Hà Tĩnh:

Đội cỗ đi Lễ tế tổ trong ngày khai hạ ở Làng Cam Lâm

Thứ hai, 15/02/2021 09:24 AM - 0 Trả lời

(CLO) Như mạch nguồn chảy mãi, thế hệ nọ nối tiếp thế hệ kia, ngày lễ tế tổ họ trong ngày khai hạ mùng 4 Tết đã trở thành nghi thức mang nét văn hóa truyền thống không thể thiếu đối với các dòng họ ở Làng Cam Lâm, xã Xuân Liên (Nghi Xuân, Hà Tĩnh).

Từ sáng sớm mùng 4 Tết, con cháu trong dòng họ ở Làng Cam Lâm đội cỗ được chuẩn bị từ chiều hôm qua đến từ đường tế tổ

Từ sáng sớm mùng 4 Tết, con cháu trong dòng họ ở Làng Cam Lâm đội cỗ được chuẩn bị từ chiều hôm qua đến từ đường tế tổ

Hàng năm cứ đến ngày này, người dân trong làng lại nhộn nhịp đội cỗ đi nhà thờ họ để cúng bái tổ tiên tạo nên không khí “về nguồn” đấm ấm. Đây là một nghi lễ tín ngưỡng được các thế hệ người dân nơi đây giữ gìn, trân trọng, trở thành một mỹ tục truyền thống và là sự tri ân, cũng là cách để tự dặn với lòng mình và răn dạy con cháu không bao giờ quên truyền thống và luôn hướng về cội nguồn.

Đã thành thông lệ, trong ngày này, con em đang đi làm ăn, học tập, công tác xa thường tranh thủ về thăm quê để cùng cúng tổ họ với những người thân trong gia đình mình. Bất kể giàu hay nghèo, vào ngày cúng tổ họ, gia đình nào cũng làm ít nhất một mâm cỗ như: bánh chưng, bánh tét hoặc xôi gà thịnh soạn đội đến nhà thờ dòng họ của mình để thắp hương cúng bái tổ tiên.

Sáng nay (mồng 4 Tết), khi tờ mờ sáng chưa rõ mặt người, bác Trần Hải Bình (63 tuổi) ở xóm Lâm Vượng, xã Xuân Liên dậy sớm để đội cỗ thờ đi cúng tổ tiên ở nhà thờ đại tôn họ Trần cách nhà hơn 1 km.

Bác Bình cho biết: "Để tỏ lòng thành kính, từ trong Tết, gia đình bác đã chọn, mua sắm nguyên liệu gói bánh chưng và ngày hôm qua (mùng 3 Tết), cả nhà quây quần trước sân, cùng lau rửa lá dong, đãi đỗ, vo nếp, ướp thịt rồi gói và nấu chín bánh để làm mâm cỗ thật chu đáo, tươm tất".

Những cỗ bánh được con cháu dòng họ bày biện chu đáo, tươm tất tại nhà thờ họ mình.

Những cỗ bánh được con cháu dòng họ bày biện chu đáo, tươm tất tại nhà thờ họ mình.

Từ bao đời nay, người dân làng Cam Lâm vẫn giữ tục lễ đội cỗ đi cúng như xưa. Ngày cúng tổ họ, nhà nhà làm mâm, làm cỗ, trên đường làng, người người gánh cỗ, đội cỗ đi cúng khá đông vui, tạo nên một nét đẹp riêng trong ngày lễ truyền thống ở vùng quê này.

Nhà thờ họ Trần Quang Mỹ (họ Trần Quý) thuộc làng Cam Lâm, xã Xuân Liên được xây dựng vào năm 1716 để thờ các vị tổ tiên trong dòng họ. Trong đó có nhiều vị có công với dân với nước. Đây là công trình kiến trúc tâm linh cổ kính và độc đáo, gồm 3 tòa với 248 hộ, trong đó có 410 đinh. Ngoài ra, còn có một chi họ ở xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân) và một chi họ ở xã Quỳnh Tam (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) với tổng trên 500 đinh; nhà thờ đến nay đã truyền nối 17 đời. Năm 2018 được UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Dịp lễ này, các ngôi từ đường được bày kín các mâm cỗ. Đến trưa mùng 4 Tết, trong hương hoa nghi ngút cùng tiếng trống tế rộn ràng, đội hành lễ với quần áo mũ mão truyền thống chỉnh tề sẽ tiến hành các nghi thức tế lễ tại nhà thờ một cách long trọng trang nghiêm.

Các ngôi từ đường ở làng Cam Lâm được bày kín các mâm cỗ

Các ngôi từ đường ở làng Cam Lâm được bày kín các mâm cỗ

Ngược lên di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia nhà thờ Tiến Sỹ Nguyễn Bật Lãng tọa lạc tại thôn Lâm Hải Hoa, xã Xuân Liên, việc cúng tổ họ trong ngày khai hạ mùng 4 Tết đã trở thành nghi thức không thể thiếu của dòng họ Nguyễn Tiến Sỹ (thôn Lâm Hải Hoa). Con cháu trong dòng họ đúng ngày đã định đều mang cỗ cúng được chuẩn bị chu đáo, tỉ mẩn về nhà thờ họ dâng lên tổ tiên với lòng thành kính, biết ơn.

“Con cháu đông, nhiều người làm ăn ở xa nhưng nếu không về được dịp tết thì ra mùng 4 Tết cũng cố gắng sắp xếp về tham dự lễ cúng. Đây là dịp để con cháu thể hiện lòng thành kính với tổ tiên, cầu mong một năm an lành, hạnh phúc và cũng là dịp anh em họ tộc quây quần, sum vầy. Khoảng 8 giờ sáng nay, khi con cháu đã tập trung đầy đủ về từ đường thì sẽ thực hiện lễ tiến cỗ tế xuân để mời tổ tiên và các bậc tiền nhân về từ đường”, bác Nguyễn Văn Đình (một người con dòng họ) chia sẻ.

