Xử lý nước thải nhuộm của một DN (Ảnh TL)
Theo Ủy ban Kinh tế Liên Hợp Quốc tại châu Âu (UNECE), thời trang là ngành công nghiệp thứ hai trên thế gây ô nhiễm nguồn nước. Để sản xuất 1 chiếc áo cotton, người ta phải sử dụng tới 2,7 m3 nước sạch và 150 gam hóa chất.
Để làm ra các sản phẩm thời trang, nhiều công ty trên thế giới đã đầu tư vào các nhà máy dệt, nhuộm. Chỉ tính riêng ở Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VINATEX) đã rót gần 5 nghìn tỷ đồng đầu tư cho dệt sợi, nhuộm và hạ tầng. Các nhà máy dệt, nhuộm sử dụng rất nhiều loại hóa chất như axit, dung môi hữu cơ kiềm tính, thuốc nhuộm và chất màu, các hoạt chất bề mặt.
Tại hội thảo xác định các tiếp cận để thúc đẩy quản lý và sử dụng nước, năng lượng hiệu quả, bền vững trong ngành dệt may tại Việt Nam”, diễn ra tại TPHCM ngày 29/11, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Tổng thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, dệt may là một ngành quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam và cũng là môt trong những ngành công nghiệp có nhu cầu sử dụng nhiều nước, đặc biệt là trong công đoạn xử lý vải, nhuộm. Tuy nhiên, ngành cũng là nguồn gây nhiễm bẩn môi trường nước từ việc xả thải trong quá trình sản xuất
Dù nhận thức được những tồn tại này nhưng việc đầu tư cho quá trình xử lý nước thải của các doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, các nhà máy - khu công nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia về xả thải nước do nhiều nguyên nhân khác nhau như không đủ nguồn tài chính đầu tư cho các thiết bị công nghệ xử lý nước thải… Thêm vào đó, chất lượng nước ngầm kém có thể làm gián đoạn hoạt động sản xuất của các nhà máy dệt may hoặc buộc họ phải chuyển sang sử dụng các nguồn nước khác.
Bà Phạm Ngọc Linh, Đại diện Công ty tư vấn MCG cho biết, từ năm 2004 đã có một số dự về môi trường và bảo vệ nguồn nước tại Việt Nam được Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản tài trợ triển khai, các nhãn hàng trong ngành may mặc đã cùng tham gia tài trợ nhằm hỗ trợ nâng cấp cải thiện thiết bị trong ngành dệt may để sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Tuy nhiên, theo bà Linh, những tác động của các dự án đến chuỗi giá trị ngành dệt may chưa nhiều. Nguyên nhân là do các dự án thường tập trung vào các DN lớn cấp 1, cấp 2 liên quan đến đầu tư nước ngoài và vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp vừa, siêu nhỏ hay các khu công nghiệp chưa có nhà tài trợ vươn tới cấp độ này.
Đức Minh