Doanh nghiệp bất động sản phải gánh nhiều chi phí nên không thể bán giá thấp

28/04/2023 09:55

(CLO) Tại hội thảo “Vực dậy thị trường bất động sản, thúc đẩy phục hồi kinh tế” được tổ chức mới đây, nhiều doanh nghiệp cho rằng có nhiều lý do khiến giá bất động sản không thể giảm. Trong đó có các vấn đề pháp lý, chi phí doanh nghiệp phải chịu và sự vận động mua đi bán lại của thị trường.

Sẵn sàng bán không lợi nhuận

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Quốc Dũng - phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh cho rằng nhiều người có cái nhìn không thiện cảm với ngành bất động sản (BĐS) với quan điểm đây là một lĩnh vực siêu lợi nhuận, mua rẻ bán đắt. 

Lãnh đạo Hưng Thịnh cho rằng, lợi nhuận lớn nằm ở những thành phần khác tham gia thị trường. Còn với các nhà đầu tư thứ cấp mua từ nhà tư sơ cấp, giao dịch đẩy giá và nhận lợi nhuận từ giao dịch thứ cấp thì không phải lợi nhuận của chủ đầu tư.

Đại diện doanh nghiệp này cho biết sẵn sàng bán không lợi nhuận, chấp nhận ăn vào lợi nhuận của doanh nghiệp tích lũy trong 10 năm qua với mong muốn khách hàng đồng ý xuống tiền để có dòng tiền về nhằm duy trì hoạt động doanh nghiệp.

doanh nghiep bat dong san phai ganh nhieu chi phi nen khong the ban gia thap hinh 1

Việc giá nhà không giảm có nhiều yếu tố đến từ cả thị trường lẫn doanh nghiệp

Trong khi đó, bà Nguyễn Thái Hà - Tổng giám đốc CTCP Địa ốc Thăng Long lại cho rằng, điều mấu chốt khiến dự án không thể giảm giá là trong thời gian dự án “đứng bánh”, doanh nghiệp vẫn phải trả lãi ngân hàng 14-15%, thậm chí 16%, buộc khi bán ra cũng phải tính vào giá vốn.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải gánh đủ thứ chi phí nên không bán giá thấp, trong khi người mua chỉ tìm sản phẩm giá rẻ, không xuống tiền cho những sản phẩm giá cao.

Về vấn đề pháp lý, bà Hà cho rằng, từ thực tế của doanh nghiệp, khung pháp lý hiện không vướng đến mức các doanh nghiệp không thể hoàn thiện để kinh doanh. Cái khó hiện nay là ở tâm lý của những người thực thi pháp luật.

Đưa ra dẫn chứng về một dự án, bà Hà cho biết có dự án đã hoàn thiện về thủ tục đất đai, đã đóng thuế, giấy phép xây dựng đã có, triển khai được đến khâu cất nóc nhưng do dự án hết hạn chấp thuận chủ trương đầu tư, buộc doanh nghiệp phải đi làm thủ tục gia hạn. Doanh nghiệp không vi phạm nghĩa vụ gì, nhưng 3 năm nay gia hạn dự án không được.

Về vấn đề này, Đại diện Sở Xây dựng TP HCM cho biết, trước đây thực hiện các thủ tục cấp chủ trương đầu tư theo pháp luật về nhà ở, nhưng hiện nay đã có Luật Đầu tư, do đó các dự án phải điều chỉnh để thực hiện theo luật mới, dẫn đến kéo dài các thủ tục như dự án của Công ty Thăng Long.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi - phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cũng cho rằng, không phải dự án nào cũng vướng pháp lý, mà pháp lý rất rõ nhưng các địa phương e ngại, sợ sai chưa triển khai.

Bất động sản có tác động lớn tới thị trường

Cũng tại hội thảo, TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia cho biết, thị trường BĐS đang đóng góp trực tiếp khoảng 12% GDP nhưng đóng góp gián tiếp tới 20 - 25% tăng trưởng kinh tế, vì BĐS liên quan tới ít nhất 50 ngành kinh tế khác.

Riêng tại TP HCM, đây là ngành đứng thứ 4 trong 9 nhóm ngành dịch vụ chủ lực, có tác động rất lớn. Tăng trưởng kinh tế quý 1/2023 của TP HCM chỉ đạt 0,7%. Trong đó, nhóm ngành công nghiệp xây dựng ghi nhận phần công nghiệp giảm nhẹ khoảng 0,8% nhưng ngành xây dựng âm gần 20%, kéo cả vùng này xuống. Nguyên nhân là do thị trường BĐS tăng trưởng âm hơn 16%.

doanh nghiep bat dong san phai ganh nhieu chi phi nen khong the ban gia thap hinh 2

TS Trần Du Lịch - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia

TS Lịch phân tích, thị trường BĐS tác động rất mạnh tới tăng trưởng các ngành kinh tế. Về mặt vĩ mô, nếu BĐS có vấn đề lớn nữa thì sẽ kéo theo thị trường tài chính có thể khủng hoảng và thậm chí là sụp đổ.

“Trên thế giới, trong vòng 50 năm qua, mọi khủng hoảng tài chính đều xuất phát từ khủng hoảng BĐS. Bởi vậy, tôi không đặt vấn đề giải cứu thị trường BĐS mà phải đặt trong bài toán giải quyết đồng bộ cùng thị trường tài chính”, TS Lịch nhấn mạnh.

Ngoài ra ông Lịch cũng cho rằng, thị trường BĐS hiện đang có những căn bệnh cần nhận diện. Đó là thị trường rất méo mó, kích thích đầu tư, hướng đến tiền tệ chứ chưa hẳn hướng đến giá trị ở thực.

Hiện thị trường bị đóng băng ở phân khúc đầu tư, dang dở pháp lý, còn những phân khúc phù hợp nhu cầu người ở thì không đóng băng mà không có hàng để bán. Bên cạnh đó, người kinh doanh BĐS sử dụng công cụ tài chính thái quá, đi vay quá lớn.

Đặc biệt, doanh nghiệp tạo ra quá nhiều sản phẩm phục vụ đầu cơ, làm quá nhiều sản phẩm mà yếu tố pháp lý không ổn định.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Doanh nghiệp bất động sản phải gánh nhiều chi phí nên không thể bán giá thấp
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO