Đời như tiểu thuyết của “Rupert Murdoch của xứ Hương Cảng”

Thứ năm, 01/11/2018 07:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) 15 bộ tiểu thuyết với số lượng phát hành lên tới hàng trăm triệu bản, hơn 100 bộ phim điện ảnh và truyền hình nổi tiếng được chuyển thể… Kỷ lục khó có ai lặp lại được ấy đã đưa Kim Dung lên vị thế “võ lâm minh chủ” trên văn đàn Trung Quốc, tên tuổi lừng lẫy khắp châu Á. Nhưng không chỉ có vậy, nhà văn - học giả hàng đầu này còn được ví là ông trùm làng báo Hồng Kông hay “Rupert Murdoch của xứ Hương Cảng”.

Tổng biên tập tuổi 35

Thông minh, yêu thích những câu chuyện thần thoại, tiểu thuyết, thích đọc sách, không mấy ngạc nhiên khi Kim Dung (tên thật là Tra Lương Dung, sinh năm 1924 tại Chiết Giang (Trung Quốc) viết lách từ rất sớm. Từ khi 6 tuổi, ông đã có nhiều bài viết được đăng trên một tờ báo có tiếng của Trung Quốc. Năm 15 tuổi, Kim Dung đã có cuốn sách đầu tiên được xuất bản và liên tiếp sau đó, “cây viết thiếu niên” đã liên tiếp cho ra đời nhiều cuốn truyện, bài báo. Trong đó, có những bài viết gây tiếng vang lớn như bài báo mang tựa đề “Một sự ngông cuồng trẻ con” đăng lên Đông Nam nhật báo – tờ báo nổi tiếng Trung Quốc lúc bấy giờ. Thời gian làm sinh viên khoa Luật quốc tế tại Học viện chính trị Trung ương ở Trùng Khánh, Kim Dung vẫn đam mê viết báo. Năm 22 tuổi, ông tới Hàng Châu và được một người đã từng rất thích các bài viết ngày trước của ông giới thiệu làm phóng viên cho tờ Đông Nam nhật báo. Năm 23 tuổi, Kim Dung lại chuyển sang làm biên dịch cho tờ Đại công báo. Năm 24 tuổi, tờ Đại công báo ra phụ bản tại Hồng Kông. Ông tới đó làm việc ở vị trí dịch tin quốc tế. Năm 28 tuổi, ông chuyển sang làm việc cho mục Chuyện trà buổi chiều của tờ Tân văn báo.

Năm 1959, ở tuổi 35, sau một thời gian tạm ngưng công việc làm báo để chuyển sang viết kịch bản phim, viết truyện kiếm hiệp, Kim Dung lại quay trở lại với nghề báo bằng việc cùng một người bạn đồng sáng lập nên tờ Minh Báo. Điều đặc biệt nhất ở Minh Báo thuở ban đầu là câu chuyện nhân sự. Kim Dung làm Tổng biên tập kiêm cây bút chính với bút danh Tra Lương Dung - “chuyên trị” bình luận các vấn đề xã hội. Thời kỳ đó, rất nhiều độc giả của Minh Báo không hề biết nhà văn Kim Dung nổi tiếng của những cuốn tiểu thuyết kiếm hiệp và nhà báo Tra Lương Dung chính là một người. Còn phóng viên chỉ có duy nhất một người, đó là Chu Mai - cũng là người vợ thứ 2 của Kim Dung. Chu Mai sắc sảo, giỏi giang, thạo tiếng Anh. Hai cây bút chính - cặp vợ chồng này với bút lực hiếm có đã nhanh chóng gây dựng tiếng vang cho Minh Báo.

Theo thời gian, Minh Báo trở thành một trong những tờ báo nổi tiếng nhất Hồng Kông. Vào thời điểm Kim Dung lập ra Minh Báo, tất cả vốn liếng của tờ báo này chỉ vỏn vẹn có 100.000 HKD. Nhưng đến năm 1992, tờ Minh Báo ngày nào trở thành Tập đoàn Minh Báo, lên sàn chứng khoán, giá trị cổ phiếu tăng vọt, lợi nhuận năm của Minh Báo đạt tới 100 triệu HKD. Sở hữu 60% cổ phần tại Minh Báo, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Minh Báo Kim Dung nhanh chóng lọt vào danh sách những đại gia giàu nhất Hong Kong với khối tài sản ước tính vào khoảng 120 triệu HKD. Giàu có và quyền lực, Kim Dung ví như ông trùm truyền thông Rupert Murdoch của xứ Hương Cảng. Có ai đó đã thốt lên: Trong làng văn chương Trung Quốc viết văn, làm báo mà trở thành tỷ phú, có lẽ chỉ có Kim Dung!.

Báo Công luận
Nhà văn Kim Dung 
Đời ly kỳ hơn tiểu thuyết

Không biết có phải “nghề” và “nghiệp” vận vào người không nhưng thực sự vị chủ nhân của hàng chục bộ tiểu thuyết kiếm hiệp ly kỳ hấp dẫn hết mức cũng sở hữu một cuộc sống thực ly kỳ chả kém gì những nhân vật võ hiệp từ các trang viết của ông. Sinh thời, Kim Dung 3 lần kết hôn nhưng cả ba lần đều không trọn vẹn. Người vợ đầu tiên của tiểu thuyết gia là Đỗ Dã Phần. Hai người gặp nhau vào năm 1947, khi Kim Dung làm việc tại tòa soạn báo ở Thượng Hải. Lúc đó, vẻ đẹp, sự thông minh, hài hước của Đỗ Dã Phần đã hớp hồn cây bút đa tình, lãng mạn. Năm 1948, sau bao chiêu trò để chinh phục người đẹp, Kim Dung và Đỗ Dã Phần trở thành người cùng một nhà sau hôn lễ ngọt ngào. Tuy nhiên, cuộc sống hôn nhân không phải lúc nào cũng lãng mạn và đẹp như trong tiểu thuyết. Cuộc sống đất khách quê người khó khăn đã khiến cô gái mặt hoa da phấn quen ăn sung mặc sướng Đỗ Dã Phần chùn bước, cô bỏ về nhà bố mẹ đẻ và năm 1951, chỉ sau 3 năm bên nhau, đôi vợ chồng đã đường ai nấy đi. Sau này, nhắc lại cuộc hôn nhân ngắn ngủi ấy, Kim Dung vẫn chưa thôi căm hờn rằng người vợ đầu tiên đã phản bội ông.

Nhưng “ông trời có mắt”, sau khi lấy đi của Kim Dung một Đỗ Dã Phần hời hợt, nông cạn chỉ quen sống trong xa hoa chiều chuộng, đã bù đắp lại cho ông một người vợ đúng nghĩa tào khang tên gọi Chu Mai. Xinh đẹp, giỏi giang, chịu thương chịu khó, Chu Mai không chỉ sinh cho Kim Dung 4 đứa con, mà còn hỗ trợ chồng rất nhiều trong sự nghiệp, cùng ông gánh vác Minh Báo, cùng ông vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất cuộc đời, của những ngày “đến cốc cà phê cũng phải san đôi”. Họ đã có những ngày tháng hôn nhân tươi đẹp, thực sự là “một túp lều tranh hai trái tim vàng”.

Tuy nhiên, đúng như người xưa đã đúc kết, “Lòng sông lòng biển dễ dò. Đố ai lấy thước mà đo lòng người”, khi Minh Báo trở thành Tập đoàn với lợi nhuận lên tới con số triệu HKD, khi Kim Dung trở thành “đệ nhất tiểu thuyết gia võ hiệp”, “võ lâm minh chủ”, “ông trùm làng báo Hồng Kông” thì cũng là lúc cuộc hôn nhân trong mơ ngày nào dần rạn nứt rồi nhanh chóng đi vào ngõ cụt. Phát hiện chồng mình có người khác (cuộc tình của ông với minh tinh Hạ Mộng nổi tiếng khắp xứ Hồng Kông thời bấy giờ), năm 1976, Chu Mai chủ động yêu cầu ly hôn, chấp nhận phần thua thiệt về mình với cuộc sống cô độc, nghèo khó, bệnh tật (các con ở với Kim Dung) rồi qua đời năm 1998 ở tuổi 63. Kim Dung có lẽ không thể xóa đi trong mình nỗi cắn rứt, dằn vặt. Trong cuộc phỏng vấn năm 90 tuổi, Kim Dung đã từng bật khóc khi nói về Chu Mai.

Báo Công luận
Nữ diễn viên Lưu Diệp Phi trong vai Tiểu Long Nữ trong bộ phim "Thần điêu đại hiệp" chuyển thể từ tiểu thuyết của ông. 
Cuộc hôn nhân thứ 3 của Kim Dung với người vợ Lâm Nhạc Di không nhiều sóng gió nhưng tẻ nhạt. Việc “tuân thủ lời hứa” với người vợ cũ Chu Mai: không có con với người vợ sau, đã khiến Kim Dung và Lâm Nhạc Di không có con chung.

