Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục thường xuyên đang mang tới nhiều tín hiệu tích cực
(CLO) Việc triển khai chương trình đã giúp học viên phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết, tăng khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT.
Cùng với đổi mới giáo dục phổ thông 2018, giáo dục thường xuyên cũng đồng bộ triển khai thực hiện Chương trình giáo dục thường xuyên tương ứng với các cấp học của Chương trình phổ thông theo tinh thần của Nghị quyết 29/NQ/TW.
Theo báo cáo của Vụ Giáo dục Thường xuyên (Bộ GD&ĐT) trong hai năm triển khai chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT, các Sở GD&DT đã thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục thường xuyên;
Đã tổ chức triển khai thực hiện Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT cơ bản đảm bảo chất lượng, theo đúng lộ trình.

Việc triển khai chương trình đã giúp học viên phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết, tăng khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời (ảnh nguồn Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Năm học 2023-2024 cả nước có 92 Trung tâm giáo dục thường xuyên, 526 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; số phòng học và phòng chức năng tại các Trung tâm là 10.658; phòng thí nghiệm, thư viện, máy tính là 4.438.
Cơ bản đến nay điều kiện cơ sở vật chất của các trung tâm đảm bảo tối thiểu cho việc dạy học các chương trình giáo dục thường xuyên.
Căn cứ Chương trình, khung kế hoạch thời gian và hướng dẫn nhiệm vụ năm học mới 2024-2025 của Bộ GD&ĐT, các Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các Trung tâm lên kế hoạch và tổ chức dạy học.
Các Trung tâm tích cực thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện về phương pháp, cách thức, hình thức dạy học và kiểm tra đánh giá nhằm phát huy tính chủ động sáng tạo và tự học của học viên.
Các tổ, nhóm chuyên môn thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn, giúp giáo viên bắt nhịp với việc đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tất cả các sách giáo khoa được Bộ GD&ĐT phê duyệt đều được các Trung tâm tổ chức cho giáo viên, tổ bộ môn nghiên cứu đề xuất, thành lập hội đồng đánh giá và quyết định lựa chọn phù hợp với điều kiện triển khai thực hiện tại trung tâm; đồng thời báo cáo Phòng GD&ĐT, Sở GD&ĐT tham mưu UBND tỉnh tổ chức lựa chọn, phê duyệt danh mục các sách giáo khoa đáp ứng tiêu chí và phù hợp với địa bàn tỉnh.
Triển khai Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT, các Trung tâm đã xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giảng dạy một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế đảm bảo tính khoa học, cân đối giữa các học kỳ trong năm học, đồng thời tạo cơ hội học tập cho người học có nhu cầu để đạt được trình độ giáo dục THPT theo hình thức giáo dục thường xuyên.
Sau 2 năm học thực hiện, kết quả cho thấy, việc triển khai chương trình đã giúp học viên phát triển những phẩm chất, năng lực cần thiết, tăng khả năng tự học và ý thức học tập suốt đời.
Chương trình cũng tạo điều kiện để người học hoàn thiện học vấn THPT và định hướng nghề nghiệp phù hợp với năng lực, điều kiện và hoàn cảnh của bản thân, đáp ứng yêu cầu có thể tham gia vào thị trường lao động và tiếp tục học lên trình độ cao hơn; đồng thời giúp học viên có nhiều cơ hội lựa chọn các môn học theo năng lực, sở trường.
Tại hội nghị, lãnh đạo, chuyên viên phòng chuyên môn về giáo dục thường xuyên của các Sở GD&ĐT đã có các trao đổi, thảo luận về các chủ đề: Quản lý Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT; công tác bồi dưỡng giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT; giải pháp nâng cao hiệu quả kỳ thi tốt nghiệp THPT…
Từ nhìn nhận các kết quả đạt được, những tồn tại, vướng mắc cần khắc phục sau 2 năm triển khai Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên Hoàng Đức Minh mong muốn các địa phương, các cơ sở giáo dục tiếp tục nâng cao chất lượng trong chương trình môn học và hoạt động giáo dục.
Cùng nghiên cứu, xác định được phương hướng, nhiệm vụ năm học 2024-2025, tìm ra các giải pháp cụ thể và phù hợp để từng bước nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giảng dạy Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT, góp phần vào đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.