Đoàn đã đến đặt vòng hoa, dâng hương tại Nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ TNXP toàn quốc - nơi ghi danh hơn 4.000 liệt sĩ TNXP trong cả nước và Khu mộ 10 nữ anh hùng liệt sĩ TNXP Ngã ba Đồng Lộc; Tổng Biên tập Báo Nhà báo & Công luận Lê Trần Nguyên Huy và các thành viên trong đoàn bày tỏ lòng biết ơn vô hạn, ghi nhớ công lao to lớn của các thế hệ cha anh đã hy sinh cho lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Tổng Biên tập Báo Nhà báo & Công luận Lê Trần Nguyên Huy cùng cán bộ, phóng viên Văn phòng Bắc miền Trung của Báo Nhà báo & Công luận đặt vòng hoa, dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc
Tại đây, các thành viên trong đoàn rưng rưng nước mắt cảm phục khi được xem lại bộ phim tài liệu về 10 nữ TNXP, thấy cảnh các chị đã sống và hy sinh, hiến trọn tuổi thanh xuân để nối liền mạch máu giao thông “Hậu phương lớn”,“tiền tuyến lớn”, góp phần làm nên ngày toàn thắng.
Phút mặc niệm tưởng nhớ công ơn các anh hùng, liệt sỹ
Tổng Biên tập Báo Nhà báo & Công luận Lê Trần Nguyên Huy thắp hương, dâng hoa tri ân
Ngã ba Đồng Lộc được xếp hạng Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1989; được Đảng, Nhà nước, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đầu tư xây dựng thành Khu tưởng niệm thanh niên xung phong toàn quốc.
Ngày 9/12/2013, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định trở thành Khu di tích lịch sử cấp Quốc gia đặc biệt trên hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại.
Từ năm 1964 đến năm 1972, tuyến quốc lộ 1A đi qua địa bàn Hà Tĩnh bị giặc đánh phá và chia cắt hoàn toàn. Thời điểm, đó mọi thông thương từ miền Bắc vào miền Nam phải đi qua con đường 15A. Trong đó, Ngã ba Đồng Lộc là một địa điểm hiểm trở trên con đường này. Nơi đây được ví như là yết hầu, là mạch máu giao thông nối liền hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến lớn miền Nam.
Từ năm 1964 đến năm 1972 Ngã ba Đồng Lộc bị đánh phá liên tục và năm 1968 là năm ác liệt nhất. Từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1968, Ngã ba Đồng Lộc phải gánh chịu gần 50.000 quả bom các loại, bình quân mỗi 1m2 đất nơi đây phải gánh chịu trên 3 quả bom.
Tại chiến trường Ngã ba Đồng Lộc lúc bấy giờ có nhiều lực lượng như: bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân giao thông, dân quân du kích… Số người chiến đấu và phục vụ chiến đấu thời điểm đông nhất lên tới 16.000 người, làm nhiệm vụ chiến đấu đánh trả máy bay địch, cảnh giới, giải tỏa giao thông, san lấp hố bom, phá bom nổ chậm, làm cọc tiêu dẫn đường chỉ lối…, đảm bảo an toàn cho người và hàng hóa chi viện vào chiến trường miền Nam.
Để đảm bảo mạch máu giao thông từ Bắc vào Nam được thông suốt, hàng trăm, hàng ngàn các chiến sỹ và người dân đã ngã xuống. Trong đó phải kể đến sự hy sinh anh dũng của tiểu đội 10 cô gái TNXP thuộc Tiểu đội 4, Đại đội 552, Tổng đội 55.
Ngày 24/7/1968, 1 quả bom đã nổ gần căn hầm chữ A, nơi 10 chị đang tránh bom, làm sập hầm và tất cả 10 chị đã hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ. Người trẻ tuổi nhất là 17 tuổi, ba người chị lớn tuổi nhất cùng 24 tuổi…
Các thành viên trong đoàn xem lại bộ phim tài liệu về 10 nữ TNXP
Tổng Biên tập Báo Nhà báo & Công luận Lê Trần Nguyên Huy cùng cán bộ, phóng viên thuộc Văn phòng Báo Nhà báo & Công luận Bắc miền Trung chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc
Trước đó, trong buổi sáng cùng ngày, Tổng Biên tập Báo Nhà báo & Công luận Lê Trần Nguyên Huy đã có buổi gặp mặt, làm việc với toàn thể cán bộ, phóng viên Văn phòng Báo Nhà báo & Công luận Bắc miền Trung.
Tại buổi làm việc, Tổng Biên tập Báo Nhà báo & Công luận Lê Trần Nguyên Huy đánh giá cao và ghi nhận những kết quả đã đạt được của Văn phòng Báo Nhà báo & Công luận Bắc miền Trung trong thời gian qua, chỉ ra những tồn tại, hạn chế và chia sẻ với những khó khăn hiện tại của Văn phòng.
Đoàn công tác Báo Nhà báo & Công luận chụp ảnh lưu niệm với cán bộ, phóng viên thuộc Văn phòng Báo Nhà báo & Công luận Bắc miền Trung.
Tổng Biên tập Báo Nhà báo & Công luận yêu cầu Văn phòng trong thời gian tới cần xây dựng những phương án cụ thể; động viên, nhắc nhở các phóng viên trong tác nghiệp phải tâm huyết, tận tụy, trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, đặc biệt là luôn trau dồi phẩm chất đạo đức của người làm báo./.
Trần Phong