Đổi thay ở một miền chiến địa

Thứ năm, 14/02/2019 14:08 PM - 0 Trả lời

(NB&CL) Vị Xuyên, thời chiến tranh biên giới đã từng được mệnh danh là miền chiến địa. Hàng ngàn trai trẻ, từ khắp các miền quê đã lên đây, ngã xuống, cho biên giới phên dậu Tổ quốc vững chắc, cho cuộc sống được hồi sinh.

Ghi nhớ công ơn của những người lính trẻ, ngày nay, gần 20 dân tộc anh em nơi đây đã cùng nhau hàn gắn lại vết thương cuộc chiến một thời.

Như những rẻo cao miền núi khác, Xuân dường như bao giờ cũng về sớm hơn với mảnh đất biên giới Vị Xuyên tỉnh Hà Giang. Xuân đến sớm, Tết về nhanh ấy là do phong tục tập quán của các anh em dân tộc trên đây. Sở dĩ cuộc sống mưu sinh của họ phần lớn gắn liền với nương rẫy, bằng sức lực của mình là chính, nên khi “cái lúa”, “cái ngô”, “củ sắn” đã “về nhà”, “nằm” yên trên các gác bếp, hiên nhà sàn thì cũng đồng nghĩa với sự ngơi tay, nghỉ chân của con người. Nhàn nhã là các đồng bào trên đây tổ chức chơi Tết, vui Xuân cho gia đình và xóm làng.

Cây cao su được đưa vào miền chiến địa một thời Vị Xuyên đang hứa hẹn những bứt phá về kinh tế cho vùng phên dậu.

Cây cao su được đưa vào miền chiến địa một thời Vị Xuyên đang hứa hẹn những bứt phá về kinh tế cho vùng phên dậu.

Trong 19 dân tộc anh em chung sống trên miền đất phên dậu này, ăn Tết sớm phải kể đến người Mông. Tháng Chạp là họ ăn Tết và tổ chức “Gầu tào” (chơi núi), thăm nhau và làm quen rồi. Sau người Mông là đến người Dao, Tết người Dao qua là lại đến Tết của người Tày, người Nùng… Vậy nên, những tháng ngày này, lên Vị Xuyên, người ta đã thấy “hơi Xuân”, “vị Tết” dường như hiện hữu ở tất thảy mọi nơi.

Lên Hà Giang chơi Tết, mỗi miền đất như Đồng Văn, Mèo Vạc rồi Xín Mần, Hoàng Su Phì đều đem lại cho người ta những kỷ niệm khó quên. Nhưng xôm và nhớ nhất phải kể đến huyện biên giới, chiến địa một thời có tên Vị Xuyên. Vị Xuyên có không khí Tết hết sức đặc biệt bởi nơi ấy có sông, có núi, có những cánh đồng bát ngát, có cửa khẩu và hơn nữa miền đất này còn có đặc thù là nơi tập trung sinh sống của rất nhiều các dân tộc.

Ngẫm lại mới thấy, thời gian cũng có cái chậm và cái nhanh của nó. Mới hôm nào, con đường Quốc lộ số 2 lên Hà Giang còn lầm bụi, hẹp danh và vang rền tiếng súng. Pháo kích câu sang như rang ngô trên chảo, đất đai rối bời, màu xanh bị đạn pháo băm vằm, lấn lướt, người dân thì gồng gánh rảo chân chạy náu mình dưới những làn hỏa tiễn. Một huyện mà không có trung tâm bởi sự xáo trộn của chiến tranh. Trung tâm huyện hết “gửi thân” ở Ngọc Đường lại di dời xuống tận km 20 để hoạt động, để tập kết quân và phản chiến lại.

Trà chốt – một trong những đặc sản một thời hiện đang đem lại thu nhập cao cho dân.

Trà chốt – một trong những đặc sản một thời hiện đang đem lại thu nhập cao cho dân.

Chiến tranh qua đi, hàng ngàn sinh linh ngã xuống, công sở vụn nát, ruộng vườn bị “ô nhiễm” vì các loại vũ khí, các loại mìn gài cắm lại. Cứ tưởng đất này sẽ khó có cơ hội hồi sinh. Ấy thế mà lạ thay, biên giới im tiếng súng, giữa cái nơm nớp và cảnh báo ấy, người dân đã đồng loạt quay trở lại quê hương, để hàn gắn vết thương chiến tranh, trả lại màu xanh cho đất. Phương Thiện, Phương Độ, Phương Tiến rồi Lao Chải, Xín Chải… đông dân dần. Ruộng vườn được khai khẩn, cùng với đó, những vườn đào để lấy hoa cho Tết, lấy quả để ăn lại vươn lên và đượm nụ mỗi khi Xuân về.

Từ một huyện gần như bị xóa sổ bởi chiến tranh, lạ kỳ thay Vị Xuyên đã vươn lên vững chãi với 3 thị trấn có tiếng của mình. Việt Lâm, Vị Xuyên rồi Thị trấn cửa khẩu Thanh Thủy lại đông vui sầm uất, lại náo nức các hình thức dịch vụ. Con đường Quốc lộ số 2 bị băm vằm bởi các vệt bánh xe quân sự dạo nào nay đã được đầu tư, hai làn xe chạy thông suốt qua các tỉnh như Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc để về Thủ đô. 12 tiếng cho hơn 300km xe chạy dạo nào nay đã được rút xuống chỉ còn 8 tiếng đồng hồ.

Trung tâm chính của huyện Vị Xuyên đã hiện lên xứng tầm, nằm bên con sông Lô lịch sử và tuyến đường số 2 tấp nập xe cộ. Lê Thanh Hải - vốn là một cậu bé chạy pháo, chạy đạn dạo nào nay đã trưởng thành và trở thành một trong những Phó Chủ tịch huyện trẻ nhất. Ngày biên giới im tiếng súng, Hải mới là một học sinh, sau đó học đại học và về làm cán bộ bình thường của huyện. Rồi với khả năng, anh được cất nhắc và nay thì đang đảm đương Phó Chủ tịch phụ trách kinh tế của một huyện vùng “chảo lửa”.

Tâm sự Hải cho biết, cũng như các huyện khác của tỉnh, sau chiến tranh, nghèo khó vốn là thách đố của Vị Xuyên. Nhưng bằng quyết tâm, bằng sự đồng thuận và ý chí vươn lên của người dân, nay “bài toán” xóa đói, giảm nghèo của huyện đã có lời giải. Sau chiến tranh, hiện nay, Vị Xuyên đang được coi là một trong những huyện để nhân rộng công tác xóa đói, giảm nghèo của tỉnh. Trên 50% hộ nghèo dạo nào, bằng những nỗ lực phấn đấu, nay con số ấy chỉ còn khoảng 20%.

Từ trung tâm thị trấn huyện, quẩy quả mà lội qua những xã như Cao Bồ, Thượng Sơn, Đạo Đức rồi lên xa nữa như Lao Chải, Xín Chải, dưới nắng Xuân, mọi thứ cây trồng như đang ấp ủ sự sống trường tồn. Từ một huyện chiến tranh thuần nông, cái nghèo, cái đói đã qua hồi bĩ cực, nay Vị Xuyên đang bước vào thế mạnh của những cây công nghiệp vốn có, để tăng sức bật thêm cho đất, cho dân.

Theo những con đường liên thôn láng bóng nhựa, xi măng, vào với những khu dân cư như Trung Sơn, Trung Thành, Hai Luồng, Tấng, Thủy Lâm; bên cạnh những ruộng lúa là bát ngát màu xanh của những loại cây công nghiệp như: cao su, chè, cam. Hiện nay, để có cái tạo đà tăng trưởng, Vị Xuyên đã mạnh dạn đưa vào và trồng thành công tới gần 5.000ha cao su chịu lạnh. Chỉ vài năm nữa thôi, khi những dòng nhựa trắng được khơi mạch thì tiền sẽ về với dân, với huyện. Cùng với cao su, 221ha cam đặc sản cũng đang đua ngọn vươn lên cùng nắng và gió.

Từ một huyện thuần nông, nay cây cam đặc sản đang phát huy thế mạnh ở miền chiến địa Vị Xuyên.

Từ một huyện thuần nông, nay cây cam đặc sản đang phát huy thế mạnh ở miền chiến địa Vị Xuyên.

Theo con đường nối với cửa khẩu Thanh Thủy, qua các địa danh nổi tiếng một thời của cuộc chiến, vẫn còn ám ảnh đến bây giờ như: Đồi Thịt Băm, Thác gọi hồn, Ngã ba cửa tử… chúng tôi tìm lên “nhất Lao (Lao Chải), nhì Xín (Xín Chải), ba Thượng (Thượng Sơn)” vốn nổi danh nghèo khó một thời của huyện. Cùng với những vườn đào miền biên ải, có sắc khá đặc thù thì năm nay Lao Chải và Xín Chải cũng được mùa thảo quả. Dọc bên đường, những lều, những trại, những lán, những bếp rực lửa được dựng lên để làm nơi tập kết thảo quả bán cho khách.

Trước thời chiến tranh, muốn lên Lao Chải và Xín Chải – một trong hai xã xa và nghèo đói nhất của Vị Xuyên, người ta phải vượt qua những địa danh như “Ngã ba cửa tử”, “Thác gọi hồn”… đỏ ối một màu đất và bạc trắng bởi màu đá núi bị các loại trọng pháo khoan ủi và phát hỏa. Cùng với những ác nghiệt này là sự bỏ bản, bỏ làng của đồng bào. Nhưng lạ thay, khi tiếng súng, tiếng pháo đã im trên bầu trời biên giới, người dân nhanh chóng về nhận đất, dựng làng. Cùng ruộng nương, là những mầm thảo quả được găm xuống đất, xuống rừng. Rồi chả bao lâu sau đó, những mầm sống vươn lên, biến hai xã nghèo này thành những xã có tên tuổi, với cây đặc sản là thảo quả cùng sự xuất hiện của các tỷ phú, triệu phú của nghề này.

Được sự giúp đỡ của Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên và Ban quản lý Rừng phòng hộ Tây Côn Lĩnh, cây thảo quả đã được người dân nhân rộng thêm trên mảnh đất bom mìn một thuở. Hiện nay Lao Chải đã có trên 500ha thảo quả được phủ kín dưới các tán rừng và đã có khoảng trên 200ha cho thu hoạch. Từ một xã nghèo có tiếng tăm thì nay 300 hộ dân của xã, hộ nghèo chỉ còn 29%. Cây thảo quả không những mang lại nguồn thu lớn hằng năm cho ngân sách xã mà còn giúp trên 20 hộ đói nghèo vươn lên thành hộ khá hộ giàu. Đặc biệt hiện tại xã có 4 hộ được liệt vào hộ triệu phú với nguồn thu trên 100 triệu đồng/năm.

Đến Vị Xuyên trong những ngày này mới thấy sức mạnh của dân tộc Việt trong việc bảo vệ và dựng xây Tổ quốc. Mất mát và hồi sinh, chân lý của người Việt dường như đang hiện hữu khá rõ nét ở đất này!

Minh Nguyên

Tin khác

Đồng Nai: Điều chỉnh giá đất tăng hơn gấp đôi

Đồng Nai: Điều chỉnh giá đất tăng hơn gấp đôi

(CLO) Từ 25/3/2019, Đồng Nai sẽ đồng loạt tăng hệ số điều chỉnh giá đất lên mức cao so với năm 2018, trong đó nhiều khu vực có hệ số giá đất được điều chỉnh tăng hơn gấp đôi.

Địa phương
Quảng Bình: Bí thư Thị ủy Ba Đồn được bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

Quảng Bình: Bí thư Thị ủy Ba Đồn được bầu giữ chức Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

(CLO) Ngày 26/3, Tỉnh ủy Quảng Bình tổ chức Hội nghị lần thứ 18 để đánh giá tình hình kinh tế - xã hội và công tác xây dựng Đảng quý I-2019; đồng thời bầu Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, nhiệm kỳ 2015-2020.

Địa phương
Những sai phạm tại Chùa Ba Vàng là rõ ràng

Những sai phạm tại Chùa Ba Vàng là rõ ràng

(CLO) Ngày 26/3, UBND thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị thông tin báo chí về sự việc tại chùa Ba Vàng.

Địa phương
Xử lý nghiêm đối tượng viết status bôi nhọ cảnh sát giao thông trên mạng xã hội

Xử lý nghiêm đối tượng viết status bôi nhọ cảnh sát giao thông trên mạng xã hội

(CLO) Cơ quan công an TP. Huế đang điều tra, củng cố hồ sơ để xử lý đối tượng lên mạng xã hội Facebook viết status không đúng sự thật, nhằm bôi nhọ gây ảnh hưởng đến hình ảnh lực lượng Cảnh sát Giao thông.

Địa phương
Cà Mau: Thả cá thể đồi mồi quý hiếm nặng 60kg về môi trường tự nhiên

Cà Mau: Thả cá thể đồi mồi quý hiếm nặng 60kg về môi trường tự nhiên

(CLO) Một cá thể rùa biển quý hiếm có trọng lượng khoảng 60 kg vừa được thả về môi trường tự nhiên tại cửa biển Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau.

Địa phương