Doanh nghiệp bán lẻ trong nước: Cờ đã đến tay?

Thứ năm, 12/09/2019 10:05 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Việt Nam được đánh giá là một trong 30 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc cờ đã được đặt vào tay các doanh nghiệp (DN) bán lẻ Việt Nam. Vấn đề còn lại chỉ là ở việc: họ có “phất” nổi không mà thôi.

Nhiều tiềm năng

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam những năm gần đây đang tăng nhanh chóng. Nếu như năm 2010 là 88 tỷ USD thì đến năm 2017 là 130 tỷ USD, dự báo 2020 là 179 tỷ USD. 

Theo bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) thị trường bán lẻ Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển do quy mô dân số lớn (hơn 93,7 triệu người), cơ cấu dân số trẻ (60% dân số ở độ tuổi 18 - 50); dự báo chi tiêu hộ gia đình tăng trung bình 10,5%/năm và sẽ lên mức 714 USD/tháng vào năm 2020, trong khi tỷ lệ bao phủ của hệ thống bán lẻ hiện đại thấp hơn nhiều nước trong khu vực (Việt Nam chỉ đạt 25% tổng mức bán lẻ, trong khi ở Philippines là 33%, Thái Lan là 34%, Malaysia 60%, Singapore là 90%...). 

Hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op. Ảnh TTXVN

Hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op. Ảnh TTXVN

Cũng theo bà Lê Việt Nga, môi trường kinh doanh trên thị trường bán lẻ ngày càng thuận lợi và cạnh tranh lành mạnh, tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia trao đổi, mua bán, có nhiều cơ hội để mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cho rằng, khoảng 15 năm trước, không ai nghĩ Việt Nam có ngành công nghiệp bán lẻ nhưng giờ đây đã thành hiện thực. Ngành bán lẻ Việt Nam đã tăng trưởng 2 con số, cao hơn tăng trưởng GDP từ 1,5 - 2 lần. Doanh thu bán lẻ Việt Nam dự báo sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 11,9% vào năm 2020, cao gần gấp 3 lần so với nước đứng vị trí tiếp theo tại Đông Nam Á.

Cạnh tranh ngày càng khốc liệt

Dư địa nhiều là thế tuy nhiên các chuyên gia dự báo thời gian tới thị trường bán lẻ Việt Nam sẽ chứng kiến sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Thậm chí theo bà Đỗ Thị Thu Hằng - Giám đốc Nghiên cứu & Tư vấn, Savills Hà Nội cho rằng, sự cạnh tranh của thị trường bán lẻ Việt Nam mới đang chỉ bắt đầu. “Sự cạnh tranh dự kiến sẽ còn khốc liệt hơn bởi sau một thời gian dài tìm hiểu thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp ngoại đã dần nắm bắt được thị hiếu và thói quen tiêu dùng của người Việt, từ đó đưa ra những chiến lược kinh doanh phù hợp, sẵn sàng cạnh tranh với các doanh nghiệp trong nước”, chuyên gia của Savills nhận định.

Cũng đồng tình với nhận định này, ông Lê Xuân Đình - Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế - Dự báo chia sẻ tại Diễn đàn “Đầu tư tiếp thị và bán lẻ Việt Nam” hồi tháng 3 vừa qua: “Ở Việt Nam giai đoạn 2018 - 2020 thực sự sẽ là giai đoạn tăng tốc cho các nhà bán lẻ ở thị trường nội địa. Đây là thời điểm mà sự cạnh tranh mạnh mẽ sẽ quyết liệt hơn giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI, giữa các kênh bán hàng hiện đại và kênh bán hàng truyền thống”.

Theo nghiên cứu của Savills Việt Nam, thị trường Hà Nội hiện đã có tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ trên 1,5 triệu m2 sàn, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 2 năm trở lại đây, số lượng trung tâm thương mại liên tục gia tăng; những khu vực trước đây thiếu mặt bằng bán lẻ thì nay cũng đã có những dự án phục vụ nhu cầu cho người dân về mua sắm và vui chơi giải trí. Đối với thị trường TP. Hồ Chí Minh, tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ tính đến giữa năm 2019 cũng đạt khoảng 1,4 triệu m2 sàn, tăng 13% so quý II/2018. So sánh với các thị trường khác trong khu vực, Hà Nội và TP. HCM hiện đang có tỷ lệ diện tích bán lẻ trên đầu người thấp, điều này cho thấy 2 TP lớn vẫn còn nhiều dư địa phát triển.

Theo nghiên cứu của Nielsen Việt Nam, thời gian tới người tiêu dùng Việt đang có xu hướng đặc biệt yêu thích sự tiện lợi, quan tâm đến sức khỏe cũng như ưa chuộng và sẵn sàng chi trả cho các sản phẩm cao cấp vì thế thị trường bán lẻ Việt Nam trong tương lai sẽ đi theo hướng đa kênh, kết hợp giữa giữa online và offline (trực tuyến và trực tiếp).

Sân chơi chuyên nghiệp của các doanh nghiệp có năng lực thực sự

Cạnh tranh khốc liệt là vậy, nhưng theo Giám đốc Nghiên cứu & Tư vấn, Savills Hà Nội: “Thị trường sau một thời gian cạnh tranh khốc liệt và đào thải, hiện đang là sân chơi chuyên nghiệp của các doanh nghiệp có năng lực thực sự”.

Nhìn lại những diễn biến trên thị trường bán lẻ Việt Nam thời gian qua, mới thấy đó là nhận định có cơ sở. Được đánh giá là có năng lực và tiềm lực nhất hiện nay không ai khác chính là Vinmart, Vinmart+ của Tập đoàn VinGroup. Vingroup sở hữu hệ thống bán lẻ quy mô lớn nhất Việt Nam với khoảng 100 siêu thị Vinmart và 1.700 cửa hàng tiện lợi Vinmart+. Mới đây, sau khi mua lại chuỗi cửa hàng tiện ích Shop&Go với giá chỉ 1 USD, Vinmart lại vừa thâu tóm thêm 8 siêu thị Queenland Mart tại TP. Hồ Chí Minh của Công ty Cổ phần thực phẩm Bông Sen vào hệ thống bán lẻ của mình. Với việc thâu tóm 8 siêu thị Queenland Mart, sẽ có 7 siêu thị được chuyển đổi thành siêu thị Vinmart, 1 siêu thị được chuyển đổi thành cửa hàng Vinmart+. Như vậy, Vinmart nâng số điểm bán hàng lên con số 120 và hơn 2.100 cửa hàng Vinmart+ trên toàn quốc. Kế hoạch của nhà bán lẻ này đến năm 2020 là sẽ mở rộng 200 siêu thị và 4.000 cửa hàng tiện lợi.

Cùng với Vinmart, một cái tên bán lẻ thuần Việt khác là Saigon Co.op cũng đã khẳng định thương hiệu của mình trên thị trường bán lẻ Việt Nam. Năm 2019 này, sau 30 năm hoạt động, Saigon Co.op đã tạo nên kỳ tích của lịch sử bán lẻ Việt Nam bằng doanh thu tăng gấp hơn 30 nghìn lần so với ngày đầu thành lập. Saigon Co.op còn được đánh giá là nhà bán lẻ thuần Việt có nhiều mô hình bán lẻ nhất hiện nay, phủ kín hầu hết phân khúc khách hàng của thị trường bán lẻ Việt Nam và phủ rộng trên 43 tỉnh, thành cả nước. Giờ đây, song song với chuỗi Co.opmart, Saigon Co.op phát triển thành công hàng loạt mô hình bán lẻ hiện đại mới chưa từng có tại Việt Nam như: hệ thống cửa hàng thực phẩm Co.op Food, kênh mua sắm qua truyền hình HTVCo.op, đại siêu thị Co.opXtra, trung tâm thương mại Sense City, cửa hàng bách hóa hiện đại Co.op Smiles, cửa hàng tiện lợi mở cửa suốt 24 giờ Cheers,… Mới đây, việc tiếp quản chuỗi bán lẻ Auchan của Pháp khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của Saigon Co.op trong lĩnh vực thương mại hiện đại.

Tuy nhiên, có một thực tế số DN bán lẻ Việt đủ thực lực như Saigon Co.op hay Vinmart, Vinmart+ chưa nhiều. Vẫn còn không ít doanh nghiệp bán lẻ trong nước vẫn yếu về vốn, quy mô nhỏ, khả năng quản trị thiếu chuyên nghiệp khiến cho sức cạnh tranh đã yếu lại càng yếu hơn. Trong khi đó, những nhà đầu tư ngoại có thế mạnh về vốn, công nghệ kinh doanh, quản trị doanh nghiệp và chuỗi thu mua phân phối toàn cầu; kế hoạch đầu tư bài bản..

Chưa hết, bởi tiềm năng hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt, các tập đoàn lớn kinh doanh bán lẻ lớn của nước ngoài như Lotte, Central Group, Aeon, Circle K, K Mart, Auchan, Family Mart… đã liên tục đẩy mạnh chiến lược thâm nhập và mở rộng thị trường bán lẻ tại Việt Nam. Ngoài ra, việc kết thúc đàm phán và ký các hiệp định như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do với EU (EVFTA), hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), cam kết mở cửa thị trường dịch vụ, đầu tư, phân phối cũng là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp nước ngoài lớn đẩy mạnh đầu tư vào ngành bán lẻ Việt Nam.

Thế nên, cờ đã đến tay, có phất được hay không, đó chỉ còn là câu chuyện nội tại của mỗi DN bán lẻ Việt.

Nguyễn Hà

Tin khác

VietCredit tổ chức Đại hội đồng Cổ đông năm 2024 – Mạnh dạn thử nghiệm những thay đổi lớn

VietCredit tổ chức Đại hội đồng Cổ đông năm 2024 – Mạnh dạn thử nghiệm những thay đổi lớn

(CLO) Ngày 19/4/2024, Công ty Tài chính Cổ phần Tín Việt (VietCredit – “TIN”) tổ chức Đại hội đồng Cổ đông năm 2024.

Thị trường - Doanh nghiệp
Du lịch Trung Quốc chuẩn bị bùng nổ trước thềm Quốc tế Lao động

Du lịch Trung Quốc chuẩn bị bùng nổ trước thềm Quốc tế Lao động

(CLO) Trung Quốc dự kiến sẽ ghi nhận làn sóng du lịch mạnh mẽ trong kỳ nghỉ lễ Tháng Năm sắp tới, trong đó lĩnh vực này sẽ nắm bắt cơ hội để lấy lại phong độ trước đại dịch Covid-19 và tiếp thêm sinh lực cho nền kinh tế đất nước thông qua đợt tiêu dùng lớn.

Thị trường - Doanh nghiệp
Chiều nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ có thông báo đấu thầu vàng

Chiều nay, Ngân hàng Nhà nước sẽ có thông báo đấu thầu vàng

(CLO) NHNN thông báo sẽ phát thông báo đấu thầu vàng miếng SJC ngay trong chiều nay.

Thị trường - Doanh nghiệp
Nga vượt EU về nguồn cung lúa mì sang Bắc Phi

Nga vượt EU về nguồn cung lúa mì sang Bắc Phi

(CLO) Theo báo cáo do Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố, xuất khẩu lúa mì của Liên minh châu Âu (EU) sang Bắc Phi đã giảm 25% trong 7 tháng đầu của mùa trồng trọt 2023-2024, với nguồn cung từ Nga chiếm ưu thế trên thị trường khu vực.

Thị trường - Doanh nghiệp
Xuất khẩu dầu thô của Iran tăng đột biến

Xuất khẩu dầu thô của Iran tăng đột biến

(CLO) Xuất khẩu dầu thô từ Iran đạt mức cao nhất trong 6 năm trong quý đầu tiên của năm, dữ liệu từ Vortexa được Financial Times trích dẫn cho thấy.

Thị trường - Doanh nghiệp