Đối ngoại đa phương Việt Nam: Từ những dấu ấn ấn tượng!

Chủ nhật, 22/01/2023 10:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Phóng viên Báo Nhà báo và Công luận đã trao đổi, ghi nhận ý kiến, chia sẻ của một số tướng lĩnh, chuyên gia trong lĩnh vực ngoại giao xung quanh câu chuyện về những thành công trong đối ngoại đa phương, để thấy được nỗ lực, sự linh hoạt, sáng tạo của ngoại giao Việt Nam.

Đối ngoại đa phương Việt Nam: Từ những dấu ấn ấn tượng!

Trong vài năm trở lại đây, đối ngoại đa phương Việt Nam đã được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ và ghi nhiều dấu ấn quan trọng. Việt Nam đã hoàn thành nhiều trọng trách quốc tế quan trọng như Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Chủ tịch ASEAN 2020, tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế lớn… Mới đây là việc lần thứ hai, Việt Nam được tín nhiệm bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Những điều đó là minh chứng cho thấy vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được củng cố, nâng cao.

Phóng viên Báo Nhà báo và Công luận đã trao đổi, ghi nhận ý kiến, chia sẻ của một số tướng lĩnh, chuyên gia trong lĩnh vực ngoại giao xung quanh câu chuyện về những thành công ấy, để thấy được nỗ lực, sự linh hoạt, sáng tạo của ngoại giao Việt Nam.

Thượng tướng - Viện sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu, Uỷ viên Trung ương Đảng khoá VIII, IX, X, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng:

Các quan hệ đa phương đã nâng cao tầm vóc của đất nước Việt Nam!

+ Thưa Thượng tướng, ông đánh giá như thế nào về những kết quả nổi bật của công tác đối ngoại đa phương Việt Nam trong những năm vừa qua?

- Công tác đối ngoại nói chung và đối ngoại đa phương của Việt Nam nói riêng đã có những bước tiến mới, vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên toàn cầu ngày càng được nâng cao. Đường lối đối ngoại mà Đại hội XIII của Đảng đề ra và Chỉ thị 25 ngày 8/8/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đã đạt nhiều kết quả nổi bật, thực chất. Việt Nam đã và đang tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào giải quyết các vấn đề toàn cầu và khu vực.

doi ngoai da phuong viet nam tu nhung dau an an tuong hinh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 36 ngày 26/6/2020.

Với việc tham gia chủ động, tích cực ở các tổ chức, diễn đàn, hội nghị đa phương quốc tế, đặc biệt là những thành công và dấu ấn của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã góp phần quan trọng khẳng định chủ trương nâng tầm đối ngoại đa phương của Đảng và Nhà nước ta là hoàn toàn đúng đắn, củng cố nền tảng để Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chủ trương này trong giai đoạn mới.

+ Được biết, Thượng tướng là người từng có hơn chục năm phụ trách công tác đối ngoại quốc phòng. Vậy, ông có thể chia sẻ rõ hơn về quan điểm đường lối đối ngoại xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta?

- Việt Nam có đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ. Chúng ta sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước. Chúng ta tranh thủ sự đồng tình của tất cả các nước, trong đó có các nước lớn, cân bằng lợi ích, vì chính nghĩa, chứ “không chọn bên”. Người Việt Nam quyết định vận mệnh của người Việt Nam theo đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ.

Thứ hai, từ trước đến nay, về chính sách đối ngoại, Việt Nam rất quan tâm đến các nước láng giềng - đó là tình hữu nghị. Việt Nam xây dựng mối quan hệ đối tác mang tính chiến lược và toàn diện với tất cả các nước láng giềng.

Việt Nam quan tâm đến khối ASEAN. Việt Nam cũng rất quan tâm đến những người bạn truyền thống như Nga, Trung Quốc, Cu-Ba, Ấn Độ, Lào, Campuchia… Việt Nam rất trân trọng và biết ơn các nước đã ủng hộ Việt Nam trong các cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc. Tất cả các nước đó, từ trước đến nay, Việt Nam luôn giữ mối quan hệ hết sức hữu nghị và truyền thống, hợp tác đôi bên cùng có lợi, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ họ khi gặp khó khăn.

Chính vì vậy, Việt Nam là “ngọn cờ” của độc lập dân tộc, không chỉ cho Việt Nam, mà trong cả khu vực và trên cả thế giới. Một nền ngoại giao độc lập tự chủ mà Việt Nam đã thể hiện trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Đặc biệt, những năm gần đây, Việt Nam mở cửa và hội nhập thì đối ngoại của Việt Nam là sẵn sàng làm bạn của tất cả các nước, không phân biệt đối xử; nhưng, với tư tưởng là phải không được can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, trên tinh thần hợp tác cùng có lợi trên tất cả các phương diện.

Thủ đô Hà Nội chính là biểu tượng của hòa bình, nên mới được các nước yêu chuộng hòa bình trên thế giới cũng như các nước độc lập dân tộc sẵn sàng đón nhận những chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam, cả trước kia và bây giờ. Đó là niềm tự hào của chúng ta!

doi ngoai da phuong viet nam tu nhung dau an an tuong hinh 2

Thượng tướng - Viện sĩ, Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu.

+ Trong nhiều năm làm công tác đối ngoại, Thượng tướng có điều kiện đi thăm và làm việc tại nhiều quốc gia trên thế giới, vậy, có những kỷ niệm nào trên “mặt trận” ngoại giao khiến ông ấn tượng nhất?

- Ấn tượng sâu sắc nhất của tôi khi làm công tác đối ngoại là những năm đầu để phá vỡ thế bao vây cấm vận, Việt Nam bắt đầu có quan hệ ngoại giao với Mỹ từ vấn đề tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh (gọi là “MIA”) ở Việt Nam. Chúng ta đi từ vấn đề nhân đạo để tìm những người mất tích của cả hai phía Mỹ và Việt Nam. Việt Nam rất tích cực trong việc này và điều đó đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng niềm tin cũng như thúc đẩy quan hệ với Mỹ, dần dần phá vỡ việc “cấm vận” của Mỹ.

Đặc biệt sau đó, tiếp tục đến giai đoạn Việt Nam đấu tranh để Mỹ có trách nhiệm nhân đạo về hậu quả chiến tranh đã gây ra cho Việt Nam. Đó là những vấn đề người Việt Nam mất tích, chất độc dioxin, bom mìn, vật nổ còn sót lại sau cuộc chiến tranh mà Mỹ đã để lại cho Việt Nam một sự hy sinh, mất mát vô cùng lớn. Mỹ phải có trách nhiệm nhân đạo đối với vấn đề này. Chúng ta đã đấu tranh cả một quá trình chứ không phải một sớm một chiều, trên tất cả các phương diện, nên được bè bạn thế giới ủng hộ và Mỹ cũng phải từng bước chấp nhận.

Ấn tượng thứ hai của tôi là năm 2005, tôi cùng với Đoàn Đại biểu cấp cao Việt Nam tháp tùng Thủ tướng Phan Văn Khải sang thăm chính thức Mỹ. Vào thời điểm đó, Thủ tướng Phan Văn Khải là nhà Lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Việt Nam thăm Mỹ kể từ khi chiến tranh kết thúc (1975-2005). Chuyến thăm là minh chứng điển hình của quá trình Việt Nam bình thường hóa quan hệ với tất cả các nước, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế.

Lúc đó, phía Mỹ đã trao cho Việt Nam 180 đĩa CD, trong đó ghi lại những người Việt Nam đã chiến đấu với quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam; để sau này Việt Nam có thể dựa vào đó tìm kiếm thi hài liệt sĩ ở miền Nam Việt Nam và ở cả Lào, Campuchia. Đó là thành công ấn tượng lớn nhất sau quan hệ bình thường hóa với Mỹ.

+ Nếu so với trước đây thì đối ngoại Việt Nam hiện nay đã có những chuyển biến như thế nào để phù hợp với tình hình mới, thưa ông?

- Hiện nay, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, Việt Nam đang thực hiện đa phương hóa, đa dạng hóa; đối ngoại theo con đường đa cực, chứ không đơn cực.

Chúng ta mở rộng đối tác và hợp tác sâu rộng hơn, ở tầm cao hơn. Nếu như trước kia chủ yếu quan hệ song phương thì bây giờ là đẩy mạnh quan hệ đa phương. Đối với quan hệ song phương thì bây giờ không chỉ là quan hệ bình thường, truyền thống hữu nghị mà là nâng tầm đối tác chiến lược, hợp tác toàn diện với một số nước.

Chúng ta phát huy truyền thống văn hóa độc lập dân tộc của Việt Nam trong chiến tranh và đặc biệt là trong hòa bình, hội nhập, thì chúng ta càng phát triển được truyền thống văn hóa. Mà chính văn hóa độc lập dân tộc lại là cội nguồn của mọi thắng lợi trong suốt chiều dài lịch sử chống ngoại xâm và cho đến bây giờ. Các nước tin tưởng và những đề xuất của Việt Nam ở các hội nghị quốc tế đều được trân trọng. Việt Nam xứng đáng là một nước tiêu biểu có nền văn hóa đối ngoại độc lập, tự chủ.

doi ngoai da phuong viet nam tu nhung dau an an tuong hinh 3

Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Ảnh: Phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc.

Đặc biệt là trong giai đoạn gần đây nhất, khi đại dịch COVID-19 làm ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống và các nền kinh tế trên thế giới chịu thiệt hại nặng nề. Một trong những điểm sáng là chúng ta đã triển khai quyết liệt, đồng bộ và bài bản chiến lược ngoại giao vaccine rất hiệu quả, góp phần vào việc ổn định kinh tế - xã hội của đất nước.

Việt Nam cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phòng, chống dịch cho bạn bè quốc tế. Bởi vì hết dịch này có thể sẽ có những dịch khác, cho nên các nước cũng cần học hỏi, rút kinh nghiệm từ thực tế, trong đó có kinh nghiệm của Việt Nam khi ứng phó với dịch bệnh.

+ Việt Nam có được những ấn tượng và thành công quan trọng trên “mặt trận” ngoại giao, đặc biệt là đối ngoại đa phương, theo Thượng tướng, bài học cốt lõi rút ra là gì?

- Tôi đánh giá rất cao về đường lối đối ngoại độc lập tự chủ của Việt Nam, chúng ta không chỉ thành công ở đối ngoại song phương mà có cả quan hệ đa phương. Việt Nam tham gia và chủ trì nhiều hội nghị quốc tế quan trọng, đồng thời có những sáng kiến hiệu quả. Việc thúc đẩy các quan hệ đa phương đã nâng cao tầm vóc của đất nước Việt Nam, góp phần giúp Việt Nam thành công trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng - an ninh…

Có được những thành công đó, chúng ta rút ra bài học về phát huy truyền thống ngoại giao hòa hiếu, giàu tính nhân văn của dân tộc và tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh. Từ xa xưa ông cha ta đã có câu “lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”, cho đến thời đại Hồ Chí Minh, chúng ta đã vận dụng phương châm, đường lối đối ngoại tự chủ, bằng chính lịch sử, truyền thống văn hóa của Việt Nam, chúng ta đã giữ vững ngọn cờ độc lập dân tộc. Đó là ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc, với sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và cả dân tộc.

Chúng ta đều hướng về tư tưởng như Hồ Chí Minh đã nói: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Chính ngọn cờ độc lập tự do đó đã giữ được ý nghĩa, tập hợp được sức mạnh và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, chiến thắng thiên tai, chiến thắng dịch bệnh… và mang lại hòa bình, ổn định, phát triển.

Chúng ta cần xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và đoàn kết, hợp tác quốc tế, giữa lợi ích quốc gia - dân tộc và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế. Việt Nam luôn yêu chuộng hòa bình, mong muốn giữ vững hòa bình, bảo đảm môi trường quốc tế thuận lợi để cùng phát triển thịnh vượng. Điều này cũng hoàn toàn phù hợp với lợi ích chung và nguyện vọng tha thiết của các quốc gia, dân tộc trên thế giới!

+ Xin trân trọng cảm ơn Thượng tướng, Viện sĩ về những trao đổi vừa rồi!

Đại tá Trần Văn Thông, nguyên Tham tán Chính trị Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam - Campuchia:

Linh hoạt về sách lược, mềm dẻo trong ứng xử ngoại giao của Việt Nam!

Trong thực tế thời gian qua, ngoại giao đa phương trên thế giới đã đáp ứng được những lợi ích của các chủ thể, do đó các hoạt động ngoại giao đa phương đã và đang diễn ra khá sôi động. Trước bối cảnh tình hình thế giới và khu vực liên tục biến động, Việt Nam cần củng cố, hoàn thiện quan điểm bảo vệ, xây dựng phát triển đất nước nói chung, quan điểm đối ngoại nói riêng.

Trong đó, đặc biệt coi trọng kết hợp sức mạnh đoàn kết dân tộc với sức mạnh thời đại làm tăng sức mạnh quốc gia tự vệ, chủ động trong công cuộc phát triển đất nước nhanh và bền vững trên cơ sở khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, phát huy tối đa nội lực, tận dụng mọi thời cơ, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất; Về ngoại giao Việt Nam nhất quán “đa phương hóa quan hệ, đa dạng hóa quan hệ quốc tế”, tuyệt đối không nói và không làm điều gì đẩy Việt Nam rơi vào tình thế bị bao vây, bị cô lập.

doi ngoai da phuong viet nam tu nhung dau an an tuong hinh 4

Việt Nam đã tham gia cơ chế ASEAN, Liên hợp quốc, APEC, WTO, hợp tác tiểu vùng Mê Công và các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế, cử các lực lượng quân đội, công an tham gia gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc…

Như vậy, sự thật là Việt Nam chủ động, tích cực tham gia hoạt động ngoại giao đa phương. Không khó hiểu khi Việt Nam xác định ngoại giao đa phương là một nội dung quan trọng trong quan điểm về đối ngoại, trong đó, quan điểm về ngoại giao đa phương được xác định khá cụ thể, như: đối tác trọng tâm là ASEAN, Liên hợp quốc, APEC, hợp tác tiểu vùng Mê Công...; lĩnh vực được ưu tiên là kinh tế, quốc phòng, an ninh...; quan điểm về thái độ tham gia ngoại giao đa phương là chủ động, tích cực.

