Thế giới 24h

Dọn đống đổ nát ở Gaza có thể mất 40 năm và thải 90.000 tấn khí nhà kính

Hoài Phương (theo Guardian, Arab News) 24/07/2025 06:56

(CLO) Việc dọn dẹp hàng chục triệu tấn đổ nát sau các cuộc ném bom ở Dải Gaza có thể thải ra hơn 90.000 tấn khí nhà kính và mất tới 40 năm để hoàn tất.

Theo nghiên cứu mới từ các nhà khoa học tại Đại học Edinburgh và Oxford, từ tháng 10/2023 đến 12/2024, khoảng 39 triệu tấn mảnh vụn bê tông đã chất đống sau khi hàng loạt nhà ở, bệnh viện và trường học bị phá hủy.

Chỉ riêng quá trình vận chuyển số mảnh vỡ này đã cần hơn 2,1 triệu lượt xe tải di chuyển tổng cộng 29,5 triệu km – tương đương vòng quanh Trái đất 737 lần – và sinh ra gần 66.000 tấn CO₂e (carbon dioxide tương đương).

Đây là nghiên cứu chi tiết nhất từ trước đến nay về ảnh hưởng khí hậu từ cuộc chiến ở Gaza, được công bố trên Environmental Research: Infrastructure and Sustainability (Tạp chí Nghiên cứu Môi trường: Hạ tầng và Bền vững).

Tác giả chính, ông Samer Abdelnour, cho rằng con số này “chỉ là phần nổi của tảng băng”, nhưng là bước đầu tiên để lượng hóa chi phí khí hậu của chiến tranh, thứ trước đây thường bị phớt lờ.

Khu vực Rimal ở Thành phố Gaza sau cuộc không kích của Israel, ngày 10/10/2023. Ảnh: CC/Wiki
Khu vực Rimal ở Thành phố Gaza sau cuộc không kích của Israel, ngày 10/10/2023. Ảnh: CC/Wiki

Giả sử có thể tái chế 80% lượng mảnh vỡ, thì quá trình này sẽ phụ thuộc rất lớn vào loại máy móc được sử dụng. Nếu triển khai 50 máy nghiền công nghiệp – loại hiện chưa từng xuất hiện ở Gaza – thì việc xử lý có thể hoàn tất trong hơn 6 tháng và thải ra khoảng 2.976 tấn khí CO₂e.

Ngược lại, nếu chỉ sử dụng các loại máy nghiền nhỏ phổ biến tại địa phương, thời gian hoàn thành sẽ kéo dài tới 37 năm, với tổng lượng khí thải lên tới 25.149 tấn CO₂e – tương đương lượng điện dùng để sạc 7,3 tỷ chiếc điện thoại

Điều đáng lo ngại là nhiều mảnh vỡ còn chứa xác người chưa được nhận diện, amiăng, và bom chưa nổ, tạo ra hiểm họa lâu dài cho sức khỏe của hơn 2 triệu người Palestine đã bị di dời, chết đói hoặc thương vong trong hơn 21 tháng chiến sự.

Khí thải từ các hoạt động quân sự ước tính chiếm 5,5% lượng phát thải toàn cầu, vượt cả ngành hàng không dân dụng (2%) và vận tải biển (3%).

Trong một nghiên cứu song song do chuyên gia Ben Neimark dẫn đầu, tổng chi phí khí hậu của việc phá hủy, dọn dẹp và tái thiết Gaza có thể lên đến 31 triệu tấn CO₂e – nhiều hơn tổng phát thải hàng năm của Costa Rica hoặc Estonia.

Với diện tích chỉ 365 km², Gaza hiện có hơn 90% nhà cửa bị phá hủy hoặc hư hại, cùng hàng nghìn công trình hạ tầng dân sự. Trong bối cảnh vùng Vịnh đang đối mặt với thời tiết cực đoan, thiếu nước và sa mạc hóa, cuộc chiến ở Gaza làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng khí hậu tại một trong những khu vực dễ tổn thương nhất hành tinh.

Stuart Parkinson, Giám đốc tổ chức Các nhà khoa học vì Trách nhiệm Toàn cầu, kết luận: “Chiến tranh không chỉ giết người mà còn giết môi trường. Nếu muốn giải quyết khủng hoảng khí hậu toàn cầu, chúng ta phải tính đến khí thải từ xung đột – từ sản xuất vũ khí đến tái thiết đống tro tàn”.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Dọn đống đổ nát ở Gaza có thể mất 40 năm và thải 90.000 tấn khí nhà kính
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO