Đời sống người thầy còn vất vả, sao cấm được dạy thêm?

Thứ năm, 25/11/2021 14:00 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Theo các chuyên gia, một trong nhiều nguyên nhân của việc dạy thêm, học thêm là do đồng lương của giáo viên còn thấp. Ngoài ra, theo các chuyên gia còn do chương trình, cách thi cử hiện nay.

Dạy thêm khiến vị thế người thầy không “thiêng” nữa

Thời gian qua, vấn đề dạy thêm được dư luận quan tâm, vấn đề này cũng được các đại biểu Quốc hội nêu ra như một mặt trái cần chỉnh sửa. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Huy Thái  (Bạc Liêu) đề cập vấn đề dạy thêm, học thêm online mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nghiêm cấm. Thực tế, gần đây xuất hiện tình trạng dạy thêm, học thêm trực tuyến. Thậm chí có trường hợp học sinh bị ép học thêm online.

doi song nguoi thay con vat va sao cam duoc day them hinh 1

Chia sẻ với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, cô Phan Thị Anh ở Đống Đa, Hà Nội cho rằng, dạy thêm đúng nghĩa là rất tốt. Nhưng có giáo viên dùng nhiều cách khác nhau để “ép” làm sao học sinh phải sợ mà đi học thêm. Học thêm giờ tràn lan, đặc biệt từ năm ngoái đến năm nay còn học thêm online.

“Điều này là rất dã man” – cô giáo này nhận định và cho rằng chỉ không có lương tâm mới đi tổ chức dạy thêm online để lấy tiền. “Dịch COVID-19 bản thân phụ huynh đã khổ. Học sinh học online đã khổ nhưng giờ học thêm online nữa thì quá khổ” – cô Phan Thị Anh nhấn mạnh.

Cũng theo cô giáo này, dạy thêm sẽ phát sinh nhiều vấn đề. Bản thân giáo viên khi dạy thêm cũng cảm thấy không tự tin nữa, cảm thấy mình nói không thiêng nữa. “Nhiều khi học sinh vi phạm khuyết điểm, mình nói thì học sinh lại nghĩ do không đi học thêm nên cô mới thế.

Trong một lớp 40 bạn, có 20 học sinh đi học thêm còn lại không đi học thêm. Nếu số không đi học thêm mà có lỗi thì mình không nói được. Bởi nếu mình nói thì các em sẽ nghĩ không đi học thêm nên bị trù dập” – cô Phan Thị Anh chia sẻ.

Cũng theo cô giáo này, việc các em đi học thêm đương nhiên khi thi điểm sẽ cao hơn các em còn lại. Nhưng phụ huynh lại nghĩ, không đi học thêm nên cô mới cho điểm thấp. Do đó, nhiều em không đi học thêm bị điểm kém nhưng cô giáo không dám cho điểm kém. Thành ra, điểm tổng kết lại là ảo. “Dạy thêm khiến cho tình cảm thầy trò không còn đẹp đẽ” – cô Phan Thị Anh tâm sự.

Nhiều người cũng cho rằng, biến tướng của dạy thêm học thêm đang tạo nên áp lực lớn đối với trẻ, khiến sự phát triển của trẻ bị lệch lạc. Mặc dù, tồn tại nhiều mặt trái nhưng trên thực tế vẫn không thể cấm được tình trạng này.

Trong một xã hội vẫn xem nặng vị thế của tấm bằng đại học, cao học thì không học tốt thật khó kiếm được chỗ đứng và một tương lai ổn định. Vậy nên việc phụ huynh lao vào chăm lo sự học của con trẻ và luôn đeo mang cảm giác học ở trường chưa đủ, thế là “chạy đua” tìm kiếm thầy giỏi để đăng ký, tìm chỗ dạy thêm uy tín để đưa con đến học.

Tình trạng giáo viên “găm bài”, dùng chiêu trò để “ép” học sinh học thêm. Đây không phải là vấn đề phổ biến nhưng dạy thêm nhiều khiến cho trẻ không có thời gian để tự học, làm lệch lạc mục tiêu giáo dục khi đang đề cao khả năng tự học, thực hành, phát triển tư duy, đổi mới sáng tạo.

Xung quanh những tranh luận này, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã trao đổi với tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Tâm lý Giáo dục Việt Nam và được biết, hiện các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn còn tình trạng dạy thêm, học thêm trong khi Trung Quốc đang cấm triệt để.

Đối với nước ta, dạy thêm hiện nay có tồn tại nhiều mặt trái cho nên việc quản lý như thế nào để đáp ứng nhu cầu phát triển lành mạnh là bài toán không hề dễ dàng. Nếu dạy thêm để phát triển tự do thì thành mặt trái của giáo dục như hiện nay. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của người thầy, đây là vấn đề chúng ta cần nhìn nhận, xem xét.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành cũng cho rằng, dạy thêm học thêm có nguyên nhân là do nhiều môn học sinh phải tiếp nhận khối lượng chương trình quá lớn, nhiều nội dung không phù hợp với lứa tuổi. Hiện nay đang dạy trực tuyến, việc giảm tải càng cần thiết. Vấn đề thi cử, cần tập trung vào đổi mới sáng tạo của học sinh nhiều hơn, thay vì thi theo mẫu.

Đây là điểm mấu chốt và ông cho rằng nếu còn hệ thống trường chuyên thì còn dạy thêm, học thêm. Trường chuyên là cơ sở bồi dưỡng nhân tài, nhưng phải thay đổi nội dung và phương pháp để phù hợp, tạo môi trường học tập hài hòa.

Cần đổi mới toàn diện

Nhiều người đồng ý với quan điểm cần hạn chế dạy thêm học thêm trá hình, tiêu cực. Tuy nhiên, phương pháp nào để phù hợp với Việt Nam hiện trở thành đề tài thu hút được sự quan tâm của nhiều chuyên gia. Còn cấm dạy thêm học thêm như một số quốc gia đã làm thì đó là điều “không tưởng” ở Việt Nam. Bởi cấm chỗ này sẽ phình ra chỗ khác.

Thầy Nguyễn Tùng Lâm khi trao đổi với phóng viên cho rằng, theo đúng tinh thần để giáo dục phát triển thì quan trọng chúng ta tổ chức dạy thật tốt từ trong nhà trường một cách nghiêm túc, rõ ràng. Khi làm tốt việc dạy trong nhà trường, cộng với thay đổi cách thi cử, đánh giá, giải quyết vấn đề trường chuyên, lớp chọn, xét tuyển đầu vào thì việc dạy thêm, học thêm sẽ giảm.

“Việc người ta học không vì phát triển bản thân mà học vì điểm số, bằng cấp. Gốc của vấn đề dạy thêm là từ đó. Nếu thay đổi được điều này thì vấn đề dạy thêm, học thêm sẽ giải quyết được một cách triệt để.

Hiện cần phát triển các mô hình giáo dục trong nhà trường làm sao đáp ứng được nhu cầu phát triển của đất nước” – thầy Nguyễn Tùng Lâm chia sẻ và nhấn mạnh rằng: “Nếu còn kéo lê, kéo dài mãi cách làm không phù hợp, để mặt trái của kinh tế thị trường tác động tiêu cực vào giáo dục thì rất lâu và rất khó để giáo dục phát triển được”.

doi song nguoi thay con vat va sao cam duoc day them hinh 2

Cũng liên quan đến vấn đề này, cô giáo Trần Thị Thanh ở quận Ba Đình, Hà Nội chia sẻ với phóng viên, hiện nhu cầu sống của con người trong xã hội hiện đại rất lớn nhưng đồng lương của giáo viên rất thấp. Cuộc sống khó khăn nên có “cầu thì có cung”. Giáo viên cần dạy thêm để sống, học sinh cần học thêm để phục vụ thi cử. Nguyên nhân của vấn đề này nằm ở chương trình. “Chương trình còn nặng, có đổi mới phương pháp dạy học nhưng không đổi mới thi cử. Vẫn đi thi và thi theo kiểu truyền thống thì buộc học sinh phải học mới làm được bài. Do đó dẫn đến việc học sinh có nhu cầu học nên thầy cô mới có điều kiện để dạy” – cô giáo Trần Thị Thanh chia sẻ.

Vấn đề dạy thêm còn xuất phát từ tâm lý của cha mẹ học sinh. Nhiều tình huống, cha mẹ học sinh còn thúc ép giáo viên dạy thêm, học thêm. Do đó, để thay đổi thì cần phải cải cách chương trình, đổi mới thi cử và phụ huynh cũng phải thay đổi, giác ngộ. Trong đó, cải cách chương trình, thi cử là cái cơ bản nhất. Đặc biệt, lương giáo viên phải đảm bảo cho các thầy cô giáo đủ sống.

Cô Trần Thị Thanh khẳng định: “Với đồng lương như hiện nay thì khó có thể dẹp được dạy thêm, học thêm. Giáo viên sống bằng nghề, nếu giờ không cho đi dạy thì chúng tôi làm gì để sống. Không lẽ giáo viên phải đi buôn thúng bán mẹt. Do đó, không thể cấm dạy thêm, học thêm một cách cực đoan”.

Ngoài ra, theo cô giáo này, nếu vẫn duy trì việc thi cử, đánh giá như hiện nay thì không dạy thêm sẽ không thể đạt điểm cao. “Tỉnh này dạy mà tỉnh khác không dạy sẽ dẫn đến thi chênh lệch nhau điểm số. Trong thi cử thì vùng sâu, vùng xa cộng đến 4 điểm, học sinh thành phố không cộng điểm thì rất thiệt thòi” – cô Thanh chia sẻ.

Hiện nay, nhiều giáo viên khi được hỏi cũng cho rằng, với thực tế hiện nay, việc cấm dạy thêm học thêm là không thể. Do đó, cần phải đổi mới chương trình, cải cách, thi cử, cải thiện đời sống giáo viên, và phụ huynh cũng phải giác ngộ không nên ép con cái đi học thêm thì mặt trái của dạy thêm mới được hạn chế. “Việc 30 điểm chưa đỗ đại học thì sao mà cấm được dạy thêm” –  cô giáo Trần Thị Anh nhấn mạnh.

Trinh Phúc

Bình Luận

Tin khác

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo 'Dinh dưỡng trong học đường'

Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo "Dinh dưỡng trong học đường"

Hội thảo "Dinh dưỡng trong học đường" do Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp cùng Công ty Ajinomoto Việt Nam tổ chức.

Giáo dục
Bài 1: Mua danh ba vạn hay bán danh…ba đồng?

Bài 1: Mua danh ba vạn hay bán danh…ba đồng?

(CLO) Hiện nay, nhiều người được gắn với danh xưng giáo sư, tiến sĩ tuy nhiên lại chưa được nhà nước công nhận mà do một vài tổ chức nước ngoài phong tặng. Điều này đang gây ra tranh cãi, liệu giá trị của những danh xưng này đến đâu?

Giáo dục
Tăng cường hợp tác giáo dục Việt Nam - Angola

Tăng cường hợp tác giáo dục Việt Nam - Angola

(CLO) Chuyến thăm và làm việc tại Angola của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, với tư cách đại diện Chính phủ Việt Nam, là minh chứng sinh động cho mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, là dấu mốc quan trọng và ý nghĩa đối với việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên.

Giáo dục
Thanh Hóa: Hàng trăm phụ huynh tập trung phản đối sáp nhập trường học

Thanh Hóa: Hàng trăm phụ huynh tập trung phản đối sáp nhập trường học

(CLO) Chiều 27/3, hàng trăm phụ huynh Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đã không cho con em mình đi học, đồng thời kéo tới trường để phản đối khi hay tin huyện có thông báo việc sáp nhập trường.

Giáo dục
Hưng Yên: Hơn 1 nghìn học sinh tham gia ngày hội tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm

Hưng Yên: Hơn 1 nghìn học sinh tham gia ngày hội tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm

(CLO) Ngày 27/3, tại Trường THPT Phù Cừ (Phù Cừ), Tỉnh đoàn, Hội LHTN Việt Nam tỉnh Hưng Yên, Hội Sinh viên Việt Nam tỉnh Hưng Yên tổ chức Ngày hội tư vấn hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho thanh, thiếu niên. Ngày hội thu hút hơn 1 nghìn học sinh các trường THPT trên địa bàn tỉnh tham gia.

Giáo dục