Doanh nghiệp khó tiếp cận với vốn vay từ gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng
(CLO) Theo Bộ LĐTBXH, một số quy định tại Nghị quyết số 68 và Quyết định 23 vẫn chưa thực sự phù hợp với thực tiễn, nhất là trong chính sách cho vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Cụ thể, theo Bộ này, hiện có nhiều doanh nghiệp đang phản ánh một số vướng mắc, khó khăn như: Điều kiện doanh nghiệp không có nợ xấu tại các ngân hàng; hồ sơ cần thông báo quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020.
Điều này khiến nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận với vốn vay. Đại dịch Covid-19 đã “bào mòn” nguồn lực tài chính của doanh nghiệp, doanh nghiệp còn đang gặp khó khăn do nhiều khoản nợ với ngân hàng và các tổ chức tín dụng đến hạn trả nhưng chưa trả được.
"Cho nên, điều kiện không có nợ xấu tại ngân hàng để được vay vốn có rất ít doanh nghiệp có thể đạt được", Bộ LĐTBXH nhận định.
Về nguyên nhân của tình trạng giải ngân chậm, trong một buổi họp cuối tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết, nhiều địa phương đang lúng túng. Điều kiện xác nhận về thuế đang là một trở ngại với nhiều địa phương và NSDLĐ.

Doanh nghiệp khó tiếp cận với vốn vay từ gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng. Ảnh minh họa
Do đó, theo Bộ LĐTBXH, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 68 và Quyết định 23 theo hướng bãi bỏ những điều kiện trên để thúc đẩy nhanh việc hỗ trợ cho các đối tượng.
Trước những vướng mắc trong thực tiễn thực hiện, Bộ LĐTBXH đang dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 68 và Quyết định 23 nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng, đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục xác nhận, phê duyệt để NSDLĐ và NLĐ được hỗ trợ kịp thời.
Về chính sách cho vay để trả lương ngừng việc, Bộ LĐTBXH đề xuất cắt giảm điều kiện “NSDLĐ không có nợ xấu tại tổ chức tiến dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn để được hưởng chính sách cho vay”.
Cụ thể: NSDLĐ được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0% và không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay để trả lương ngừng việc đối với NLĐ đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên, trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022. Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số NLĐ theo thời gian trả lương ngừng việc thực tế tối đa 3 tháng. Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.
Về chính sách cho vay để trả lương cho NLĐ khi phục hồi sản xuất, kinh doanh, dự thảo sửa đổi của Bộ LĐTBXH đề xuất cắt giảm điều kiện “NSDLĐ khó có nợ xấu tại tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn”. Đồng thời, dự thảo đề nghị bổ sung đối tượng NSDLĐ có địa điểm hoạt động trên các địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg được hỗ trợ vay trả lương phục hồi sản xuất.
Cụ thể, theo LĐTBXH, cho vay đối với NSDLĐ phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch Covid-19 hoặc có địa điểm hoạt động trên các địa bàn thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, theo nguyên tắc của Chỉ thị số 16/CT-TTg trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022 khi quay trở lại sản xuất kinh doanh.
Đánh giá về tình hình thực hiện chính sách cho vay vốn hỗ trợ NSDLĐ, Bộ LĐTBXH cho biết, đến khoảng cuối tháng 8, mới giải ngân được 185,5 tỷ đồng để trả lương cho 53.581 lượt NLĐ trên tổng số tiền 7.500 tỷ đồng. Việc thực hiện chính sách này vẫn còn chậm.
Thủy Tiên