Đổi mới hoạt động giám sát là yêu cầu nội tại để khẳng định vị thế, vai trò của Quốc hội

17/09/2021 15:48

(CLO) Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát nhằm đáp ứng thực tiễn đòi hỏi của đời sống kinh tế - xã hội diễn ra sôi động, yêu cầu kỳ vọng của cử tri và nhân dân, đồng thời là yêu cầu nội tại để khẳng định vị thế, vai trò của Quốc hội.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 165/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội, ngày 17/9, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương – Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo.

doi moi hoat dong giam sat la yeu cau noi tai de khang dinh vi the vai tro cua quoc hoi hinh 1

Quang cảnh phiên họp.

Tại phiên họp, các đại biểu đã nghe Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường – Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo công bố Nghị quyết số 165/NQ-UBTVQH15 về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội; ra mắt Ban Chỉ đạo và thảo luận, cho ý kiến về kế hoạch, đề cương xây dựng đề án, phân công nhiệm vụ của các thành viên Ban Chỉ đạo thành viên Tổ giúp cho Ban Chỉ đạo và một số công việc liên quan đến triển khai xây dựng đề án.

Thảo luận về nội dung đề án, các đại biểu chỉ rõ thời gian qua hoạt động giám sát của Quốc hội có nhiều cải tiến đổi mới, nhất là việc lựa chọn nội dung giám sát, xây dựng kế hoạch và tổ chức giám sát, thậm chí khóa XIV tiến hành giám sát lại việc thực hiện các nghị quyết giám sát để theo đến cùng vấn đề giám sát, tuy nhiên việc thực hiện các kết luận và nghị quyết giám sát vẫn là khâu yếu, ảnh hưởng đến hiệu lực hiệu quả giám sát. Do đó, các đại biểu bày tỏ mong muốn thông qua việc xây dựng Đề án lần này sẽ có các giải pháp đổi mới như có bộ phận theo dõi thực hiện kết luận giám sát của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; có chế tài xử lý trách nhiệm…kỳ vọng thông qua Đề án sẽ có cách làm mới, cách làm sáng tạo trong giám sát tạo được sự lan tỏa.

Có ý kiến đề nghị cần tăng cường hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tăng cường giám sát văn bản quy phạm pháp luật, thống nhất quy trình giải trình tại Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

doi moi hoat dong giam sat la yeu cau noi tai de khang dinh vi the vai tro cua quoc hoi hinh 2

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương – Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án, cho biết, Giám sát là một trong ba chức năng quan trọng của Quốc hội đã được Hiến pháp và pháp luật quy định.

“Trước yêu cầu ngày càng cao trong hoạt động của Quốc hội, việc tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát nói riêng và đổi mới hoạt động của Quốc hội nói chung là yêu cầu khách quan nhằm đáp ứng thực tiễn đòi hỏi của đời sống kinh tế - xã hội diễn ra sôi động, yêu cầu kỳ vọng của cử tri và Nhân dân, đồng thời là yêu cầu nội tại để khẳng định vị thế, vai trò của Quốc hội”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, nhằm triển khai Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, hoạt động đổi mới của Quốc hội được đề cập với nhiều nội dung, đề án quan trọng thể hiện ý chí, quyết tâm đổi mới, nâng cao trách nhiệm, vai trò của Đảng đoàn Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đối với hoạt động của Quốc hội. Trong đó, đối với lĩnh vực giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 165/NQ-UBTVQH15 về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới hoạt động giám sát của Quốc hội.

Ghi nhận các ý kiến thảo luận, góp ý tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị bộ phận thường trực khẩn trương tiếp thu ý kiến thành viên Ban Chỉ đạo để hoàn thiện các văn bản để triển khai thực hiện; lưu ý phân định rõ Kế hoạch triển khai Đề án và và Đề án, bám sát chủ trương định hướng, gắn lý luận với thực tiễn, bảo đảm yêu cầu xác định cách làm tiến độ, lượng hóa sản phẩm đầu ra; đề cao trách nhiệm; cân nhắc cách thức tiếp cận, xác định trọng tâm đổi mới để xây dựng các đề cương chi tiết.

Trong quá trình triển khai Đề án cần coi trọng ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu Quốc hội các khóa; có sự phối hợp với các cơ quan chịu sự giám sát; bảo đảm các kinh phí điều kiện cần thiết phục vụ cho việc xây dựng Đề án. Tăng cường phối hợp thông tin thông suốt, trách nhiệm, hiệu quả trong Ban Chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ những vấn đề phát sinh và báo cáo cấp có thẩm quyền trong quá trình triển khai để bảo đảm thành công của Đề án.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đổi mới hoạt động giám sát là yêu cầu nội tại để khẳng định vị thế, vai trò của Quốc hội
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO