Doanh nghiệp dệt may vừa và nhỏ “bế tắc” vì dịch Covid-19: Cầm cự chờ dịch qua hay tìm đường vượt “bão”?

Thứ sáu, 03/04/2020 14:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Đã có nhiều doanh nghiệp dệt may phải giảm nhân sự, tạm nghỉ các xưởng sản xuất, thậm chí là đóng cửa hàng… khi nguồn lực tài chính đã không còn đủ lực để chi trả những chi phí thường xuyên.

Cơn bão khủng hoảng vẫn đang càn quét, đẩy doanh nghiệp mới khởi nghiệp đã lâm vào tình huống phá sản, còn các doanh nghiệp đã tạo dựng được thương hiệu cũng vô cùng lo lắng trước một tương lai ảm đạm, khi chưa biết bao giờ hết dịch và cũng chưa biết bao giờ nền kinh tế mới phục hồi.

Nguy cơ phá sản rình rập

9h tối, ông Đặng Quốc Anh - Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất may mặc vẫn chưa rời công ty, vẫn đang ngồi tính toán, lên các phương án để tìm hướng đi cho doanh nghiệp trong mùa dịch. Lúc này, ông và cả ban lãnh đạo công ty đang đau đầu vì lô hàng mới được sản xuất, chưa kịp đưa vào thị trường thì gặp phải cuộc khủng hoảng của cả thế giới mang tên Covid-19. Trong khi đó những sản phẩm thời trang lại chỉ có thời gian, chứ không chờ được. Không có tiền trả ngân hàng, trả tiền thuê cửa hàng, tiền lương nhân viên… doanh nghiệp đang gặp phải tình trạng “thu không bù được chi”.  

DSC_7900

Mới đầu, ông Quốc Anh nghĩ dịch cũng sẽ sớm qua đi, doanh nghiệp chỉ cần cố chịu đựng qua đợt đỉnh điểm của dịch khoảng một vài tháng là có thể tiếp tục kinh doanh, hy vọng đến cuối năm chỉ bù lỗ một ít. Thế nhưng, khi dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, chưa biết khi nào ngừng, thì cũng đến lúc doanh nghiệp không thể chịu nổi cảnh “cầm cự” qua ngày. Ban lãnh đạo công ty liên tục họp để bàn, tìm phương án đối phó dịch. Đến lúc này, một biện pháp mà không một doanh nghiệp nào muốn thực hiện nhất chính là: phải tinh giảm nguồn nhân lực, bởi quỹ lương đã cạn kiệt, không thể trả được lương cho người lao động. Bước đầu là giảm bớt một số nhân viên bán hàng, giữ lại những nhân viên quản lý. Tuy vậy, công ty cũng có đề xuất với các nhân viên, thông tin cho họ và mong muốn được chia sẻ để vượt “bão” bằng cách tạm thời hợp tác, bán online các sản phẩm của công ty và nhận phần trăm hoa hồng trực tiếp. Khi nào dịch bệnh qua thì sẽ quay trở lại làm việc như trước. Mặt khác, trên đà sụt giảm, công ty cũng cố gắng đẩy mạnh các kênh bán hàng online, tăng hoạt động khuyến mãi, kích cầu, nhưng cả thị trường là một màu “ảm đạm”, hầu hết các cửa hàng đều không có khách. 

Theo ông Quốc Anh, những doanh số từ bán hàng online hiện cũng không “thấm vào đâu” cho doanh nghiệp. Đến lúc này, công ty đã phải tính đến phương án, tạm đóng một số cửa hàng và thậm chí cả những cán bộ chủ chốt cũng phải tạm thời nghỉ không lương, hoặc chỉ hưởng một phần nhỏ… và xem nếu cầm cự được khi đại dịch qua thì có thể tiếp tục kinh doanh hoặc chính thức thông báo phá sản.

Đây có lẽ là tình cảnh chung của doanh nghiệp dệt may, bán lẻ đang gặp phải khó khăn vì dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam. Theo thống kê của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), hiện dịch bệnh đã kìm hãm tăng trưởng bán lẻ toàn cầu, đồng thời phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu. 100% doanh nghiệp đang bị ảnh hưởng, quy mô khác nhau đã phải tính đến các giải pháp như: cắt giảm giờ làm, nhân sự, thậm chí là phải có quyết định về tài chính và kinh doanh trong năm 2020. Hiện nay, ảnh hưởng của Covid-19 với doanh nghiệp làm hàng may mặc là rõ nét nhất với 100% số công ty bị ảnh hưởng, trong đó 70% phải cắt giảm việc làm ngay lập tức trong tháng 3 và 80% doanh nghiệp dự kiến phải cắt giảm lao động tiếp trong tháng 4 và tháng 5. Doanh nghiệp làm hàng sợi – dệt có mức độ ảnh hưởng thấp hơn, khoảng 90%, vì có một số doanh nghiệp đủ năng lực sản xuất được vải/nguyên phụ liệu phục vụ cho ngành sản xuất khẩu trang và bộ đồ bảo hộ phòng dịch. Thế nên, theo Vitas, nếu Nhà nước không có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời, có thể dẫn tới phá sản hàng loạt, ước tính ảnh hưởng về tài chính đối với toàn ngành dệt may đến tháng 6/2020 là vào khoảng 12.000 tỷ đồng. 