Nói về sự ly kỳ như tiểu thuyết của cuộc đời Kim Dung không thể không nhắc tới cuộc tình lãng mạn của ông với nữ minh tinh Hạ Mộng. Hạ Mộng được xem là nguyên mẫu để ông tạo ra nhiều nhân vật nữ tuyệt sắc nổi tiếng sau này như Tiểu Long Nữ trong trắng hồn nhiên (Thần điêu đại hiệp), Hoàng Dung thông minh sắc sảo (Anh hùng xạ điêu), Vương Ngữ Yên đẹp như tiên nữ (Thiên long bát bộ)… Nhưng đắng lòng cho Kim Dung là dù ông rất mực đeo đuổi, Hạ Mộng vẫn quyết không bỏ chồng để theo văn sĩ dù bà tỏ ý rất hâm mộ ông.

Nỗi éo le trong cuộc đời văn sĩ - nhà báo danh tiếng Kim Dung không dừng lại ở đó. Suốt cả cuộc đời mình “Võ lâm minh chủ” còn mang một nỗi ân hận khôn nguôi là cái chết của cậu con trai trưởng nam của mình. Qua ba lần kết hôn, Kim Dung có 4 người con (2 nam, 2 nữ). Tất cả đều là con của ông với người vợ thứ hai Chu Mai. Trong số 4 người con, trưởng nam Tra Truyền Hiệp đã sớm chứng tỏ mình là người thừa hưởng trọn vẹn tài năng văn chương của cha. Chuyện kể rằng Tra Truyền Hiệp thuộc Tam Tự Kinh vào năm 4 tuổi, đọc văn thơ lưu loát vào năm 6 tuổi, 11 tuổi có tác phẩm văn học đầu tay. Nhưng không ai, cả chính Kim Dung cũng không thể ngờ, có một ngày Tra Truyền Hiệp đã phải tự đưa mình đến cái chết, ở cái tuổi còn quá trẻ: 19. Nguyên nhân của việc Tra Truyền Hiệp thắt cổ tự sát thì được đồn thổi nhiều: rằng sự nổi tiếng quá sớm, cái bóng quá lớn của cha đã sớm tạo cho cậu bé quá nhiều áp lực, tâm lý văn chương cũng khiến cậu nhạy cảm quá mức, rồi những cãi vã xung đột giữa cha và người mẹ Chu Mai cũng khiến cậu trầm uất… Nhưng dù là nguyên nhân gì thì Kim Dung cũng thấy lỗi lầm lớn của mình trong cái chết của cậu con trai cả. Kim Dung đã khủng hoảng tinh thần đến mức ông phải tìm đến Phật giáo để tìm kiếm sự an yên cho mình.

Hà Anh

Tin khác

Tuyệt tác âm nhạc của Rachmaninoff lần đầu công diễn tại Việt Nam

Tuyệt tác âm nhạc của Rachmaninoff lần đầu công diễn tại Việt Nam

(CLO) Những giai điệu tuyệt đẹp trong âm nhạc cổ điển của nhà soạn nhạc lỗi lạc Sergei Rachmaninoff sẽ được phủ khắp khán phòng của Nhà hát Hồ Gươm.

Đời sống văn hóa
Hơn 2.000 tác phẩm dự Liên hoan ảnh nghệ thuật Nam Trung Bộ và Tây Nguyên năm 2024

Hơn 2.000 tác phẩm dự Liên hoan ảnh nghệ thuật Nam Trung Bộ và Tây Nguyên năm 2024

(CLO) Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên lần thứ 29 năm 2024 diễn ra tại thành phố Đà Nẵng trong hai ngày 27 - 28/3.

Đời sống văn hóa
Tây Ninh tổ chức bắn pháo hoa tầm cao tại chương trình nghệ thuật 'Khúc hát tự hào'

Tây Ninh tổ chức bắn pháo hoa tầm cao tại chương trình nghệ thuật "Khúc hát tự hào"

(CLO) Chương trình "Tây Ninh - Khúc hát tự hào" được tổ chức với nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc được thể hiện bởi các nghệ sĩ tên tuổi, cũng như sự tham gia biểu diễn của hàng trăm người dân Tây Ninh.

Đời sống văn hóa
Chung kết toàn quốc Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024 tổ chức tại TP Việt Trì

Chung kết toàn quốc Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024 tổ chức tại TP Việt Trì

(CLO) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Chung kết toàn quốc Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024 dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 10 tại TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ với hình thức tổ chức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.

Đời sống văn hóa
Cuộc thi viết 'Cha và con gái': Cầu nối đưa các trang viết, câu chuyện đầy tính nhân văn, cao đẹp về tình cha và con

Cuộc thi viết "Cha và con gái": Cầu nối đưa các trang viết, câu chuyện đầy tính nhân văn, cao đẹp về tình cha và con

(CLO) Sáng ngày 27/3 tại Hà Nội, Tạp chí Gia đình Việt Nam tổ chức chương trình phát động Cuộc thi viết "Cha và con gái" lần thứ 2 năm 2024.

Đời sống văn hóa