Doanh nghiệp Nhà nước đang chậm chuyển mình trong xu hướng mới, thời đại mới

27/09/2023 07:17

(CLO) Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) cần làm những việc lớn, việc khó, việc mới để tạo lực cho phát triển kinh tế, nhường dư địa phát triển cho doanh nghiệp tư nhân ở những lĩnh vực khác…

Những gam màu tươi sáng và những bộn bề trăn trở

Theo số liệu của Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tính đến cuối năm 2022 Việt Nam còn khoảng 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và khoảng 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.

doanh nghiep nha nuoc dang cham chuyen minh trong xu huong moi thoi dai moi hinh 1

Cải cách doanh nghiệp nhà nước có dấu hiệu chậm lại. Ảnh minh họa.

Theo thông tin từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, DNNN tuy chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng số doanh nghiệp cả nước, nhưng khu vực này đang nắm giữ nguồn lực lớn của nền kinh tế, cả nguồn lực về vốn, tài sản, công nghệ và cả nhân lực chất lượng cao.

DNNN có vai trò nòng cốt, quan trọng, và đóng vai trò chi phối, chủ đạo trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế. Trong giai đoạn này, khi các khu vực doanh nghiệp khác làm ăn kém hiệu quả thì DNNN vẫn đạt kết quả khả quan và hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị-xã hội được giao.

Ông Nguyễn Đức Trung - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, ước cả năm 2023 tổng doanh thu của toàn khu vực DNNN đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 4% so với kế hoạch đề ra. Tổng lãi phát sinh trước thuế của khu vực DNNN năm 2023 ước đạt hơn 117,3 triệu tỷ đồng, tăng 9% so với kế hoạch đề ra.

“Như vậy có thể thấy trong bối cảnh tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp còn khó khăn chung do bất ổn của kinh tế thế giới, các DNNN cơ bản đã nỗ lực tổ chức sản xuất kinh doanh đạt kế hoạch đề ra, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Trung đánh giá.

Theo Phó Cục trưởng Nguyễn Đức Trung, trong đó, bên cạnh kết quả tốt thì DNNN cũng bộc lộ những điểm yếu, những hạn chế. Đó là hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ, chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. DNNN quy mô lớn chưa thể hiện rõ vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt, tạo động lực, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển, chưa chú trọng đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực.

Nắm giữ trên 60% nguồn lực của nền kinh tế, nhưng các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hầu như chưa có các dự án đầu tư phát triển quy mô lớn để tạo động lực bứt phá, sức lan tỏa, hỗ trợ tái cơ cấu và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các DNNN còn hạn chế.

DNNN vẫn chỉ ở trong nước

Khẳng định vai trò quan trọng và đóng góp to lớn của DNNN, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho rằng: DNNN không chỉ đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, mà còn là công cụ hữu hiệu trong thực hiện điều tiết vĩ mô, ổn định giá cả, an sinh xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và chủ quyền quốc gia, xây dựng, phát triển hạ tầng kinh tế quan trọng và những ngành, lĩnh vực mũi nhọn…

"Nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng, DNNN vẫn còn nhiều hạn chế", Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nói.

Hạn chế đầu tiên của DNNN được Thứ trưởng Đỗ Thành Trung nói đến, đó là: Các DNNN đang chậm chuyển mình trong thời đại, bối cảnh mới. Vai trò dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác chưa rõ nét.

Việc đầu tư nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của DNNN còn hạn chế, đặc biệt trong các ngành có khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế như các công nghệ lõi, công nghệ số, và các ngành năng lượng mới, năng lượng sạch; cũng như các ngành chứa đựng giá trị khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cao...

DNNN mới chỉ chiếm lĩnh được thị trường trong nước nhưng chưa có khả năng cạnh tranh và vươn ra thị trường quốc tế. DNNN chưa có các sản phẩm xuất khẩu chủ lực và tạo ra giá trị gia tăng cao trong khi xuất khẩu là tiêu chí quan trọng để đánh giá chính xác nhất năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên trường quốc tế.

Đề cập đến vấn đề tăng cường đóng góp của DNNN đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới, Thứ trưởng cho rằng cần nhận định, đánh giá lại vị thế, vai trò của DNNN từ đó làm rõ mục tiêu sắp xếp, cải cách khu vực DNNN phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam. Và cần đưa ra định hướng đổi mới phương thức quản lý phần vốn nhà nước của doanh nghiệp.

Đồng thời xác định rõ những ngành, lĩnh vực ưu tiên đầu tư của DNNN trong giai đoạn tới và phát triển các DNNN quy mô lớn thực hiện vai trò tiên phong, dẫn dắt trong bối cảnh mới với phương châm “Lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, ngoại lực là quan trọng và đột phá”.

Do đó, theo Thứ trưởng Đỗ Thành Trung: “DNNN cần làm những việc lớn, việc khó, việc mới để tạo lực cho phát triển kinh tế và nhường dư địa phát triển cho doanh nghiệp tư nhân ở những lĩnh vực khác”. Trong đó, các lĩnh vực như điện gió ngoài khơi, hydrogen xanh hay công nghiệp bán dẫn… là những lĩnh vực đòi hỏi sự tham gia của các DNNN, đặc biệt là DNNN quy mô lớn.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Doanh nghiệp Nhà nước đang chậm chuyển mình trong xu hướng mới, thời đại mới
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO