh: Truyền thống quân sự dân tộc với nét đặc sắc cấu thành bởi những nhân tố cơ bản: “mưu sâu, kế hiểm, thế vững, lực mạnh” được Đảng ta kế thừa, vận dụng sáng tạo trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và phát triển từng bước trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đặc biệt đạt đến đỉnh cao trong cuộc Tổng tiến công chiến lược mùa Xuân 1975. Đó là nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân Việt Nam hết sức độc đáo, sáng tạo. Nó được vận dụng trong cuộc Tổng tiến công chiến lược với những nội dung chủ yếu là: nghệ thuật lựa chọn hướng, mục tiêu tiến công đúng đắn, thời cơ tiến công thích hợp; nghệ thuật tổ chức xây dựng lực lượng và cơ động, tập trung lực lượng kịp thời; nghệ thuật xác định phương pháp tác chiến (cách đánh), hình thức tác chiến phù hợp; nghệ thuật lợi dụng, khai thác triệt để sai lầm của địch, hạn chế điểm mạnh, khoét sâu điểm yếu của chúng; thực hành tiến công mãnh liệt, thần tốc, táo bạo, bất ngờ để tiêu diệt từng bộ phận lớn quân địch, tiến tới tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ quân địch...

Thượng tướng, Viện sĩ TS Nguyễn Huy Hiệu thì cho rằng, nghệ thuật tổ chức lực lượng toàn dân đánh giặc; nghệ thuật tác chiến chiến lược; tạo lập thế trận tác chiến chiến lược để giành thắng lợi quyết định là những nét độc đáo, đặc sắc nhất của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân 1975.

“Nghệ thuật tạo lập thế trận tác chiến chiến lược mùa Xuân 1975 là một nghệ thuật độc đáo, tài tình và cũng đầy sáng tạo của chiến tranh nhân dân Việt Nam, ít thấy trong chiến tranh. Do đó, chỉ trong 56 ngày đêm, ta đã giải phóng được miền Nam một cách ít tổn thất, thương vong. Đây là nét độc đáo, sáng tạo nhất của nghệ thuật quân sự Việt Nam được phát triển cao trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, những vấn đề nêu trên cần tiếp tục được nghiên cứu toàn diện, vận dụng vào thực tiễn trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trong tương la”- Thượng tướng, Viện sĩ TS Nguyễn Huy Hiệu khẳng định.

cmyk2(1).jpg
Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh đang duyệt kế hoạch tác chiến trên Bản đồ Quyết tâm Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ảnh tư liệu.

Đại thắng mùa Xuân 1975 là đại thắng của chính nghĩa, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đại thắng của sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, trong đó chiến lược quân sự cách mạng đúng đắn của Đảng là hạt nhân cốt lõi. Như nhìn nhận của Thiếu tá, Tiến sĩ Trần Hữu Huy (Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam): Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử là minh chứng tiêu biểu, khẳng định sự chỉ đạo sáng suốt, tài tình của Bộ Chính trị, đồng thời cũng cho thấy tài năng quân sự kiệt xuất của bộ thống soái Việt Nam, chính thức đưa nghệ thuật quân sự dân tộc phát triển lên tầm cao mới, mang tính khoa học và tư tưởng nhân văn sâu sắc. Những bài học kinh nghiệm về nghệ thuật quân sự rút ra từ chiến dịch lịch sử này tiếp tục được Đảng và quân đội ta chắt lọc, vận dụng sáng tạo trong chặng đường cách mạng tiếp theo.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đỉnh cao của tư duy chiến lược và nghệ thuật quân sự Việt Nam
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO