Tại tòa, sau khi đại diện Viện kiểm sát (KS) Quân khu 7 trình bày bản cáo trạng, Tòa hỏi các bị cáo có ý kiến gì về bản cáo trạng Viện KS công bố không? Đinh Ngọc Hệ nói còn nhiều kiến nghị nhưng trước đó bị cáo đã gửi bản kiến nghị cho Tòa.
Đinh Ngọc Hệ "Út trọc" tại phiên tòa sáng 30/7.
Theo cáo trạng, vào năm 2000, bị cáo Hệ đã mua của một đối tượng không rõ lai lịch một bảng điểm và một bằng tốt nghiệp Đại học kinh tế quốc dân giả, loại hình đào tạo tại chức, ngành Quản trị kinh doanh với giá 2,5 triệu đồng.
Tháng 10/2003, Đinh Ngọc Hệ được điều từ Cục Hậu cần Quân khu 7 về nhận công tác tại Xí nghiệp Hải Âu, Tổng Công ty Bay dịch vụ Việt Nam và đã kê khai nộp cho cơ quan chính trị bản sao Bằng tốt nghiệp Đại học và bảng điểm đã mua nói trên. Căn cứ vào hồ sơ của Đinh Ngọc Hệ, Xí nghiệp Hải Âu đã đề nghị bổ nhiệm Đinh Ngọc Hệ từ quân nhân chuyên nghiệp sang sĩ quan. Tuy nhiên do Đinh Ngọc Hệ chưa học qua trường lớp quân sự nên Tổng công ty Bay dịch vụ Việt Nam không đồng ý.
Tuy không chuyển được sang sĩ quan nhưng Đinh Ngọc Hệ vẫn khai tốt nghiệp Đại học kinh tế quốc dân trong hồ sơ đề nghị nâng lương từ tháng 8/2004 đến tháng 5/2005.
Tháng 8/2005, Đinh Ngọc Hệ chuyển công tác từ Xí nghiệp Hải Âu sang Công ty ADCC thuộc Quân chủng Phòng, không - Không quân. Tại đây bị cáo vẫn kê khai bằng đại học giả để xin chuyển từ quân nhân chuyên nghiệp sang sĩ quan và xin vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuy nhiên Công ty ADCC đi xác minh đã phát hiện bằng đại học của Đinh Ngọc Hệ là giả. Khi Công ty yêu cầu Đinh Ngọc Hệ xuất trình bản chính bằng tốt nghiệp đại học, bị cáo không cung cấp với lý do bị thất lạc.
Trả lời thẩm vấn tại tòa, Trần Văn Lâm (nguyên TGĐ công ty CP phát triển đầu tư Thái Sơn) khai, người quyết định cho thuê, thế chấp xe biển quân sự, biển xanh, tất cả là do bị cáo Hệ.
Theo lời khai của Lâm, thời điểm xảy ra việc số xăng dầu kém chất lượng của cửa hàng xăng dầu Thái Sơn, thuộc chi nhánh công ty cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn tại Bình Dương bị Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra, ông Hệ chỉ đạo Lâm kết hợp với Trần Xuân Sơn (nguyên GĐ chi nhánh tại Bình Dương, công ty CP phát triển đầu tư Thái Sơn) nắm tình hình.
Trần Văn Lâm tiếp tục khai: Anh Hệ nói bị cáo (Lời khai của Lâm - PV) đi cùng anh lên làm việc với anh Lê Thanh Cung (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương). Sau 5-10 phút anh Hệ trao đổi gì đó với anh Cung, bảo làm công văn gửi lên UBND tỉnh. Anh Hệ sau đó chỉ đạo anh em làm công văn. Bị cáo làm xong công văn, anh Hệ chỉnh sửa và đưa bị cáo ký...
Vẫn theo lời khai của Trần Văn Lâm, sau đó Đinh Ngọc Hệ chỉ đạo bị cáo soạn sẵn công văn vì ông Hệ đã nhờ Bùi Văn Tiệp (SN 1957, nguyên Sư đoàn trưởng F367, Quân chủng Phòng không - Không quân) ký cho. "Anh Hệ chỉ đạo bị cáo lên chỗ anh Tiệp, anh Tiệp xem qua rồi ký, đóng dấu. Sau đó anh Sơn ký làm phiếu xuất nhập kho gỡ niêm phong".
Tại tòa, Bùi Văn Tiệp xác nhận lời khai của bị cáo Lâm là phù hợp với thực tế.
HĐXX công bố lời khai của ông Lê Thanh Cung: Ông Hệ có gọi điện cho tôi, tôi từng ăn cơm cùng nên tôi nhận ra. Ông Hệ trình bày việc cây xăng kém chất lượng bị kiểm tra nên khi công ty Thái Sơn gửi công văn, tôi có phê: Đồng chí Khương xem, giúp đỡ.
Có mặt tại tòa, Tổ trưởng tổ kiểm tra liên ngành tỉnh Bình Dương trình bày, họ không có mối quan hệ gì với công ty Thái Sơn, nhưng do tin tưởng quân đội nên ưu ái, không làm việc triệt để, đến cùng và xin nhận thiếu sót trước HĐXX.
Tại tòa, Đinh Ngọc Hệ cho rằng mình bị vu khống. "Lời khai của các bị cáo với sự việc là hoàn toàn không có chứng cứ, là vu khống, vì thời điểm xảy ra vi phạm, tôi có biết nhưng không chỉ đạo việc gì. Khi thành lập công ty, bị cáo ở bên kỹ thuật, không biết kinh doanh, chỉ biết quan hệ ngoại giao".
Đinh Ngọc Hệ thừa nhận năm 2000 có mua bằng của trường Kinh tế Quốc dân, nhưng khi bị xác định là bằng giả đã không dám sử dụng.
Về số tiền 500 triệu đồng đã nộp cho CQĐT, Đinh Ngọc Hệ cho rằng đó không phải là tiền nộp để khắc phục hậu quả mà nộp vì tinh thần đồng đội, Đinh Ngọc Hệ nói.
Trước đó, ngày 4/7/2018, Viện Kiểm sát Quân sự Trung ương ra Cáo trạng số 164/CT-VKSQSTW truy tố các bị can. Theo đó, Đinh Ngọc Hệ bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại Khoản 3, Điều 356, Bộ luật Hình sự năm 2015 và tội “Sử dụng giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức” theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 341, Bộ luật Hình sự năm 2015. Đinh Ngọc Hệ trước khi phạm tội là Thượng tá, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng.
Trần Văn Lâm bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại Khoản 3, Điều 356, Bộ luật Hình sự năm 2015. Trần Văn Lâm khi phạm tội là Tổng Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P; nơi cư trú: 18/B518 chung cư Huỳnh Văn Chính, phường Phú Trung, quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh.
Trần Xuân Sơn bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại Khoản 3, Điều 356, Bộ luật Hình sự năm 2015. Trần Xuân Sơn khi phạm tội là Giám đốc Chi nhánh tại Bình Dương, Công ty Cổ phần phát triển đầu tư Thái Sơn Bộ Q.P; nơi cư trú: Khu 6, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình.
Bùi Văn Tiệp bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại Khoản 3, Điều 356, Bộ luật Hình sự năm 2015. Bùi Văn Tiệp trước khi phạm tội là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không - Không quân (đã nghỉ hưu).
Phùng Danh Thắm bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Khoản 1, Điều 285 Bộ luật Hình sự năm 1999. Phùng Danh Thắm trước khi phạm tội là Đại tá, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng.
Đây là vụ án trong đó Đinh Ngọc Hệ có vai trò là người khởi xướng và chỉ đạo các đồng phạm khác thực hiện hành vi phạm tội; Trần Văn Lâm, Trần Xuân Sơn và Bùi Văn Tiệp giữ vai trò là người thực hành, giúp sức đối với tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo quy định tại Khoản 3, Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Đắc Nguyên