Ông Nguyễn Xuân Bình, Trưởng phòng Giám sát quản lý - Cục Hải quan TP.HCM cho rằng, trong quá trình làm thủ tục hải quan, cơ quan Hải quan đã phát hiện và ngăn chặn nhiều loại hóa chất chứa tiền chất ma túy. Việc quản lý tiền chất nhập khẩu là cần thiết, nhưng cần cập nhật danh mục quản lý tiền chất, hóa chất cho phù hợp, các mặt hàng quản lý cần rõ ràng về nhóm hàng, tiêu chí cụ thể để các đơn vị thực thi không gặp vướng.
Có mặt tại khu vực làm thủ tục hải quan tại cảng Cát Lái ngày 28/11, chúng tôi nhận thấy một số DN nhập khẩu các mặt hàng bị điều chỉnh bởi Nghị định 113 đang tỏ ra bất ngờ vì hàng hóa có nguy cơ bị ách tại cửa khẩu. Trong đó, phần nhiều là DN nhập khẩu mực in. Theo anh Nguyễn Đình Hào, Công ty kiến trúc sư SBC cho biết có 2 lô hàng mực in nhập khẩu tại cảng Cát Lái do vướng quy định về tiền chất theo Nghị định 113, khó có thể thông quan trong ngày. Theo anh Hào, như thường lệ anh mở tờ khai điện tử ngày hôm trước, hôm sau xuống cảng hoàn tất thủ tục nhận hàng. Nhưng hôm nay, xuống làm thủ tục, cơ quan Hải quan cho biết, từ ngày 25/11, mực in nhập khẩu bị điều chỉnh bởi Nghị định 113, thấy bất ngờ quá.
Cũng đang trong tâm trạng lo lắng vì lô hàng mực in nhập khẩu gặp vướng mắc tại cảng Cát Lái, anh Đoàn Văn Minh, Công ty TNHH Kỹ thuật Thành Thất cho biết, công ty chuyên nhập khẩu mặt hàng mực in hơn chục năm nay, thủ tục không gặp vướng mắc gì, thông quan nhanh chóng, nhưng hôm nay mặc dù các thủ tục về giấy phép, kiểm tra chất lượng đã xong nhưng vẫn chưa thông quan được do mặt hàng này có chứa tiền chất theo quy định tại Nghị định 113, cơ quan Hải quan yêu cầu giám định. “Lô hàng phải đi giám định thì DN lại mất thời gian chờ kết quả giám định. Kết quả giám định nếu tiền chất ở mức phải xin giấy phép, DN lại phải đi xin thêm một giấy phép cho mặt hàng này. Như vậy, DN phải mất thêm nhiều thời gian, chi phí cho việc nhập khẩu những mặt hàng này”- anh Minh than thở.
Không chỉ lo tốn thêm thời gian, chi phí, một số DN nhập khẩu mặt hàng mực khô, mực gói còn lo ngại hư hỏng hàng nếu để tại cảng trong điều kiện đang nắng nóng. Theo các DN, nếu hàng hóa lưu tại cảng khoảng 15 ngày, các gói mực sẽ khô cứng lại, không còn sử dụng được. Trong khi đó, cơ quan Hải quan cũng không thể giải quyết cho DN mang hàng về kho riêng bảo quản, vì theo quy định, mặt hàng này phải lưu tại cảng để kiểm tra, không thuộc diện mang về bảo quản.
Làm thủ tục thông quan cho các lô hàng mở tờ khai trước ngày 25/11/2017- thời điểm Nghị định 113 có hiệu lực, anh Phan Đình Phi, Công ty TNHH Tấn Quang cho biết, các tờ khai nhập khẩu mực in của DN mở tờ khai trước ngày 25/11/2017 nên chưa bị điều chỉnh bởi quy định của Nghị định 113, nhưng thấy tình trạng trên, anh Phi cũng tỏ ra rất lo lắng cho các lô hàng nhập khẩu sau, nếu bị ách lại để kiểm tra chuyên ngành sẽ chậm thời gian giao hàng cho khách, vi phạm hợp đồng…
Chia sẻ với những vướng mắc của DN, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM Nguyễn Hữu Nghiệp cho biết, trước khi Nghị định 113 có hiệu lực, lường trước những vướng mắc, bất cập khi triển khai thực hiện, Cục Hải quan TP.HCM đã báo cáo vướng mắc và Tổng cục Hải quan đã có báo cáo Bộ Công Thương về những bất cập này. Theo quy định tại khoản 1 Điều 13 Nghị định 113/2017/NĐ-CP, có 2 trường hợp được miễn trừ giấy phép XNK tiền chất, gồm: Hàng hóa chứa tiền chất công nghiệp nhóm 1 có hàm lượng nhỏ hơn 1% khối lượng và hàng hóa chứa tiền chất công nghiệp nhóm 2 có hàm lượng nhỏ hơn 5% khối lượng. Như vậy, có thể hiểu những loại hàng hóa không thuộc 2 trường hợp này đều phải xin giấy phép.
Theo lãnh đạo Đội Thủ tục hàng hóa nhập khẩu, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1, quy định này đã phát sinh nhiều vấn đề bất cập, bởi hàng hóa chứa tiền chất không được định danh trong các văn bản pháp quy. Tại cảng Cát Lái hàng ngày có rất nhiều mặt hàng chứa tiền chất được làm thủ tục nhập khẩu, như: Bình ắc quy chì, mực in, dung môi hữu cơ, dược phẩm, sơn, thuốc nhuộm… vậy mặt hàng nào cơ quan Hải quan áp dụng Nghị định 113 để yêu cầu kiểm tra đối với DN? Trên thực tế, cơ quan Hải quan phân loại hàng hóa theo danh mục và mã HS song, do không có danh mục quản lý đối với hàng hóa chứa tiền chất và đa số hàng hóa chứa tiền chất không thể nhận biết bằng cảm quan nên theo quy định tại Nghị định 113 cơ quan Hải quan phải yêu cầu phân tích giám định làm kéo dài thời gian, tốn kém thêm chi phí cho DN- trái với tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết 19-2017/NQ-CP của Chính phủ.
Phó Cục trưởng Nguyễn Hữu Nghiệp cho rằng, nên quản lý hợp chất có tiền chất với hàm lượng là bao nhiêu. Theo quy định tại Nghị định 113, tất cả hàng hóa chứa tiền chất quản lý như tiền chất thì sẽ gây vướng cho DN. Thực tế, cơ quan Hải quan và DN bằng trực giác và cảm quan khó có thể biết được mặt hàng nào có chứa tiền chất, tỷ lệ bao nhiêu… mà phải qua phân tích, kiểm định tại các phòng thí nghiệm mới biết được. Vậy lô hàng nào cơ quan Hải quan cũng yêu cầu giám định, phân tích lại gây khó khăn, tốn kém cho DN. Nhưng nếu cơ quan Hải quan không kiểm tra theo quy định kiểm tra chuyên ngành về hóa chất thì lại làm trái Nghị định 113.
Thu Minh