Cùng nỗ lực để vượt “bão”

Mặc dù cũng bị ảnh hưởng chung, sụt giảm doanh số do dịch bệnh Covid-19, nhưng cũng có một số doanh nghiệp may mắn hơn khi đã có được những phương án hợp lý vượt “bão”. Đơn cử như Giovanni, từ trước khi TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh có thông báo đóng cửa các trung tâm thương mại, cửa hàng, đơn vị đã đưa ra chiến lược dịch chuyển kênh phân phối từ các gian hàng vật lý sang kênh phân phối trực tuyến và đầu tư phát triển phân phối trên Facebook và mạng xã hội. Đây là một bước đi mới của Giovanni, bởi hầu hết với các doanh nghiệp thời trang trừ khi không có đủ vốn đầu tư cho các điểm bán vật lý thì mới phải sử dụng kênh trực tuyến, do đặc trưng của ngành này bị bó buộc bởi yếu tố: trải nghiệm sản phẩm, cũng như cảm nhận không gian thương hiệu tại điểm bán hàng. Theo ông Nguyễn Trọng Phi, việc chuyển đổi của Giovanni lại có một chút khác với các kênh phân phối của doanh nghiệp khác, khi sử dụng chung nền tảng mạng xã hội. Đó là Giovanni đã biến kênh bán hàng online thành một kênh bán lẻ thật khác biệt, số hóa trải nghiệm cao cấp tại gian hàng chuyển thành trải nghiệm cao cấp trên không gian ảo. Mặc dù là vậy, nhưng Giovanni vẫn chỉ có thể hạn chế được phần nào, trong cơn bão khủng hoảng chung của toàn cầu thì gánh nặng tài chính vẫn đè lên “đôi vai” của những người lãnh đạo của công ty.

DSC_7929

Hay như với Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã đưa ra giải pháp cho các đơn vị thành viên ở thời điểm này, cụ thể, các đơn vị chủ động tìm kiếm các đơn hàng xuất khẩu sản phẩm phòng dịch, như: khẩu trang, quần áo y tế dùng vải kháng khuẩn, quần áo dùng một lần từ vải không dệt… Đồng thời, trên cơ sở thảo luận thống nhất với người lao động trên tinh thần cùng chia sẻ khó khăn chung, các đơn vị áp dụng chế độ làm việc linh hoạt, giảm giờ làm, làm việc luân phiên để vừa đảm bảo hoạt động sản xuất, đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động. Bên cạnh đó là các hoạt động tiết giảm chi phí, hoãn đầu tư, giảm lương khối gián tiếp tương ứng với số công nhân trực tiếp, đồng thời kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành cho phép xuất khẩu khẩu trang, trang phục phòng dịch ngay trong tháng 3/2020. Cùng với đó là các kiến nghị được miễn, giảm, giãn các khoản thuế, tiền thuê đất; có chính sách sử dụng quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người lao động thiếu việc làm; các ngân hàng nhà nước, ngân hàng thương mại cho ân hạn các khoản phải trả dài hạn đến hạn năm 2020, kéo dài thời gian khoản nợ ngắn hạn lên 11 tháng, không giảm hạn mức, không chuyển loại nợ, cho vay trả lương cho đối tượng bị thiếu việc…

Theo các chuyên gia, mặc dù nhiều doanh nghiệp cũng dần dịch chuyển sang bán online nhiều hơn, hoặc có điều kiện, nguyên liệu phù hợp tạm thời chuyển sang sản xuất khẩu trang vải, đồ bảo hộ y tế. Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp tạm thời trước mắt, về lâu dài cần phải có các giải pháp căn cơ hơn mới có thể giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này. Thời điểm này, Nhà nước ngoài chính sách giảm lãi, giảm thuế, giãn nợ, thì có lẽ nên hỗ trợ tiền lương cho người lao động ở các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động. Đồng thời cần giảm lãi suất các khoản vay ngắn trung hạn, gia hạn đáo hạn các khoản vay. Tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội, tạm dừng các đoàn thanh kiểm tra, giảm giá điện, giảm các chi phí bến bãi, kho vận… tạm dừng các khoản thuế phí trong năm 2020. Mặc dù các doanh nghiệp vẫn cố tìm mọi cách để người lao động không phải nghỉ việc, nhưng nếu tiếp tục kéo dài thì doanh nghiệp sẽ đứng trên bờ vực phá sản.

