Tin tức

Đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn tối đa quy trình, thời gian thực hiện dự án nhà ở xã hội

Nguyễn Hường 24/05/2025 17:37

(CLO) Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước quan tâm, xác định việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ngày 24/5, thảo luận tại Quốc hội về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng, hiện nay, đang có hai vấn đề còn vướng liên quan đến nhà ở xã hội là thủ tục và giá.

Đối với vấn đề thủ tục, đại biểu Trịnh Xuân An kiến nghị, bổ sung cơ chế một cửa, một đầu mối trong xử lý mọi hồ sơ liên quan đến nhà ở xã hội.

“Việc này để tránh cho nhà đầu tư phải đi đến hết sở này đến sở khác để làm thủ tục”, đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An nói và góp ý có thể áp dụng giao cho Sở Xây dựng tại các địa phương.

5(3).jpg
Đại biểu Quốc hội Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) phát biểu.

Về giá nhà, đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, cấu phần giá thuê nhà khác giá bán, nên cần quy định riêng biệt và rõ ràng loại hình thuê nhà ở xã hội. Đồng thời, phân quyền cho chủ đầu tư được chủ động định giá và cơ quan quản lý Nhà nước sẽ thực hiện cơ chế hậu kiểm.

Giải trình làm rõ ý kiến các đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh cảm ơn những ý kiến đóng góp sâu sắc của các đại biểu và cho biết sẽ tiếp thu, chỉnh lý nhằm đảm bảo nội dung dự thảo Nghị quyết sẽ giải quyết được những bất cập, vướng mắc, phát triển nhà ở xã hội nhanh và bền vững.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Minh, Đảng và Nhà nước quan tâm, xác định việc chăm lo giải quyết nhà ở cho người dân là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chính phủ đã có đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.

Tuy nhiên, trên thực tế trong 5 năm qua, trên cả nước mới có 679 dự án trong đó hoàn thành 108 dự án với 73.000 căn, tương đương 15% mục tiêu. Riêng năm 2025, chỉ tiêu đặt ra là 100.000 căn nhưng đến nay mới hoàn thành 15.600 căn, khởi công 19.492 căn, như vậy mới đạt 44% mục tiêu.

6(1).jpg
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội quan tâm.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho hay, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là vì vướng mắc ở cơ chế, chính sách, quy trình, thủ tục.

Do đó, Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị quyết để đề xuất các cơ chế chính sách tháo gỡ khó khăn. Trong đó, tập trung vào 2 nhóm vấn đề. Nhóm thứ nhất là thành lập Quỹ nhà ở quốc gia; quy định đối tượng thụ hưởng, giá mua, thuê, điều kiện được hưởng chính sách.

Nhóm thứ hai là các cơ chế, chính sách dành cho các nhà đầu tư bao gồm các trình tự, thủ tục, quy trình đầu tư dự án... Mục tiêu cao nhất là đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn tối đa quy trình, từ đó rút ngắn được thời gian thực hiện dự án.

“Theo quy định hiện hành, để giao chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội thông qua đấu thầu, riêng thực hiện trình tự, thủ tục có khi mất đến 300 ngày và nhiều quy định, quy trình khác rất mất thời gian. Do đó, dự thảo Nghị quyết đã có nhiều quy định được lược giản, lồng ghép giúp giảm đáng kể thời gian làm thủ tục”, Bộ trưởng Trần Hồng Minh cho biết.

7.jpg
Quang cảnh phiên họp.

Trả lời góp ý của đại biểu về giá nhà ở xã hội, đề nghị cần quy định giá sàn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, không thể quy định theo giá sàn do phụ thuộc rất nhiều yếu tố. Tới đây, ngành chức năng sẽ có hướng dẫn cụ thể để địa phương triển khai thực hiện.

“Đơn cử, sau khi thiết kế xong mẫu nhà, Sở Xây dựng và Sở Tài chính địa phương sẽ phê duyệt giá dự toán. Giá nhà ở xã hội chỉ được chênh khoảng 10% so với dự toán. Nếu đưa ra một mức giá sàn thì khó thực hiện vì mỗi nơi có đơn giá vật liệu khác nhau, chi phí thi công cũng như nhiều yếu tố khác, không địa phương nào giống địa phương nào”, Bộ trưởng Trần Hồng Minh nêu rõ.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn tối đa quy trình, thời gian thực hiện dự án nhà ở xã hội
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO