Kinh tế

Doanh nghiệp tư nhân chờ đợi gì từ Nghị quyết 68-NQ/TW?

Việt Vũ 14/05/2025 15:13

(CLO) Là đối tượng được hưởng lợi từ Nghị quyết 68-NQ/TW, nhiều doanh nghiệp chờ đợi những giải pháp cụ thể tháo gỡ những khó khăn đang vướng mắc.

Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 68-NQ/TW (Nghị quyết 68) về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó đề cập đến nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam.

Là đối tượng được hưởng lợi từ Nghị quyết 68, nhiều doanh nghiệp chờ đợi những giải pháp cụ thể tháo gỡ những khó khăn đang vướng mắc.

Theo ông Trần Văn Lê, Chủ tịch Tập đoàn Phương Linh, Nghị quyết 68 là một chủ trương có ý nghĩa đặc biệt, được ban hành trong bối cảnh lịch sử quan trọng của đất nước và nền kinh tế.

Doanh nghiệp tư nhân chờ đợi nhiều quy định được bãi bỏ. (Ảnh: SPO)
Doanh nghiệp tư nhân chờ đợi nhiều quy định được bãi bỏ. (Ảnh: SPO)

Tuy nhiên, để Nghị quyết này thực sự đi vào cuộc sống, điều cốt lõi là phải giải quyết môi trường cạnh tranh thiếu lành mạnh đang khiến giá trị gia tăng bị bào mòn, chi phí bị đội lên và lợi nhuận của doanh nghiệp bị triệt tiêu.

Vị doanh nhân này cho rằng, điều nguy hiểm nhất hiện nay là Việt Nam vẫn chưa có luật chống bán phá giá, một công cụ then chốt để bảo vệ giá trị lao động và sản phẩm trong nước.

“Nhiều quốc gia như Nhật Bản có những quy định chặt chẽ, đảm bảo tỷ suất lợi nhuận tối thiểu cho doanh nghiệp. Còn chúng ta thì sao?”, ông Lê trăn trở.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả cho biết: Nghị quyết 68 đã thể hiện rõ vai trò trung tâm của doanh nghiệp trong công cuộc phát triển. Tuy nhiên, ông cho rằng ngoài sự ủng hộ từ Đảng, Nhà nước thì bản thân doanh nghiệp cũng phải thay đổi, chủ động đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng, quản trị, văn hóa và chiến lược phát triển.

Đồng thời, đại diện Đèo Cả nêu một loạt kiến nghị nhằm tạo dựng một môi trường phát triển lành mạnh, bền vững cho khu vực kinh tế tư nhân.

Screenshot 2025-05-14 145143
Ông Nguyễn Hữu Hùng, Phó chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả. (Ảnh: SO)

Thứ nhất, ông nhấn mạnh tới việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, không chỉ lo cho cổ đông hay người lao động, doanh nghiệp còn phải có trách nhiệm với cộng đồng và đất nước. Tư nhân muốn được nhìn nhận là một thành phần kinh tế chủ lực thì phải thể hiện được văn hóa trách nhiệm.

Thứ hai, cần phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; theo ông, đây là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp tạo ra đột phá, bứt khỏi “vùng an toàn”. Nếu thiếu tinh thần này, nền kinh tế sẽ thiếu động lực đổi mới.

Thứ ba, ông Hùng đặt vấn đề về chiến lược phát triển nguồn nhân lực. Ông Hùng cho rằng, nếu không có chuẩn bị dài hạn về đào tạo nhân lực cho từng ngành, từng vùng thì rất khó đi đến đích.

Ông cho rằng, các định hướng phát triển quốc gia phải đi kèm chiến lược nhân lực bài bản, bắt đầu từ bậc đào tạo.

Thứ tư, ông Hùng kêu gọi tư duy đổi mới sáng tạo, nhấn mạnh rằng sự khác biệt chỉ đến từ những cách nghĩ táo bạo, có cơ sở, có tầm nhìn, chứ không phải hành động liều lĩnh.

“Chúng ta phải tạo ra sản phẩm, dịch vụ vượt trội bằng trí tuệ và công nghệ – không đi sau, không làm theo”, ông nói.

Cuối cùng, đại diện Đèo Cả cho rằng chính doanh nghiệp cũng cần soi lại mình, học cách tinh gọn bộ máy, nâng cao năng suất.

“Nhìn vào bộ máy nhà nước, chúng ta thấy yêu cầu cải cách rất lớn, nhưng ngay cả doanh nghiệp cũng không ngoại lệ. Không thể quản trị bằng kinh nghiệm hay cảm tính mãi, chúng ta cần ứng dụng công nghệ để hiện đại hóa mô hình vận hành”, ông Hùng nói.

Ông kết luận, từ nghị quyết đến hành động là một chặng đường dài, nhưng nếu không bắt tay vào việc thì mọi kế hoạch chỉ nằm trên giấy.

"Kinh tế tư nhân cần không gian, cần niềm tin và quan trọng nhất – cần hành động cụ thể để cùng đất nước bước sang một giai đoạn phát triển mới”, ông HÙng nhấn mạnh.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Doanh nghiệp tư nhân chờ đợi gì từ Nghị quyết 68-NQ/TW?
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO