Đổi mới giáo dục: Cần sự chia sẻ và thấu hiểu!

Thứ hai, 09/11/2020 18:45 PM - 0 Trả lời

(CLO) Theo bà Ngô Thị Minh khi xây dựng Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT đã đặc biệt chú ý thực hiện việc giảm tải kiến thức hàn lâm để tăng tính trải nghiệm thực hành.

Thời gian qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 1.Trong đó có nhiều ý kiến phản biện, trái chiều đến từ các nhà khoa học, các đại biểu Quốc hội và đông đảo phụ huynh, giáo viên. Đây là một điều khác biệt lớn so với các năm học trước đây.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh (Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội).

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh (ảnh TL).

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh (ảnh TL).

PV: Thưa bà, khác với các năm, năm nay dư luận dành sự quan tâm đặc biệt đến việc thực hiện chương trình phổ thông mới ở lớp 1, bà có thể lý giải về thực trạng này được không?

Thứ trưởng Ngô Thị Minh: Giáo dục là vấn đề tác động đến mọi gia đình, nên việc ĐBQH và Nhân dân quan tâm, tranh luận, trao đổi, trong đó có việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới là điều dễ hiểu và cần thiết.

Trước những vấn đề mới, việc trao đổi, tranh luận để làm rõ quan điểm, nội dung đổi mới, phù hợp với xu hướng phát triển của Thế giới trong tiến trình hội nhập, kịp thời cung cấp thông tin cho công luận, tạo sự đồng tình, ủng hộ của dư luận xã hội sẽ giúp cho sự nghiệp đổi mới giáo dục đi tới thành công.

-Có thực tế là trong các luồng ý kiến phản ánh liên quan đến chương trình lớp 1  mới và sách giáo khao thì nhiều ý kiến kêu khó, theo bà đâu là nguyên nhân?

Thời gian vừa qua, do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên học sinh trước khi vào lớp 1 đã phải ở nhà khá dài (khoảng 6 tháng, từ tháng 2 đến hết tháng 8) các em hầu như không được học chương trình mầm non dành cho trẻ 5 tuổi (không được nhận biết mặt chữ, không được làm quen với việc học tập và chuẩn bị tâm lý trước khi vào lớp 1)…Điều này rất khó khăn cho các nhà trường tiểu học và giáo viên lớp 1.

Mặt khác, cũng do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên việc triển khai tập huấn cho giáo viên lớp 1 cũng bị gián đoạn về thời gian và ảnh hưởng khá nhiều đến tiến độ và chất lượng, các thầy cô ít được tương tác, thực hành về nghiệp vụ trước khi dạy học theo chương trình mới.

Tuy Bộ GD&ĐT và các địa phương đã rất nỗ lực thực hiện tập huấn cho giáo viên thông qua trực tuyến, thực hành trên môi trường mạng… nhưng do giáo viên ít được tương tác với đồng nghiệp và các giảng viên nên đã vấp phải những lúng túng bước đầu.

Đặc biệt, đây là năm học đầu tiên triển khai chương trình và sách giáo khoa mới. Chương trình mới, tuy không tăng về khối lượng kiến thức, chỉ quy định chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt vào cuối năm học và sách giáo khoa mới không biên soạn theo bài, theo tiết có sẵn như trước đây mà được biên soạn theo chủ đề, theo mạch kiến thức và giao cho giáo viên, cho nhà trường nghiên cứu chương trình, sách giáo khoa, nghiên cứu đặc điểm của học sinh tại trường của mình để xây dựng kế hoạch dạy học cụ thể, phù hợp với đối tượng…nhưng những điểm mới quan trọng này chưa được lan tỏa rộng rãi trong phụ huynh và giáo viên.

Nhiều giáo viên chưa hiểu thấu đáo về quyền và trách nhiệm của mình, của nhà trường được giao nhiều hơn, chủ động hơn trong việc phân bố giờ dạy, tiết dạy theo chương trình nên chưa mạnh dạn thay đổi, vẫn thực hiện theo cách cũ và có sự lúng túng khi thực hiện giai đoạn đầu.

Không ít phụ huynh thường có tâm lý so sánh chương trình cũ và mới. Do chưa đủ thông tin nhưng đã vội đưa ra những nhận định, đánh giá thiếu thận trọng đã gây cho con em và cho giáo viên, nhà trường nhiều áp lực không đáng có.

Trên thực tế, cấp ủy chính quyền các địa phương, ngành giáo dục, từng thầy cô giáo, đặc biệt là các thầy cô giáo lớp 1 đã và đang rất cố gắng khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.

Hiện tại, công việc giảng dạy đã bước đầu ổn định và đi vào nề nếp, rất cần sự động viên, chia sẻ và thấu hiểu của các lực lượng xã hội để các thầy cô giáo yên tâm công tác và tiếp tục cống hiến.

- Đúng là dịch COVID -19 có ảnh hưởng lớn đến việc triển khai chương trình, tuy nhiên có người cho rằng chương trình giáo dục phổ thông mới nặng hơn Chương trình cũ, vậy quan điểm của bà như thế nào?

Khi xây dựng Chương trình, Bộ GD&ĐT đã đặc biệt chú ý thực hiện việc giảm tải kiến thức hàn lâm để tăng tính trải nghiệm thực hành.

Qua giám sát (khi tôi đang là Phó chủ nhiệm UBVHGDTTN của Quốc hội) tôi nhận thấy: Về môn học ở chương trình mới đã giảm rõ rệt.

Ví dụ: cấp Tiểu học, lớp 1 và lớp 2 chỉ có 7 môn học; lớp 3 có 9 môn học; lớp 4 và lớp 5 có 10 môn học (trong khi chương trình cũ: lớp 1, lớp 2 và lớp 3 có 10 môn học; lớp 4 và lớp 5 có 11 môn học).

Về số giờ học, Chương trình mới ở cấp Tiểu học bố trí tổng số 2.838 giờ và học 9 buổi/tuần tức là 2 buổi/ngày, trung bình 1,8 giờ/lớp/buổi (chương trình cũ bố trí 2.353 giờ nhưng chỉ học 5 buổi/tuần, học 1 buổi/ ngày, trung bình 2,7 giờ/lớp/buổi).

Về tổng số tiết học môn Tiếng Việt cho cả cấp tiểu học chương trình mới không thay đổi, đều là 1.505 tiết (từ lớp 1 đến lớp 5).

Việc tăng số tiết (01 tiết/ tuần) cho lớp 1 và lớp 2 nhằm giúp học sinh phát triển kĩ năng đọc, viết, nói và nghe tiếng Việt, nhờ đó các em có được công cụ để học tốt các môn học khác, phù hợp với xu thế chung của các quốc gia trên thế giới.

Thời gian qua, tuy Bộ GD&ĐT đã tăng cường truyền thông, xây dựng các video để gửi về các địa phương, trường học, giúp các giáo viên, phụ huynh hiểu rõ về thực hiện đổi mới chương trình và sách giáo khoa nhưng do tình hình dịch bệnh, thiên tai nên việc tuyên truyền chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.

- Để tiếp tục triển khai chương trình lớp 1 mới, Bộ GD&ĐT đã có những chỉ đạo gì thưa bà?

Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả, đúng quy định Chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 3977/BGDĐT-GDTH, chỉ đạo các địa phương tăng cường thực hiện một số giải pháp sau:

Chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch giáo dục thực hiện chương trình lớp 1 theo hướng phân bổ hợp lý về nội dung và thời lượng dạy học giữa các môn học, hoạt động giáo dục, phù hợp với khả năng tiếp thu của từng học sinh, đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình mới được xây dựng theo hướng mở;

Giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập ngay tại lớp học, không giao thêm bài tập về nhà cho học sinh.

Thời khóa biểu cần bảo đảm tỷ lệ hợp lý giữa các môn học và hoạt động giáo dục, phân bổ hợp lý về thời lượng trong ngày học, trong tuần học, phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1.

Chỉ đạo các nhà trường tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với yêu cầu phát triển phẩm chất, năng lực người học; tăng cường trao đổi thông tin để cha mẹ học sinh nắm được yêu cầu đổi mới của chương trình và đồng hành cùng nhà trường thực hiện hiệu quả chương trình.

Tăng cường dự giờ, thăm lớp, hỗ trợ thường xuyên cho giáo viên trong quá trình triển khai thực hiện chương trình; chủ động phối hợp với các nhà xuất bản, cơ sở đào tạo giáo viên trong công tác bồi dưỡng, hỗ trợ chuyên môn cho giáo viên một cách phù hợp.

Trong quá trình triển khai thực hiện, yêu cầu các Sở GD&ĐT tăng cường nắm bắt thông tin phản ánh từ các nhà trường, giáo viên và phụ huynh học sinh để trao đổi, cung cấp thông tin, giải đáp kịp thời và tổng hợp các ý kiến phản ánh về Bộ GD&ĐT theo quy định.

Để xử lý kịp thời, hiệu quả các khó khăn khi sử dụng sách giáo khoa trong giảng dạy và có phương án khắc phục khi phát hiện lỗi trong SGK, Bộ GD&ĐT đã tập trung chỉ đạo các nhà xuất bản, các tác giả viết sách giáo khoa thực hiện các giải pháp linh hoạt, đa dạng để kịp thời hỗ trợ địa phương và giáo viên khắc phục những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện chương trình.

Các Sở GD&ĐT yêu cầu các nhà trường hướng dẫn, hỗ trợ giáo viên chủ động lựa chọn ngữ liệu khác phù hợp (nếu cần thiết) để tổ chức dạy học cho học sinh căn cứ vào yêu cầu của ngữ liệu được quy định trong Chương trình Ngữ văn, căn cứ vào trình độ học sinh, căn cứ vào mục tiêu của hoạt động dạy học đúng theo quy định của chương trình và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

PV: Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Trinh Phúc

Tin khác

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo 'Dinh dưỡng trong học đường'

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo "Dinh dưỡng trong học đường"

Hội thảo "Dinh dưỡng trong học đường" do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp cùng Công ty Ajinomoto Việt Nam tổ chức.

Giáo dục
Bài 1: Mua danh ba vạn hay bán danh…ba đồng?

Bài 1: Mua danh ba vạn hay bán danh…ba đồng?

(CLO) Hiện nay, nhiều người được gắn với danh xưng giáo sư, tiến sĩ tuy nhiên lại chưa được nhà nước công nhận mà do một vài tổ chức nước ngoài phong tặng. Điều này đang gây ra tranh cãi, liệu giá trị của những danh xưng này đến đâu?

Giáo dục
Tăng cường hợp tác giáo dục Việt Nam - Angola

Tăng cường hợp tác giáo dục Việt Nam - Angola

(CLO) Chuyến thăm và làm việc tại Angola của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, với tư cách đại diện Chính phủ Việt Nam, là minh chứng sinh động cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, là dấu mốc quan trọng và ý nghĩa đối với việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên.

Giáo dục
Thanh Hóa: Hàng trăm phụ huynh tập trung phản đối sáp nhập trường học

Thanh Hóa: Hàng trăm phụ huynh tập trung phản đối sáp nhập trường học

(CLO) Chiều 27/3, hàng trăm phụ huynh Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đã không cho con em mình đi học, đồng thời kéo tới trường để phản đối khi hay tin huyện có thông báo việc sáp nhập trường.

Giáo dục
Hưng Yên: Hơn 1 nghìn học sinh tham gia ngày hội tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm

Hưng Yên: Hơn 1 nghìn học sinh tham gia ngày hội tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm

(CLO) Ngày 27/3, tại Trường THPT Phù Cừ (Phù Cừ), Tỉnh đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh Hưng Yên, Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh Hưng Yên tổ chức Ngày hội tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho thanh, thiếu niên. Ngày hội thu hút hơn 1 nghìn học sinh các trường THPT trên địa bàn tỉnh tham gia.

Giáo dục