"Đôi chân trần" và những ước mơ!

03/04/2015 18:04

"Đôi chân trần" và những ước mơ!

(NB&CL) - Trải dài khắp miền Đức Trọng, Di Linh (Lâm Đồng) là những nương rẫy bạt ngàn, tít tắm! Xa xa… thấp thoáng một vài em bé đầu trần, chân đất đang chăm chỉ chăn dắt đàn trâu gặm cỏ. Đều là người dân tộc K’Ho, đa phần vì hoàn cảnh quá khó khăn, các em phải xa nhà đi chăn trâu thuê để đỡ đần miếng cơm manh áo cho gia đình. Cứ thế qua bao thế hệ, “đôi chân trần” của các K’Lanh, K’Nâu, K’Dít… từng ngày bước đi trên con đường còn quá thênh thang…

K'Dít tranh thủ lúc rảnh chân lấy cuốn sổ ra ngồi hát.

Lưng em đi đội nắng gầy...

Xuân đã chớm về trên đất trời Phú Hội! Khi ông mặt trời chưa ló dạng, giữa cái rét run người của núi rừng miền sơn cước, tại Buôn C, người ta đã thấy cậu bé K’Nâu dậy sớm lúi cúi quét nhà, dọn dẹp, nấu cơm. 5 giờ 30 sáng, bên bếp lửa vẫn còn bập bùng ửng đỏ, K’Nâu đã kịp đeo trên lưng hành trang, vội vã sải bước trong sương lạnh... Em đi chăn trâu!

K’Nâu năm nay 13 tuổi, quê ở Gia Hiệp, Di Linh. Cũng như bao đứa trẻ nghèo khó trong buôn, từ thuở bé em đã xa nhà đi ở mướn. Em kể rằng vì nhà đông con, khó khăn nên từ năm lên 8 em bắt đầu đi giúp việc khắp vùng Di Linh, Đức Trọng. Nhờ siêng năng, K’Nâu may mắn được một chủ nhà nhận ở lại chăn trâu. Đến nay, em đã có 5 năm tuổi nghề chăn trâu mướn. Hàng ngày, công việc chính của K’Nâu là lùa trâu lên nương và đảm bảo trâu no căng bụng. Với “quân số” phải quản lý bình quân từ 20 đến 30 con/ngày, dường như nhiệm vụ của K’Nâu khá mệt nhọc.

Mỗi công việc có một cái khổ riêng, chăn trâu miền sơn cước cũng không là ngoại lệ. Sau mùa vụ, hầu hết khắp các nương rẫy ở đây được tận dụng để phục vụ cho hoạt động chăn thả gia súc nhưng khi vào mùa, nhà nào có trâu bắt buộc phải lùa lên đồi cao hơn để tránh phá phách nương sắn, nương ngô đang gần đến ngày gặt hái. Mỗi lần “lùa quân” như vậy, các em phải di chuyển gấp đôi, gấp 3 lần quãng đường thường lệ. Bởi vậy, mỗi ngày trước giờ xuất phát K’Nâu đều phải chịu khó dậy sớm, chạy đi tìm nơi cỏ mọc tốt để lùa đàn lên “đóng cột”. K’Nâu thủ thỉ tiết lộ bằng tiếng dân tộc của mình: “Còn rpu xa hờm, gơ ợ toát lình làng. Tờáp rpu lngai nhất là ngó gơ xa mó mờ ờnun lờng. Vì hớ gơ mớ iat vơn anh” - (Con trâu nó ăn no cái bụng, nó ít chạy lung tung. Chăn trâu sướng nhất là thấy nó miệt mài ăn và cái bụng nó phình to. Được vậy nó mới nghe lời của K’Nâu).

Chăn trâu trên nương cũng phải có kỹ thuật! Ở địa hình đồi núi, việc trâu đi lạc bị sẩy chân lọt xuống triền đồi xảy ra rất thường xuyên. Cho nên, để tránh “tai họa”, “các nhà quản lý” cũng phải biết “đánh kí tự” cho mỗi “lính” qua từng đặc điểm nhằm dễ bề coi ngó là một nguyên tắc bất di bất dịch. Ngoài ra, nếu muốn công việc được thảnh thơi, bắt buộc phải thuần phục con đầu đàn, vì chỉ cần nó ngoan ngoãn nằm yên thì các con khác cũng sẽ răm rắp tuân theo. Cứ đều đặn như thế, mỗi người chỉ huy một đàn, sáng sớm các em lần lượt lùa trâu đi đội “nắng gầy”… đến khi ông mặt trời khuất núi thì cưỡi lưng trâu phe phẩy đi về.

…Ước mơ đi học!

K'Nâu đang dẫn bầy trâu về chuồng.

Ở Buôn C, dường như nhà nào cũng có đàn trâu đông nên nhu cầu cần người chăm sóc loài gia súc trên là rất lớn. Dĩ nhiên, có cầu ắt có cung! Từ đó, ở đây bắt đầu xuất hiện những “cư dân nhí” mới toanh, họ là các em bé đến từ những buôn bản xa xôi, nơi mà “cái bụng” vẫn còn chưa no ấm. Một trong những cậu bé xuất thân như thế, K’Lanh ở Buôn Gia Rlanh (Gia Hiệp) luôn được xem như một “phép màu” cổ tích. Chuyện kể rằng: ngày trước, nhà K’Lanh đông anh em và nghèo túng lắm. Không đủ ăn, cha mẹ phải gửi K’Lanh đi chăn trâu thuê cho nhà người ở tận Phú Hội. Thế là 9 tuổi, K’Lanh đã phải sớm chịu cực khổ. Vậy nhưng, K’Lanh không bao giờ than vãn mà luôn cố gắng làm lụng và ăn ở thật thà. Chính nhờ sự nhiệt huyết của mình, vài năm sau K’Lanh được chủ nhà trả công bằng hai con trâu nghé. Từ đó, ngoài công việc chăn trâu, K’Lanh còn học thêm rất nhiều kỹ thuật canh tác nông nghiệp. Năm 19 tuổi, K’Lanh đã có ngót nghét trong tay sáu con trâu. Đến lúc này, K’Lanh bắt đầu đem ý tưởng bán một phần trâu mình có để lấy vốn làm nông nghiệp ổn định. Không lâu sau, chẳng mấy chốc từ một thằng phải đi ở cho nhà người ta, K’Lanh đã tậu hẳn một cơ ngơi mà ai cũng thầm mơ ước.

Quả thực, cuộc sống hiện tại của K’Lanh đang quá lung linh đối với các em nhỏ đồng bào dân tộc K’Ho xa nhà đi chăn trâu mướn. Cũng phải, bởi rõ ràng tuổi thơ của K’Lanh trước đây hay cuộc sống bây giờ của các em đều cùng chung sự đồng điệu; là sáng sớm phải thức dậy trước ông mặt trời để đi mở cửa chuồng trâu; là những trận đuổi bắt nhau trên cánh đồng bất tận; là khi hoàng hôn tắt nắng lùa trâu về; là những lúc được chủ nhà yêu thương cho tiền mua bánh kẹo, hay những lần được tặng quần áo mới khi gần đến Tết. Ở nơi ấy, mùi trang giấy, mùi mực viết cùng chiếc khăn quàng đỏ thắm trên vai chỉ là những vật phẩm xa xỉ mà không bao giờ các em với tới.

Trong những ngày ở đây cùng các em, tôi nghe già làng K’Long cho biết, buôn của già có tổng cộng 6 trẻ chăn trâu, các em đều rất ngoan. Tiền kiếm được các em đều gửi hết cho gia đình. Một lần khác, tôi lại được nghe K’Nôi bùi ngùi kể lại: “Có những đêm khuya lắc khuya lơ, nhận được tin báo trâu xổng chuồng đi ăn rẫy bắp người ta, K’Nôi phải thức dậy cùng chủ đi bắt trâu về, lùng sục cả đêm mới tìm thấy nó trốn trên một quả đồi”. Rồi một buổi chiều có dịp lên nương, tôi bỗng thấy K’Dít nhìn vào một cuốn tập và hát nghêu ngao. Bất ngờ, tôi hỏi thì K’Dít ngượng ngùng đáp: “K’Dít năm nay 10 tuổi rồi nhưng chưa đi học. Tại mê cái chữ nên K’Dit nhờ người chép bài hát mà K’Dít đã nghe thuộc từ trước vào cuốn sổ, rồi giả vờ nhìn vào hát cho giống. K’Dít mê học cái chữ lắm!”.

Vâng, em mê đi học! Có lẽ ước mơ tưởng chừng to bằng “ông mặt trời đang lên núi” này không chỉ của riêng một “đôi chân trần” K’Dít mà là mơ ước của rất nhiều trẻ em đồng bào dân tộc thiểu số khác trên đất nước Việt Nam. Cũng có lẽ, vì hoàn cảnh gia đình, vì cuộc sống mưu sinh, vì sự thờ ơ của người lớn và vì một sự bất cập nào đó nên các em chưa bao giờ dám nghĩ đến cái điều mà mình có quyền đòi hỏi, có quyền được ước mơ!

Mặt trời xuống núi! Tôi, K’Dít cùng bọn trẻ chăn trâu ra về lúc ánh nắng yếu ớt cuối cùng của mùa đông vừa kịp khuất xa.

Ts. Đỗ Ngọc Anh

    Nổi bật
        Mới nhất
        "Đôi chân trần" và những ước mơ!
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO