Đổi mới tư duy làm thông tin đối ngoại trong kỷ nguyên số
(CLO) Với thông điệp về sự cần thiết của việc đổi mới từ cách nghĩ đến cách làm trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Tọa đàm 'Kinh nghiệm triển khai hiệu quả công tác thông tin đối ngoại ở ngoài nước, nâng cao kỹ năng truyền thông số' nhằm nâng cao hiệu quả quảng bá hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế trong bối cảnh truyền thông thay đổi nhanh chóng.
Ngày 18/4, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Tọa đàm 'Kinh nghiệm triển khai hiệu quả công tác thông tin đối ngoại ở ngoài nước, nâng cao kỹ năng truyền thông số' tại Hà Nội.

Tọa đàm này là một bước tiếp nối quan trọng trong chuỗi các chương trình tập huấn về kỹ năng truyền thông hiện đại và thông tin đối ngoại do Bộ Ngoại giao tổ chức, nhằm triển khai Kết luận số 57-KL/TW của Bộ Chính trị và kế hoạch hành động của Bộ Ngoại giao giai đoạn 2024-2027, hướng tới năm 2030 về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong bối cảnh mới.
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh bối cảnh khu vực và thế giới đang có nhiều biến động, trong khi đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình. Bà cho rằng môi trường truyền thông trong và ngoài nước thay đổi rất nhanh chóng, đòi hỏi công tác thông tin đối ngoại cần có sự hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng trong và ngoài nước, đồng thời phải không ngừng đổi mới, sáng tạo 'từ cách nghĩ đến cách làm' để phục vụ đất nước một cách hiệu quả nhất.
Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng cũng chỉ rõ tầm quan trọng của tọa đàm trong việc giúp cán bộ ngoại giao nắm vững hơn vai trò của thông tin đối ngoại, cách triển khai tại cơ quan đại diện, đặc điểm của môi trường truyền thông hiện đại và ứng dụng công nghệ vào công tác này. Tọa đàm hướng đến tạo sự thống nhất về nhận thức và phương pháp triển khai giữa các lực lượng làm thông tin đối ngoại.
Trong phần trao đổi, Thứ trưởng đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác thông tin đối ngoại của các cơ quan đại diện thời gian qua, dựa trên các đề án của Bộ Ngoại giao. Tuy nhiên, bà cũng lưu ý rằng vẫn còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác. Về nhận thức, cán bộ cần nắm vững các văn bản quan trọng về thông tin đối ngoại và quán triệt Kết luận 57-KL/TW.
Về nội dung, thông tin cần cụ thể, rõ ràng, nêu bật ý chí, quyết tâm và hành động của Việt Nam. Về cách thức, bên cạnh truyền thông truyền thống, cần chú trọng truyền thông mạng xã hội, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ và truyền tải thông tin đa hình thức, đa nền tảng, đa ngôn ngữ. Bà nhấn mạnh sự đổi mới, sáng tạo là yêu cầu cấp thiết để thông tin đối ngoại chạm đến công luận quốc tế, xây dựng niềm tin và tạo hành động thiết thực đóng góp cho đất nước.
Trong khuôn khổ tọa đàm, các đại biểu đã tham gia thảo luận, trao đổi kinh nghiệm về các kỹ năng quan trọng như lập kế hoạch truyền thông, phát ngôn, trả lời báo chí, ứng dụng mạng xã hội và sử dụng thiết bị di động để sản xuất nội dung, nhằm nâng cao hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới.