“Định vị” di sản phái sinh
(NB&CL) Trong những năm qua, dù đã đạt một số kết quả nhưng phát triển công nghiệp văn hóa ở nước ta vẫn còn nhiều điểm nghẽn, rào cản cần tháo gỡ. Trong đó, vấn đề di sản phái sinh với những vướng mắc về bản quyền, về sở hữu trí tuệ cần được lưu tâm, giải quyết triệt để mới có thể khích lệ nguồn lực tham gia nghiên cứu, sáng tạo, phát triển văn hóa truyền thống.
Thế nào là “ăn cắp văn hoá”?
Tại một toạ đàm trong khuôn khổ Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 vừa qua, câu chuyện đặt tên cho thương hiệu cổ phục Ỷ Vân Hiên lại được nhắc đến để minh chứng cho những vướng mắc trong phát triển công nghiệp văn hoá ở Việt Nam.
Theo người sáng lập Ỷ Vân Hiên Nguyễn Đức Lộc, khi chọn đặt tên theo chiếc gối xếp “ỷ vân hiên” vào 6 năm trước, trong bối cảnh những thông tin, tư liệu về cổ phục Việt gần như không có gì, nhóm các anh đã nghiên cứu rất công phu, tổ chức đi điền dã, gặp gỡ nhiều nghệ nhân... Thế nhưng sau khi nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp cho chiếc gối, sự việc đã gây ra những tranh luận trái chiều và bản thân anh đã bị “ăn chửi” rất nhiều.
“Chúng tôi làm với tinh thần rất nghiêm túc, cầu thị và chuẩn chỉ trong tất cả các bước, có sự tham vấn các chuyên gia, học giả; các buổi làm việc với nghệ nhân đều được ghi hình, quay phim, các hợp đồng được tư vấn pháp luật rất kỹ… Nhưng đem sản phẩm đi đăng ký thì bị lôi lên truyền thông, thậm chí tôi còn bị quy kết là ăn cắp văn hoá”, anh Nguyễn Đức Lộc bày tỏ.

Sản phẩm trang phục cổ do Ỷ Vân Hiên thiết kế. Ảnh: Ỷ Vân Hiên cung cấp
Founder Ỷ Vân Hiên chia sẻ thêm, khi di sản vẫn còn nằm đâu đó ở một vài nghệ nhân, còn chưa được hoàn thiện thì doanh nghiệp phải sưu tầm, nghiên cứu, làm mới nó. Khi ra được những sản phẩm hoàn thiện rồi thì phải quảng bá, đăng ký với cơ quan chức năng rồi mới thương mại hoá và tính toán con đường đưa sản phẩm ra nước ngoài… Dự tính như vậy, nhưng vướng mắc lại gặp phải ngay từ những khâu đầu tiên, đó là câu chuyện “thú vị” nhưng không mấy dễ chịu đối với một doanh nghiệp theo đuổi ngành công nghiệp văn hoá.
Trong thực tế, những rào cản mà các đơn vị như Ỷ Vân Hiên gặp phải là không ít. Nhóm nghiên cứu ứng dụng di sản Sen Heritage cũng từng lên tiếng khá gay gắt khi phiên bản Tu Di toà Thích ca sơ sinh của mình bị copy, bị làm nhái quá nhiều. PGS.TS. Trần Trọng Dương - thành viên của Sen Heritage nhấn mạnh rằng, câu hỏi “di sản là của ai?” tưởng chừng vu vơ nhưng lại đi vào vấn đề căn cốt nhất của quản lý di sản và phát huy các giá trị của di sản, đó là: Chúng ta cần ứng xử với những di sản phái sinh như thế nào?
Ông Dương phân tích, có nhiều trường hợp hiện vật cổ vẫn đang tồn tại nhưng đã bị tàn khuyết hoặc dưới dạng phiên bản phục chế. Dựa trên những hiện vật đó, các nghiên cứu cho phép chúng ta sáng tạo ra những sản phẩm mang tinh thần, phong cách, biểu tượng văn hóa truyền thống, nhưng được “chuyển thể” sang các loại hình kỹ thuật và vật liệu mới. Nhờ đó, di sản sẽ hiện diện trong đời sống đương đại với tư cách những di sản phái sinh.
“Nhưng khi đưa vào sản xuất thương mại, thì rất nhanh chóng, trên thị trường xuất hiện tràn lan những bản copy hoặc có kiểu dáng gần giống sản phẩm đã được đăng ký. Khi Sen Heritage lên tiếng thì những người làm nhái cho rằng, di sản là của chung, hàng trăm năm nay cha ông họ đã làm như vậy nên họ không vi phạm…”, PGS.TS. Trần Trọng Dương nói.

Sản phẩm gối xếp dựa của Ỷ Vân Hiên.
Mơ hồ ranh giới nguyên gốc hay phái sinh?
Theo bà Nguyễn Tú Hằng, người quản lý và điều phối nền tảng Hanoi Grapevine, ngay cả đến bây giờ, việc phân định thế nào là sản phẩm nguyên gốc hay sản phẩm phái sinh đôi khi cũng rất khó vì ranh giới còn khá mơ hồ. Bà Hằng đặt vấn đề, khi đưa ra thị trường thì phải đăng ký bản quyền và quyền sở hữu kiểu dáng công nghiệp, việc đưa sản phẩm ra nước ngoài chắc chắn phải đăng ký CO, CQ nhưng khi doanh nghiệp làm những việc này thì lại vướng vào tranh cãi.
Nhiều chuyên gia cũng đặt vấn đề, di sản phái sinh được tái tạo trên cơ sở của các di sản nguyên gốc, dựa trên nền tảng nghiên cứu hàng chục năm, tích hợp với những nghiên cứu chuyên biệt. Vậy thì, sản phẩm kế thừa đó có được đăng ký bản quyền hay không? Có phải di sản là của chung, của cộng đồng, do đó không ai có quyền đem di sản đăng ký bản quyền sáng tạo? Tái tạo di sản là việc làm sáng tạo, cần được khuyến khích hay chỉ là hành vi “ăn cướp di sản”, “ăn bám vào di sản”?
Một vướng mắc khác được bà Hằng đưa ra, đó là câu chuyện liên quan giữa ngôn ngữ biểu đạt của nghệ sĩ với quyền lợi của cộng đồng giữ gốc gác di sản. Trong câu chuyện này thì nghệ sĩ có cần tương tác với họ không, việc bảo vệ quyền lợi cho họ như thế nào; việc khai thác thương mại di sản thì cần ứng xử với cộng đồng nắm giữ di sản như thế nào? Ngoài ra, hiện vẫn còn sự mập mờ giữa các khái niệm “có ở trên internet” và “tài sản cộng đồng”, điều này khiến ngay cả những người trong cuộc nhiều khi cũng cảm thấy bối rối.

Sản phẩm của Sen Heritage bị làm nhái trên thị trường. Ảnh: Sen Heritage cung cấp
Cần “luật hoá” di sản phái sinh
Có lẽ câu chuyện “di sản của ai” còn lâu mới có hồi kết. Chiếc gối xếp đã được anh Nguyễn Đức Lộc đem đi đăng ký từ năm 2018, gần như cùng thời điểm anh thành lập Ỷ Vân Hiên nhưng đến nay đã qua 6 năm, vẫn chưa thể đăng ký được. Đối với Sen Heritage, câu chuyện có vẻ khả quan hơn khi sản phẩm đã được cấp bằng chứng nhận kiểu dáng công nghiệp, nhưng đơn vị lại phải đối mặt với vô vàn hành vi xâm phạm. Dù rất bức xúc nhưng PGS.TS. Trần Trọng Dương cho biết, các anh chỉ biết kêu gọi và… đăng lời khuyến cáo lên fanpage của nhóm.
“Chúng tôi biết trước là điều này sẽ xảy ra nhưng việc khởi kiện hay có một hành vi pháp lý là khó khả thi và mất thời gian. Thiếu một hành lang pháp lý cho những sản phẩm phái sinh khiến việc phát triển các ngành công nghiệp văn hoá sẽ rất khó khăn. Di sản phái sinh thuộc về ai? Nghiên cứu bao nhiêu, sáng tạo bao nhiêu thì sẽ được đăng ký bản quyền, đăng ký kiểu dáng công nghiệp? Những vấn đề này cần luật hóa thì mới giải quyết được những vấn đề mới nảy sinh từ sự phát triển”, PGS.TS. Trần Trọng Dương nhận định.
Đại diện cho Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, TS. Phạm Lan Anh cho rằng, hiện tại chúng ta vẫn còn nhiều vấn đề chưa theo kịp với quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý. Tuy nhiên, bà Lan Anh tin tưởng, nhận thức của chúng ta sẽ dần tiệm cận với thế giới và cơ chế chính sách cũng dần hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội.
“Năm 2000, Đảng Cộng sản Trung Quốc ra nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hoá và sau 24 năm, họ đã có Cục phát triển công nghiệp văn hoá, có Hiệp hội phát triển công nghiệp văn hoá. Đến nay, những vấn đề mà trước đây Cục phát triển công nghiệp văn hoá hạn chế thì sau một quá trình phát triển, họ không hạn chế nữa, dành việc này cho hiệp hội. Ở Việt Nam, sau 4 năm Hà Nội tổ chức Lễ hội thiết kế sáng tạo, rất nhiều vấn đề đã được nhìn nhận ra và được tháo gỡ, giải quyết. Tôi nghĩ rằng, khi những chính sách dần hoàn thiện, chúng ta sẽ có một cộng đồng, một thị trường công nghiệp văn hoá phát triển ổn định”, bà Lan Anh chia sẻ.
T.Toàn