Mặc dù đứng trước nhiều khó khăn, thách thức trong bảo vệ độc lập chủ quyền, nhưng với những hoạt động sôi động và hiệu quả của hoạt động ngoại giao nói chung và ngoại giao đa phương nói riêng, Việt Nam đã khẳng định vị thế của một quốc gia độc lập có chủ quyền, là thành viên có trách nhiệm của các tổ chức quốc tế và khu vực. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm công tác ngoại giao, từ ngày thành lập Chính phủ lâm thời sau Cách mạng tháng 8 năm 1945, Hồ Chủ tịch là Chủ tịch Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Những thành quả trên mặt trận ngoại giao của nước ta trong 77 năm qua là rất lớn, góp phần hết sức quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước, nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Có được những thành tựu đó là nhờ đường lối, chính sách đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta vận dụng nhuần nhuyễn tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh “dĩ bất biến ứng vạn biến”.

Trong thời kỳ mới, nước ta luôn kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc mình, đồng thời tôn trọng lợi ích của nước khác phù hợp với luật pháp quốc tế, kiên định về nguyên tắc, chủ động, linh hoạt về sách lược, mềm dẻo trong ứng xử ngoại giao, tránh cho đất nước khỏi bị bao vây, cô lập dưới mọi hình thức, mọi cấp độ, với tinh thần Việt Nam sẵn sàng là bạn của các nước, sẵn sàng chân thành hợp tác toàn diện cả trên cơ chế đa phương và song phương với các nước dân chủ tiến bộ là thành viên của Liên hợp quốc, thành viên của ASEAN và của các tổ chức quốc tế tiến bộ khác.

Trong bối cảnh hết sức phức tạp hiện nay và những năm tới, để tránh rơi vào tình cảnh “khó xử” trong quan hệ quốc tế, những đối sách trên càng cần được vận dụng một cách hết sức chủ động, linh hoạt, năng động, tinh tế mềm dẻo trên cơ sở bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc.

Nguyễn Hường (Thực hiện)

Bình Luận

Tin khác

Nghiên cứu triển khai dự án cao tốc Nha Trang - Đà Lạt theo phương thức PPP, hợp đồng BOT

Nghiên cứu triển khai dự án cao tốc Nha Trang - Đà Lạt theo phương thức PPP, hợp đồng BOT

(CLO) Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà thống nhất nghiên cứu triển khai Dự án đường bộ cao tốc Nha Trang (Khánh Hòa) – Đà Lạt (Lâm Đồng) theo phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT để thu hút nguồn lực của xã hội, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Tin tức
Chính phủ quy định các dự án đầu tư có sử dụng đất phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư

Chính phủ quy định các dự án đầu tư có sử dụng đất phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư

(CLO) Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất. Trong đó, quy định các dự án đầu tư có sử dụng đất thuộc trường hợp phải tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đất đai.

Tin tức
Khu kinh tế Đồng Đăng-Lạng Sơn giữ vững vị thế là cửa khẩu thương mại quan trọng nhất của cả nước

Khu kinh tế Đồng Đăng-Lạng Sơn giữ vững vị thế là cửa khẩu thương mại quan trọng nhất của cả nước

(CLO) Chính phủ điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn nhằm tiếp tục xây dựng Khu kinh tế Đồng Đăng - Lạng Sơn giữ vững vị thế là cửa khẩu thương mại trên bộ quan trọng nhất của cả nước, là điểm trung chuyển trên bộ quan trọng trong kết nối Trung Quốc - Việt Nam - các nước Đông Nam Á.

Tin tức
Bộ Chính trị cho ý kiến về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam

Bộ Chính trị cho ý kiến về chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam

(CLO) Ngày 18/9, Bộ Chính trị đã họp cho ý kiến về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, sau khi nghe Ban cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải báo cáo Tờ trình Đề án chủ trương đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và ý kiến của các cơ quan.

Tin tức
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp Đại sứ Cuba tại Việt Nam

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp Đại sứ Cuba tại Việt Nam

(CLO) Chiều 19/9, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã tiếp thân mật Đại sứ Cuba tại Việt Nam Orlando Nicolas Hernandez Guillen.

Tin tức