DSC_7886

Để hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành dệt may vượt qua dịch bệnh, theo lãnh đạo Vitas, Nhà nước cần miễn đóng bảo hiểm xã hội, phí công đoàn cho người sử dụng lao động và người lao động. Đồng thời doanh nghiệp được hoãn nộp các thuế thu nhập trong năm 2019 và các loại thuế đến hết năm 2020. Chính phủ cần dùng quỹ bảo hiểm thất nghiệp chi 50% lương tối thiểu cho công nhân thiếu việc làm phải nghỉ, doanh nhiệp lo 50% còn lại để đảm bảo thu nhập tối thiểu cho người lao động. Nếu trước mắt chưa có chính sách cụ thể về miễn giảm bảo hiểm xã hội và phí công đoàn thì Chính phủ có thể dừng ngay thu phí này từ tháng 3, để giúp doanh nghiệp có nguồn tiền chi trả cho lao động thiếu việc làm. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cần ân hạn, chưa bắt các doanh nghiệp phải trả gốc và lãi các khoản vay dài hạn phải trả trong năm 2020; kéo dài thời gian vay vốn lưu động lên 11 tháng, bao gồm cả phần đang vay do nguyên phụ liệu về chậm và khách hàng cũng trả chậm, giãn tiến độ giao hàng. Nhất là thời điểm hiện tại, Chính phủ cần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang vải, bù đắp đơn hàng may thiếu hụt trong khi năng lực sản xuất đủ đáp ứng nhu cầu trong nước và có dư thừa cho xuất khẩu…

Gia Nguyên

Tin khác

Trung Quốc sẵn sàng nhập khẩu khối lượng dầu thô cao kỷ lục từ Nga

Trung Quốc sẵn sàng nhập khẩu khối lượng dầu thô cao kỷ lục từ Nga

(CLO) Bloomberg đưa tin ngày 18/3, trích dẫn dữ liệu theo dõi tàu chở dầu từ Kpler, Trung Quốc dự kiến sẽ nhập khẩu khối lượng dầu cao kỷ lục từ Nga trong tháng 3 khi nhà nhập khẩu dầu thô hàng đầu thế giới đang thu dọn các lô hàng bị Ấn Độ xa lánh.

Thị trường - Doanh nghiệp
Bộ Công Thương ra 'tối hậu thư' việc bán xăng dầu không xuất hóa đơn điện tử

Bộ Công Thương ra "tối hậu thư" việc bán xăng dầu không xuất hóa đơn điện tử

(CLO) Bộ Công Thương vừa có văn bản hỏa tốc gửi UBND các tỉnh, thành phố, các Sở Công Thương và các doanh nghiệp đầu mối, các thương nhân phân phối xăng dầu về việc thực hiện quy định về hóa đơn điện tử và cung cấp dữ liệu hóa đơn điện tử sau mỗi lần bán.

Thị trường - Doanh nghiệp
Quảng Ngãi đề nghị Bộ Công an tạm hoãn xuất cảnh 3 lãnh đạo doanh nghiệp vì nợ thuế

Quảng Ngãi đề nghị Bộ Công an tạm hoãn xuất cảnh 3 lãnh đạo doanh nghiệp vì nợ thuế

(CLO) Ngày 18/3, Cục Thuế tỉnh Quảng Ngãi vừa có công văn gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đối với lãnh đạo 3 doanh nghiệp trên địa bàn vì liên quan đến nợ thuế.

Thị trường - Doanh nghiệp
Giá dầu thô leo lên mức cao nhất trong 4 tháng

Giá dầu thô leo lên mức cao nhất trong 4 tháng

(CLO) Giá dầu thô tăng vọt lên 86 USD/thùng ngày 18/3, đạt mức cao nhất trong 4 tháng, khi các chuyên gia trong ngành cho rằng sự gia tăng này là do dữ liệu kinh tế mạnh mẽ của Trung Quốc và các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào các nhà máy lọc dầu của Nga.

Thị trường - Doanh nghiệp
Iran ký các hợp đồng dầu mỏ mới trị giá 13 tỷ USD

Iran ký các hợp đồng dầu mỏ mới trị giá 13 tỷ USD

(CLO) Các công ty năng lượng của Iran đã được cấp những hợp đồng lớn nhất trong thập kỷ qua vào cuối tuần, khi Tehran tìm cách tăng sản lượng tại các mỏ dầu lớn.

Thị trường - Doanh nghiệp