Đối với tội phạm ma túy, mức án tử hình luôn là nỗi sợ lớn nhất
(CLO) Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Sang lo ngại, nếu loại bỏ án tử hình đối với tội danh vận chuyển trái phép chất ma túy thì Việt Nam có thể trở thành điểm trung chuyển ma túy quốc tế. Bởi lẽ, đối với tội phạm ma túy, mức án tử hình luôn là nỗi sợ lớn nhất.
Ngày 27/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự. Nêu ý kiến về đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với 8 tội danh theo dự án Luật, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) thể hiện thống nhất với việc bỏ hình phạt tử hình ở 5/8 tội danh. Với 3 tội danh tham ô, nhận hối lộ và tội vận chuyển trái phép chất ma túy, đại biểu đồng tình với ý kiến của các đại biểu khác về việc giữ lại hình phạt tử hình.
Ông Hòa nêu lý do là vì tính răn đe, phòng ngừa. Theo đại biểu, thực tế, chưa từng có trường hợp nào bị tử hình về tội tham ô, tham nhũng. Tuy nhiên gần đây, trong một số vụ án như vụ SCB, Viện Kiểm sát đã đề nghị tử hình. Đáng chú ý, khi có đề nghị tử hình, gia đình các bị cáo đã tự nguyện nộp lại tài sản để khắc phục hậu quả, mong được giảm án.

“Việc giữ lại án tử hình đối với hai tội này nhằm mục đích phòng ngừa, răn đe, cảnh tỉnh, đặc biệt là trong bối cảnh Đảng và Nhà nước ta đang quyết liệt đấu tranh, trừng trị thích đáng tội phạm tham nhũng. Dù có thể không thi hành án tử hình, nhưng việc tuyên án sẽ tạo áp lực để đối tượng khắc phục hậu quả, từ đó có thể được giảm án xuống chung thân, 20 năm hoặc 15 năm tù. Ví dụ, trong vụ án Trương Mỹ Lan, SCB, nếu thu hồi tài sản khủng từ vụ án này, chúng ta đã có thể xây dựng 50% tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam", ông Hòa so sánh.
Cũng quan tâm nội dung này, đại biểu Nguyễn Thanh Sang (đoàn TP HCM) cũng lấy dẫn chứng điển hình từ vụ án Trương Mỹ Lan tại Ngân hàng SCB. Theo đại biểu, tội tham ô hiện nay không chỉ xảy ra trong khu vực công mà còn lan sang khu vực tư nhân. Bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, bị cáo đã chi phối, thao túng hệ thống ngân hàng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Dù đã có nhiều nỗ lực khắc phục nhưng thiệt hại để lại là quá lớn, khó có thể đo đếm.
Đối với tội nhận hối lộ, đại biểu Sang cũng giữ quan điểm như trên. Ông cho rằng, việc giữ hình phạt tử hình có tác động mạnh mẽ đến nhận thức và hành vi của các đối tượng phạm tội, từ đó giúp tăng hiệu quả trong thu hồi tài sản, bảo vệ uy tín của hệ thống chính trị.

"Việc duy trì án tử hình trong trường hợp này không chỉ để răn đe mà còn nhằm đảm bảo hiệu quả trong thu hồi tài sản. Cụ thể, sau khi tuyên án tử hình ở phiên sơ thẩm, bị cáo hoặc gia đình bị cáo mới thực hiện việc khắc phục hậu quả. Hay vụ "chuyến bay giải cứu" với số tiền lên đến hơn 42,6 tỷ đồng. Trong cả hai vụ, sau khi tuyên án tử hình, các bị cáo mới nộp lại toàn bộ tài sản nhằm giảm nhẹ hình phạt. Nếu loại bỏ hình phạt tử hình, chúng ta cần đánh giá lại toàn diện hiệu quả trong việc thu hồi tài sản từ các vụ án tham nhũng, hối lộ. Tôi cho rằng, chưa đủ căn cứ để khẳng định hiệu quả sẽ cao hơn nếu chỉ giữ án tù chung thân", đại biểu Sang nói.
Hai vị đại biểu cũng cùng nêu quan điểm không đồng ý việc bỏ án tử hình đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Trong đó, đại biểu Phạm Văn Hòa đặc biệt nhấn mạnh, tội danh này nguy hiểm không kém tội mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy. Hai tội danh này như "anh em song sinh", không có vận chuyển thì không có người sử dụng. Do đó, đại biểu đề nghị cần duy trì hình phạt tử hình đối với tội danh này.
Bên cạnh đó, với tội sử dụng, tàng trữ trái phép chất ma túy, đại biểu Hòa cho biết, khoảng 10 năm trước, đã bỏ hình sự hóa tội danh này. Tuy nhiên, qua tiếp xúc cử tri, nhiều người dân bày tỏ lo ngại về tình trạng người sử dụng ma túy gây nguy hiểm nghiêm trọng cho gia đình và xã hội. Việc coi người nghiện là "con bệnh" và đưa đi cai nghiện bắt buộc tốn kém nhưng hiệu quả thấp, số người cai nghiện thành công rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Vì vậy, để phòng ngừa và răn đe, đại biểu thống nhất với đề xuất của Bộ Công an về việc xử lý hình sự, áp dụng hình phạt tù đối với hành vi này, đồng thời cần có quy định cụ thể về mức phạt cho lần vi phạm đầu và các lần tái phạm.
Đại biểu Nguyễn Thanh Sang cũng cho rằng, trong đường dây buôn bán ma túy, hành vi vận chuyển đóng vai trò đặc biệt nghiêm trọng. Đây thường là hành vi của các đối tượng chuyên nghiệp, có tổ chức, không đơn giản là "bị dụ dỗ" như một số ý kiến đã nêu.
Đại biểu lo ngại, nếu loại bỏ án tử hình với tội danh vận chuyển trái phép chất ma túy thì Việt Nam có thể trở thành điểm trung chuyển ma túy quốc tế. Bởi lẽ, đối với tội phạm ma túy, mức án tử hình luôn là nỗi sợ lớn nhất.
"Có những vụ việc liên quan đến việc vận chuyển hàng trăm kg ma túy hoặc hàng trăm bánh heroin. Đây là những hành vi không thể xem nhẹ. Nhân đạo cần đúng đối tượng, không nên nhân đạo với những kẻ gây hại nghiêm trọng cho xã hội. Do đó, tôi đề nghị tiếp tục giữ mức án tử hình với tội danh này", ông Sang bày tỏ.