Doanh nghiệp vẫn chưa lấy lại được tinh thần sau đại dịch COVID-19
(CLO) Dù có các chính sách hỗ trợ mạnh tay, thế nhưng, TS Nguyễn Đình cung cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp vẫn chưa hoàn toàn lấy lại được tinh thần trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện.
Mở cửa nền kinh tế là hợp lý
Đầu năm 2022, Quốc hội, Chính phủ đã thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đi kèm theo đó là gói hỗ trợ lên tới 350.000 tỷ đồng.
Sau hơn 3 tháng triển khai, gói hỗ trợ này đã đem lại nhiều tín hiệu tốt cho nền kinh tế Việt Nam, từng bước hồi phục lại trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện.

Sau hơn 3 tháng triển khai, gói hỗ trợ này đã đem lại nhiều tín hiệu tốt cho nền kinh tế Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo và Công luận, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khẳng định: Với gói hỗ trợ này, Quốc hội, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm phục hồi lại kinh tế.
TS Nguyễn Đình Cung cho biết: Một trong những nhiệm vụ Chính phủ đã làm rất tốt sau khi đưa ra gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng, đó chính là quá trình mở cửa lại kinh tế. Cho tới nay, so với thế giới, Việt Nam về nguyên tắc đã mở cửa hoàn toàn. Đây chính là một điều kiện quan trọng, để kinh tế hồi phục trở lại.
“Tuy nhiên, thời gian tới, tôi vẫn hy vọng chúng ta bỏ hết các chương trình phòng chống dịch, như 5K xuống 1K hay 2K là đủ, bỏ các yêu cầu về xét nghiệm COVID-19, mở cửa lại trường học. Tất cả điều này để mở cửa lại du lịch, đón chuyên gia và các doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư”, TS Cung nói.
Khác với các gói hỗ trợ trước đó, Chính phủ đã chỉ đạo rất nhanh, nhất quán trong vấn đề giải ngân gói hỗ trợ, nhất là vấn đề đầu tư công.
“Phải thừa nhận rằng, gói hỗ trợ lần này được giải ngân nhanh, thế nhưng cần phải nhanh hơn nữa, tập trung hơn nữa vào các công trình mang tính chất đặc biệt quan trọng. Ví dụ như các đường cao tốc phía Đông (Hà Nội), đường vành đai 2, vành đai 3 (Hà Nội), tiếp đến là đường cao tốc Biên Hòa (Đồng Nai). Tất cả các vấn đề liên quan tới đầu tư công cần giải quyết dứt điểm. Tuy nhiên, để hiệu quả, ngoài Chính phủ cũng cần các Bộ trường, cùng Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố vào cuộc”, TS Nguyễn Đình Cung nói.
Ngoài các tín hiệu tích cực nêu trên, TS Nguyễn Đình Cung vẫn nêu ra một số hạn chế trong chương trình phục hồi lần này. Trong đó, hạn chế lớn nhất, đó là các thủ tục hành chính vẫn rườm rà, tốn nhiều thời gian.
“Vừa qua, tôi có đi khảo sát một số địa phương để tìm hiểu cộng đồng doanh nghiệp đã nhận được những chính sách hỗ trợ gì từ Chính phủ. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ chia sẻ họ chưa nhận được các gói hỗ trợ của Chính phủ, họ cảm thấy xa vời, vì thủ tục nhận hỗ trợ chưa được tinh gọn”, TS Cung nói.
Vì vậy, ông Cung cho rằng, muốn doanh nghiệp phục hồi nhanh, Chính phủ nên xem xét cắt bỏ một số bước trong thủ tục hành chính, vì có như vậy chính sách hỗ trợ mới đến được doanh nghiệp.
Doanh nghiệp vẫn chưa lấy lại được tinh thần
Dù có các chính sách hỗ trợ mạnh tay, thế nhưng, TS Nguyễn Đình cung cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp vẫn chưa hoàn toàn lấy lại được tinh thần trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện.

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM).
Ông Cung phân tích: Điểm sáng của nền kinh tế, chính là số doanh nghiệp được thành lập mới, số doanh nghiệp hoạt động trở lại đã tăng lên nhiều lần. Tuy nhiên, sức cầu của nền kinh tế còn thấp.
Điều này thể hiện ở chỗ doanh số bán lẻ đang thấp hơn rất nhiều so với trước dịch. Điều này chứng tỏ rằng, thu nhập của người dân, doanh nghiệp vẫn ở mức thấp, hoặc mọi người vẫn chưa sẵn sàng chi tiêu.
“Do đó, khi tổng cầu yếu, thì doanh nghiệp không thể phát triển nhanh được, vì sản phẩm được sản xuất ra phải có người tiêu thụ”, TS Cung nói.