Doanh nghiệp kiến nghị thành lập cơ quan bình ổn trái phiếu, Bộ Tài chính nói chờ nghiên cứu

23/11/2022 15:30

(CLO) Trong cuộc họp sáng nay (23/11), các doanh nghiệp đã có 5 đề xuất gửi Chính phủ, Bộ Tài chính cùng một số Bộ, ngành liên quan. Một trong những nội dung quan trọng là thành lập cơ quan bình ổn trái phiếu.

Theo nguồn tin của Báo Nhà báo & Công Luận, sáng 23/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã chủ trì cuộc họp với một số doanh nghiệp về thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp.

Trong cuộc họp sáng nay, các doanh nghiệp đã có 5 đề xuất gửi Chính phủ, Bộ Tài chính cùng một số Bộ, ngành liên quan. Cụ thể, doanh nghiệp đề nghị bổ sung mục đích sử dụng vốn trái phiếu, cho phép gia hạn nợ trái phiếu, thành lập cơ quan bình ổn trái phiếu, nới room tín dụng. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ tăng cường truyền thông, lấy lại niềm tin cho người dân.

doanh nghiep kien nghi thanh lap co quan binh on trai phieu bo tai chinh noi cho nghien cuu hinh 1

Trong cuộc họp sáng nay, các doanh nghiệp đã có 5 đề xuất gửi Chính phủ, Bộ Tài chính cùng một số Bộ, ngành liên quan. Một trong những nội dung quan trọng là thành lập cơ quan bình ổn trái phiếu.

Liên quan tới các đề xuất này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có một số kết luận, giải đáp các thắc mắc của doanh nghiệp. 

Theo Bộ trưởng, mục đích phát hành trái phiếu vẫn sẽ giữ nguyên. Bộ cũng sẽ trình lại với Chính phủ, cho phép doanh nghiệp đàm phán với nhà đầu tư gia hạn hoặc nhận sản phẩm, cổ phiếu của doanh nghiệp nếu nhà đầu tư chấp nhuận.

Với đề xuất thành lập cơ quan bình ổn trái phiếu, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, đề xuất này chờ thời gian để nghiên cứu thêm. Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cải cách thủ tục, rút ngắn thời gian hỗ trợ doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng yêu cầu các doanh nghiệp tự giảm giá bất động sản, để tăng thanh khoản, thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ để giá nhà ở hạ nhiệt.

Với những dự án dở dang, đủ điều kiện triển khai và doanh nghiệp đang nợ, Bộ Tài chính sẽ kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ để bố trí thêm room để giải ngân.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu các doanh nghiệp tăng cường truyền thông về việc đủ khả năng trả nợ khi đến hạn.

Thời gian gần đây, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục chứng kiến những phiên lao dốc. Trước thực trạng này, mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã nhận định: “Thị trường chứng khoán Việt Nam biến động mạnh trong thời gian qua xuất phát từ tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những bất ổn và triển vọng kém tích cực về kinh tế - chính trị thế giới và có sự đồng pha với diễn biến trên thị trường chứng khoán thế giới".

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, những biến động này trong thời gian qua xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả trong nước và quốc tế. Sau các biện pháp hỗ trợ kinh tế sau đại dịch COVID-19, lạm phát đã tăng mạnh ở nhiều nơi trên thế giới khiến nhiều nền kinh tế phải tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ với nhịp độ nhanh, mạnh nhằm kiểm soát lạm phát.

Tình hình địa chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường trong năm 2022. Xung đột Nga - Ukraine, căng thẳng giữa các nước lớn và chiến lược Zero-COVID của Trung Quốc tiếp diễn đã làm trầm trọng tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu; giá cả lương thực, năng lượng theo đó tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí của các doanh nghiệp và gia tăng áp lực lạm phát. Trong bối cảnh đó, thị trường chứng khoán trên thế giới cũng trải qua nhiều biến động.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khẳng định sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế - chính trị, động thái chính sách của các nước trên thế giới, đánh giá tác động, ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán Việt Nam để kịp thời có các giải pháp phù hợp nhằm bảo đảm thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển ổn định, minh bạch

Còn về trái phiếu doanh nghiệp, mới đây, Bộ Tài chính tiếp tục đưa ra những thông tin và các khuyến nghị. Theo Bộ này, trái phiếu doanh nghiệp là một loại sản phẩm chứng khoán xác nhận nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi của doanh nghiệp đối với nhà đầu tư sở hữu trái phiếu. Trái phiếu doanh nghiệp không phải là sản phẩm tiền gửi tiết kiệm ngân hàng. Trái phiếu thường có độ rủi ro cao hơn các sản phẩm tiết kiệm ngân hàng và phần chênh lệch cao hơn so với lãi suất tiết kiệm chính là rủi ro mà nhà đầu tư chấp nhận khi mua trái phiếu doanh nghiệp.

Do đó, Bộ Tài chính cho rằng nhà đầu tư có trách nhiệm tự đánh giá mức độ rủi ro trong việc đầu tư trái phiếu, hạn chế về giao dịch trái phiếu được đầu tư và tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Doanh nghiệp kiến nghị thành lập cơ quan bình ổn trái phiếu, Bộ Tài chính nói chờ nghiên cứu
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO