Doanh nghiệp hiến kế phục hồi du lịch: "Việt Nam an toàn - Đi du lịch là yêu nước"
(CLO) -Năm 2020, đại dịch Covid -19 đã khiến ngành du lịch Việt Nam mất 85% khách quốc tế, 95% hoạt động của các doanh nghiệp bị tạm dừng, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản. Tại Hội nghị toàn quốc Du lịch 2020, đã có nhiều giải pháp để phục hồi du lịch Việt Nam được đưa ra.

Dịch Covid-19 khiến du lịch Việt Nam mất 85% khách quốc tế. Ảnh:TL
Dịch Covid-19 khiến du lịch Việt Nam mất 85% khách quốc tế
Trong những năm gần đây du lịch Việt Nam đã đạt được sự tăng trưởng vượt bậc. Trong năm năm qua (2015-2019), ngành du lịch Việt Nam có tổng thu năm 2015 đạt 335.000 tỷ đồng và đạt 775.000 tỷ đồng năm 2019 (tăng 2,25 lần). Với năng lực cạnh tranh trên thế giới từ thứ hạng 75/141 của năm 2015 đã tăng 12 bậc, đứng 63/140 trong năm 2019.
Lượng khách quốc tế cũng có mức tăng mạnh, trong đó có 7,9 triệu khách trong năm 2015 và 18 triệu khách trong năm 2019 (tăng 2,3 lần). Khách nội địa có mức 57 triệu khách trong năm 2015 và tăng 1,5 lần lên 85 triệu khách trong năm 2019.
Việt Nam được bình chọn là điểm đến du lịch hàng đầu châu Á hai năm liên tiếp, điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á, điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á và nhiều giải thưởng danh giá khác.
Tuy nhiên, trong năm 2020, kinh tế toàn cầu chịu tác động nghiêm trọng do dịch Covid-19, Việt Nam không nằm ngoài quy luật đó, đặc biệt là ngành du lịch. Nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ bị tạm dừng hoạt động hoặc phá sản.
Tại Hội nghị toàn quốc về Du lịch năm 2020 với chủ đề “Liên kết, hành động và phát triển” do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), cùng Báo điện tử VnExpress và các bên liên quan tổ chức ngày 28/11/2020 tại Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (Hoiana), ông Nguyễn Văn Hùng - Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, bước sang năm 2020, đại dịch covid-19 đã khiến ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu, trong đó ngành du lịch chịu ảnh hưởng lớn nhất.
Trên thế giới, lượng khách quốc tế đã giảm tới 1,1 tỷ lượt khách, khiến tổng thu cũng giảm 1.100 tỷ USD; 120 triệu người lao động bị ảnh hưởng. Tại Việt Nam, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Việt Nam đã hạn chế được dịch Covid-19 lây lan. Tuy nhiên, từ tháng 3/2020, Việt Nam ngừng đón khách quốc tế. Lượng khách quốc tế cũng giảm tới 80%, tương đương khoảng 3,7 triệu lượt. Khách nội địa giảm 45% và việc làm của người lao động bị giảm tới 60%.
Các hoạt động của doanh nghiệp lữ hành giảm tới 95%, thiệt hại ước tính khoảng 23 tỷ USD.

Tinh thần “Yêu Việt Nam - Du lịch Việt Nam” sẽ giúp Việt Nam một lần nữa, phục hồi thị trường nội địa hiệu quả hơn. Ảnh:TL
Hiến kế phục hồi du lịch Việt Nam
Tại Hội nghị toàn quốc về Du lịch năm 2020, nhiều doanh nghiệp về du lịch đã có những chia sẻ khó khăn hiện tại và đề xuất nhiều giải pháp nhằm đưa ngành du lịch phục hồi trở lại trong bối cảnh mới.
Ông Dương Phú Nam - Tổng giám đốc Tập đoàn SunWorld đề xuất phát triển những sản phẩm du lịch mới, đáp ứng xu thế mới.
Theo ông Nam, đại dịch Covid-19 đã tạo nên một sự dịch chuyển về xu hướng du lịch, theo đó, các sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp thiên về chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh, du lịch sinh thái… hiện đang là xu hướng được ưa chuộng.
Thực tế cũng cho thấy, việc Sun Group đưa vào hoạt động khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Yoko Onsen Quang Hanh (Quảng Ninh) vào tháng 5/2020, ngay thời điểm đợt Covid-19 lần thứ nhất vừa chấm dứt, đã đáp ứng trúng thị hiếu, nhu cầu mới của du khách, bởi đây là sản phẩm hướng tới việc thư giãn, chăm sóc sức khỏe. Từ đó đến nay, Yoko Onsen Quang Hanh luôn có lượng khách duy trì đều đặn, thậm chí cuối tuần là kín khách. Điều này cho thấy định hướng sản phẩm chăm sóc sức khỏe là hướng đi đúng.
Từ mô hình này, ông Nam đề xuất Chính phủ, Tổng cục Du lịch và các địa phương khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kiến tạo các sản phẩm mới, phù hợp với xu thế, nhất là sản phẩm du lịch chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, du lịch thiền…
Ông Nam cũng đề nghị, cần tiếp tục hiệu triệu: “Yêu Việt Nam - Du Lịch Việt Nam” để phục hồi thị trường.
“Tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước của người Việt đã làm nên những chiến thắng, những thành công kỳ diệu, mà việc chúng ta chiến thắng hai đợt tấn công của dịch bệnh Covid-19 vừa qua là một minh chứng. Trong những thời khắc khó khăn nhất và những cuộc chiến cam go nhất, người dân Việt Nam luôn hưởng ứng lời kêu gọi của chính phủ với tinh thần sẵn sàng cao. Do đó, tinh thần “Yêu Việt Nam - Du lịch Việt Nam” sẽ giúp chúng ta một lần nữa, phục hồi thị trường nội địa hiệu quả hơn”, ông Nam chia sẻ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tới dự và chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc Du lịch 2020. Ảnh:KN
Ông Trần Trọng Kiên - Thành viên Ban NCPT kinh tế tư nhân (Ban IV), Chủ tịch Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), CEO Tập đoàn Thiên Minh (TMG) nhận định, dịch Covid- 19 có thể còn ảnh hưởng tới ngành du lịch và để phục hồi phải tới năm 2024.
Ông Kiên đưa ra giải pháp để Việt Nam phục hồi nhanh chóng du lịch nội địa, hỗ trợ và chống đổ vỡ hàng loạt, đồng thời tạo đà phát triển mạnh sau đại dịch Covid. Trong đó, một trong những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đó là cần có dòng tiền với việc Chính phủ bảo lãnh cho các doanh nghiệp có thể vay bằng đúng số tiền nộp thuế trong năm 2019. Cho phép khoanh nợ và tái cấu trúc các khoản vay cho các doanh nghiệp đến hết năm 2021.
Bên cạnh đó cần có giải pháp kích cầu tạo thị trường bằng việc giảm phí thăm quan hết năm 2021, mức giảm ít nhất 50%.
Đưa ra thông điệp: “Việt Nam an toàn - Đi du lịch là yêu nước”, ông Kiên đề nghị cần ủng hộ các sự kiện văn hóa, thể thao để thu hút khách du lịch.
Với những trăn trở về khó khăn hiện tại của các doanh nghiệp du lịch, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HDQT Công ty CP Du lịch và Tiếp thị GTVT Việt Nam (Viettravel) đưa ra một số đề xuất, trong đó về các khoản thuế phải nộp, cần gia hạn thêm thời gian nộp thuế kéo dài 12 tháng đối với thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp; đối với cá nhân gia hạn kéo dài 12 tháng đối với thuế thu nhập cá nhân dành cho người lao động làm việc trong ngành du lịch. Đồng thời gia hạn đến 12 tháng đối với tiền thuê đất của các doanh nghiệp lữ hành.
“Hiện tại nếu chỉ gia hạn 5 tháng thì doanh nghiệp không đủ thời gian tái tạo và hồi phục”, ông Kỳ nói.
Ngoài ra, theo ông Kỳ, các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giảm các khoản lãi vay cho các doanh nghiệp lữ hành. Đối với những khoản vay cũ, các ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng thực hiện giảm lãi suất đối với các khoản dư nợ cũ. Đồng thời thực hiện giảm phí thanh toán, sẵn sàng nguồn vốn cho các doanh nghiệp có nhu cầu vay mới nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh trở lại. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được vay vốn lãi suất ưu đãi nhất để trả lương cho người lao động trong thời gian 12 tháng.
Khó khăn của doanh nghiệp du lịch là thường ít tài sản thế chấp; dòng tiền, doanh thu do bị tác động nặng của dịch bệnh nên suy giảm trầm trọng… nên gặp khó trong việc tiếp cận vốn ưu đãi hoặc vay mới để bổ sung vốn lưu động, duy trì hoạt động kinh doanh.
"Doanh nghiệp trong ngành du lịch mong nhận được sự hỗ trợ kịp thời của ngành ngân hàng bởi những yếu tố này góp phần quyết định sự sống còn của doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ nhà hàng, khách sạn…", ông Kỳ nói.

Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Yoko Onsen Quang Hanh, sản phẩm du lịch mới khá thành công sau dịch Covid-19. Ảnh:TL
Ngoài ra, theo ông Kỳ, đối với các điểm đến tham quan, du lịch do Nhà nước quản lý, như tại các khu vực điểm đến trọng điểm: Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Lạt, TP. HCM, Cần Thơ, Phú Quốc... các địa phương cần có chính sách miễn hoặc giảm phí, lệ phí tham quan cho các doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến kích cầu du lịch trong giai đoạn phục hồi.
Ông Kỳ đề xuất, nghiên cứu chính sách riêng biệt về việc giảm giá điện, nước cho các doanh nghiệp lữ hành, dịch vụ nhà hàng, khách sạn, các điểm tham quan… bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đại dịch vừa qua.
Bên cạnh đó, cần có các chính sách kích cầu hỗ trợ du lịch trong nước. Theo đó, Tổng cục Du lịch nghiên cứu triển khai các gói kích cầu cho người dân đi du lịch trong nước như kinh nghiệm các nước Thái Lan, Singapore, hỗ trợ kinh phí nhất định cho người dân và các khoản hỗ trợ này các doanh nghiệp lữ hành sẽ được nhận trực tiếp dựa trên lượng khách đi mỗi tháng, sau đó doanh nghiệp sẽ triển khai lại cho khách hàng.
Tiến Vinh