Đoàn Cải lương Long An: Làm mới mình để “níu” khán giả

Thứ năm, 04/04/2019 08:47 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Chính thức sáp nhập với Đoàn Xiếc nhân dân Long An và Trung tâm văn hóa tỉnh Long An từ tháng 10/2018, Đoàn Cải lương Long An đang hết sức cố gắng thay đổi bản thân để vừa có thêm thu nhập cho nghệ sĩ, vừa đáp ứng được yêu cầu ngày càng phức tạp của thị hiếu đời sống.

Đầu tháng Tư này, Đoàn Cải lương Long An trực thuộc Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Long An tổ chức 3 đêm diễn tại Hà Nội. Lực lượng biểu diễn của đoàn gồm các gương mặt nghệ sĩ nổi tiếng của cải lương phía Nam: NSƯT Hồ Ngọc Trinh, NSƯT Vương Tâm, Vương Tuấn, Vương Sang, Kim Ngà, Thu Mỹ, Trần Minh, Phương Nhi, Võ Hoàng Dư, Trọng Tánh, Ngân Cường…

Chương trình biểu diễn của đoàn gồm các tiết mục nghệ thuật: Vở diễn “Cuộc đời của mẹ” và Chương trình sân khấu tổng hợp gồm các trích đoạn cải lương tiêu biểu, các điệu dân vũ, các bài ca tân cổ nổi tiếng. Vở “Cuộc đời của mẹ” là công trình đã được trao Huy Chương Vàng tại Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018 tổ chức tại Long An. Kèm theo 2 Huy chương Vàng và 2 Huy chương Bạc cho cá nhân, Giải Tác giả xuất sắc nhất Liên hoan.

Một cảnh trong vở

Một cảnh trong vở "Cuộc đời của mẹ".

NSƯT Hồ Ngọc Trinh - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật Long An, Trưởng đoàn Cải lương Long An, cho biết: “Trong nỗ lực bảo tồn và phát huy di sản quý báu của nền nghệ thuật dân tộc, Đoàn Cải lương Long An ngoài việc nỗ lực có thêm vở diễn mới đã không ngừng tìm kiếm nhu cầu, cảm thức và thị hiếu khán giả, biểu diễn bằng tất cả tài năng và tâm huyết để cải thiện đời sống trong tình hình khó khăn chung của thị trường nghệ thuật hiện nay”.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập đối với lĩnh vực văn hóa, thể dục, thể thao, Đoàn Cải lương Long An sát nhập với Đoàn Xiếc nhân dân Long An và Trung tâm Văn hóa tỉnh Long An từ tháng 10/2018.

Đời sống hiện nay xuất hiện nhiều loại hình giải trí khác nhau, các loại hình nghệ thuật văn hóa truyền thống phải cạnh tranh với cái nhanh, cái gấp gáp của đời sống để vừa phải gìn giữ, bảo tồn cái hay, cái cũ, vừa làm sao để nâng cao thu nhập cho nghệ sĩ là công việc vô cùng gian nan.

Nói về điều này, bà Hồ Ngọc Trinh tâm sự: “Hiện nay, đời sống cải lương đang gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi khán giả thưa vắng dần, tôi nhận thấy việc tăng doanh thu phải được thực hiện song song với bảo tồn và phát huy giá trị di sản âm nhạc dân tộc. Anh em nghệ sĩ Đoàn Cải lương Long An đã làm được bằng chất lượng, sự đa dạng của tuồng tích và hướng đến đáp ứng nhu cầu của khán giả thay vì chỉ cho khán giả xem những gì mình có sẵn. Tôi và các nghệ sĩ trong đoàn cũng hiểu rõ thị trường nghệ thuật theo quy luật, mỗi lúc mỗi khác, mỗi thời mỗi khác, khán giả cần gì phải đáp ứng nhu cầu ấy, phải biết làm mới theo sở thích và nguyện vọng của công chúng. Nhiều nghệ sĩ đã không ngừng tìm hiểu các chương trình biểu diễn của các đơn vị, các địa phương, xem cách họ làm, rút kinh nghiệm từ sau mỗi buổi diễn và phản ứng của khán giả. Chúng tôi cũng dựng những vở diễn có sự phối hợp của nhiều loại hình nghệ thuật trên sân khấu cải lương hiện đại”.

Bên cạnh đó, là một đơn vị sự nghiệp, ngoài việc đảm bảo đời sống của anh em, thu hút khán giả, Đoàn Cải lương Long An còn phải liên tục hoạt động để đảm bảo phục vụ đầy đủ nhiệm vụ chính trị, con số 120 suất diễn mỗi năm tại vùng sâu, vùng xa trong tỉnh và các địa phương như Sóc Trăng, Đồng Nai… là một cố gắng cống hiến hết mình cho cuộc sống.

Cải lương hiện không còn sôi động như thời hoàng kim của những thập niên 1950, 1960, hay gần đây là những năm 1990, với những kịch bản ngày càng kém hấp dẫn là một trong những nguyên nhân làm cho cải lương mất đi sức hút. Đối diện với thực tế này, Đoàn Cải lương Long An thường xuyên tổ chức dựng vở mới, chủ động tìm hợp đồng biểu diễn và nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ kinh phí dựng vở.

Đoàn Cải lương Long An có may mắn được các tác giả, là những người đã gắn bó với cải lương từ thời trước năm 1975 làm hậu thuẫn, giúp các nghệ sĩ bắt kịp xu hướng đương đại. Để tìm lại nhịp thở vốn có của đời sống cải lương, nghệ sĩ đã chủ động kết hợp với các tác giả, đạo diễn, khéo léo trong phá cách để cải lương đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ, lớp khán giả nền của tương lai. 

Việc “làm mới mình” được các anh em nghệ sĩ trẻ thực hiện đầy tâm huyết. Trưởng đoàn Cải lương Long An cho biết: “Trước đây, chúng tôi thường chọn kịch bản có sẵn như “Sân khấu cuộc đời”, “Phố an cư”… để duy trì đều đặn các suất diễn. Tuy nhiên, thời gian gần đây, cụ thể tại Liên hoan Cải lương toàn quốc cuối năm 2018, chúng tôi đã kết hợp dàn dựng vở cải lương “Cuộc đời của mẹ”, sử dụng phim tư liệu trên màn hình led để lồng sân khấu hiện đại vào thực tế vở diễn. Quá trình diễn xuất, nghệ sĩ kết nối với người kể chuyện để tiếp cận khán giả. Vở diễn đã xuất sắc đoạt Huy chương Vàng, trở thành dấu ấn cho phong cách dàn dựng theo lối mới, có pha trộn cái ước lệ của sân khấu miền Bắc với tả thực của sân khấu miền Nam, nhằm phục vụ được mọi đối tượng, trên các vùng miền cả nước.

Sau vở diễn “Cuộc đời của mẹ”, chúng tôi vừa dựng vở cải lương hài “Ai sợ ai” và “Phúc Lộc Thọ”. Đó cũng là một cách làm mới theo thị hiếu khán giả nông thôn với motip hài tâm lý xã hội, thể hiện những góc cạnh đa màu trong cuộc sống nông thôn đương đại. Trên tinh thần đó sửa chữa, nâng cao một số vở diễn cũ như “Hoa Mộc Lan”, “Kép hát làm vua”, “Đảo cấm đàn ông”… để làm phong phú chương trình biểu diễn của mình. Thời gian tới, Đoàn Cải lương Long An kỳ vọng làm thêm những vở diễn với đề tài lịch sử dàn dựng theo phong cách hiện đại, thu hút công chúng vào sân khấu nghệ thuật dân tộc”.

 Những ngày tháng Tư này, ngoài 3 đêm diễn tại Hà Nội, đoàn Cải lương Long An sẽ biểu diễn phục vụ chính trị miễn phí tại các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang từ 5/4 đến 7/4, và tại Nghệ An từ 8 - 9/4. Đây sẽ là một cơ hội hiếm có để công chúng yêu nghệ thuật cải lương có điều kiện thưởng thức nghệ thuật truyền thống từ những nghệ sĩ trẻ, tài năng và tâm huyết.

Tử Hưng

Tin khác

Hành trình 'ngược gió' đầy nỗ lực của 'đóa hoa mong manh'

Hành trình 'ngược gió' đầy nỗ lực của 'đóa hoa mong manh'

(CLO) Trong một bài phỏng vấn, khi nhắc đến hai chữ cơ duyên và điều tâm đắc nhất khi thực hiện Đóa hoa mong manh, đạo diễn – nhà sản xuất – diễn viên Mai Thu Huyền từng tiết lộ, chị cảm thấy khá hài lòng với những gì đã thực hiện được cho bộ phim.

Giải trí
'Lật mặt 7: Một điều ước' phá kỷ lục phim 'Mai' của Trấn Thành

'Lật mặt 7: Một điều ước' phá kỷ lục phim 'Mai' của Trấn Thành

(CLO) Hàng trăm khách mời đã đến tham dự sự kiện ra mắt phim "Lật mặt 7: Một điều ước"; phim của đạo diễn Lý Hải cũng xác lập kỷ lục phòng vé mới khi bán được 105.000 vé, đánh bại phim "Mai" của Trấn Thành.

Giải trí
Thực hư tin đồn Sơn Tùng M-TP sang Trung Quốc thi gameshow với Tạ Đình Phong

Thực hư tin đồn Sơn Tùng M-TP sang Trung Quốc thi gameshow với Tạ Đình Phong

(CLO) Mới đây, trên mạng xã hội bất ngờ rộ lên thông tin về các gương mặt nghệ sĩ sẽ tham gia gameshow đình đám "Call me by fire - Anh trai vượt ngàn chông gai" do phía Trung Quốc sản xuất. Đáng chú ý, trong số này có nam ca sĩ Sơn Tùng M-TP đến từ Việt Nam.

Giải trí
Giới thiệu tới công chúng vở ballet đương đại nhân kỷ niệm Ngày châu Âu

Giới thiệu tới công chúng vở ballet đương đại nhân kỷ niệm Ngày châu Âu

(CLO) Nhân kỷ niệm Ngày châu Âu 9/5, Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam sẽ giới thiệu tới công chúng vở ballet đương đại đặc biệt với âm nhạc từ tổ khúc huyền thoại “Bốn mùa”.

Giải trí
Hoa hậu Nguyễn Thanh Hà làm giám khảo Hoa hậu Môi trường Thế giới 2024

Hoa hậu Nguyễn Thanh Hà làm giám khảo Hoa hậu Môi trường Thế giới 2024

(CLO) Hoa hậu Nguyễn Thanh Hà vừa có chuyến công tác ở Ai Cập để đồng hành cùng cuộc thi Hoa hậu Môi trường Thế giới 2024. Cô cũng sẽ đảm nhận vai trò cầm cân nảy mực, tìm ra người xứng đáng với chiếc vương miện.

Giải trí