Thủ từ di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia nhà thờ Tiến Sỹ Nguyễn Bật Lãng đang chuẩn bị công đoạn cuối cùng để tế tổ ngày khai hạ vào 8 giờ sáng

Thủ từ di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia nhà thờ Tiến Sỹ Nguyễn Bật Lãng đang chuẩn bị công đoạn cuối cùng để tế tổ ngày khai hạ vào 8 giờ sáng

Trước bàn thờ tổ tiên, người chủ lễ (thường là tộc trưởng và người lớn tuổi nhất trong dòng tộc) quần áo chỉnh tề để làm lễ. Lời khấn có thể bằng chữ Hán- Nôm hay bằng chữ Việt song đều có một nội dung chung là kính cẩn, long trọng mời anh linh các vị tiên tổ về chứng dám cho lòng thành kính của con cháu trong ngày Tết cúng Tổ, đồng thời kính mong các vị tiên tổ anh minh, đức độ phù hộ độ trì cho con cháu trong dòng tộc được no ấm, xóm làng được yên vui và gia đình được an khang, thịnh vượng quanh năm.

Theo phong tục truyền thống của địa phương, khi những nén hương trên bàn thờ tổ tắt khói, con cháu trong dòng họ mới hạ mâm cỗ xuống, sau đó mọi người quây quần vui vẻ cùng ăn. Nhà nhà chúc nhau một năm mới nhiều sức khỏe bình an, tài lộc  giữa không khí quây quần, đầm ấm.

Ngày cúng tổ họ mùng 4 tết ở Làng Cam Lâm không chỉ là ngày cả gia tộc dòng họ được đoàn tụ, sum vầy dịp đầu Xuân năm mới, mà đó còn là ngày nhắc nhở mọi người từ lớn đến bé, từ già đến trẻ luôn khắc cốt ghi tâm đạo lý và truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” của dân tộc ta.  Văn hóa dòng họ là nền tảng của văn hóa nông thôn Việt Nam, tỏa sáng và có sức ảnh hưởng lớn đến đời sống khi trở thành nơi đến và chỗ dựa tinh thần không thể thiếu trong tâm thức mỗi người. Từ nghìn năm, văn hóa dòng họ là yếu tố cấu thành chính của văn hóa làng, góp phần làm giàu các giá trị văn hóa Việt Nam.

Nghi lễ cúng tổ họ của người dân Cam Lâm đã góp phần giáo dục con cháu trong dòng họ phải luôn lưu giữ, trân trọng truyền thống mà tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã để lại. Đồng thời, góp phần làm cho các thành viên trong dòng họ đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ nhau trong cuộc sống trên quê hương Xuân Liên giàu truyền thống văn hóa và anh hùng.

Một số hình ảnh ghi nhận tại Làng Cam Lâm, xã Xuân Liên, Nghi Xuân (Hà Tĩnh):

Báo Công luận
Báo Công luận
Báo Công luận
Báo Công luận
Báo Công luận
Báo Công luận
Báo Công luận
Báo Công luận
Báo Công luận
Báo Công luận

Trần Phong

Tin khác

Lễ hội đền Yên Lương là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

Lễ hội đền Yên Lương là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

(CLO) Tối 18/4, tại Quảng trường Bình Minh, UBND tỉnh Nghệ An và UBND thị xã Cửa Lò tổ chức công bố di sản phi vật thể quốc gia Lễ hội Đền Yên Lương.

Đời sống văn hóa
Chiêm ngưỡng 100 tác phẩm nghệ thuật đặc sắc của họa sĩ Văn Chiến

Chiêm ngưỡng 100 tác phẩm nghệ thuật đặc sắc của họa sĩ Văn Chiến

(CLO) Triển lãm “Kỷ niệm và Trải nghiệm: 100 Tác phẩm Nghệ thuật từ Họa sĩ Văn Chiến” sẽ diễn ra vào ngày 20/4/2024 tại Nhà Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam, số 16 Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Đời sống văn hóa
Từng bừng Lễ hội Nghinh Ông ở Đông Hải, Bạc Liêu

Từng bừng Lễ hội Nghinh Ông ở Đông Hải, Bạc Liêu

(CLO) Lễ hội Nghinh Ông ở Đông Hải là lễ hội dân gian truyền thống đặc trưng của ngư dân vùng ven biển, nhằm thể hiện lòng thành của ngư dân tạ ơn biển cả.

Đời sống văn hóa
Vĩnh Long có thêm 2 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

Vĩnh Long có thêm 2 di sản văn hoá phi vật thể quốc gia

(CLO) Lễ hội Văn Thánh Miếu và Nghệ thuật hát bội tỉnh Vĩnh Long là những di sản thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của cộng đồng địa phương và được kế tục qua nhiều thế hệ.

Đời sống văn hóa
Sôi nổi và hấp dẫn các hoạt động tại Lễ hội Hoa Lư năm 2024

Sôi nổi và hấp dẫn các hoạt động tại Lễ hội Hoa Lư năm 2024

(CLO) Cùng với các nghi lễ, các hoạt động, trò chơi dân gian tại Lễ hội Hoa Lư cũng là nguồn sử liệu vô cùng quý giá góp phần làm sáng rõ một giai đoạn quan trọng trong dòng chảy lịch sử Việt Nam.

Đời sống văn hóa