Đơn giản nhưng vẫn… “chất”
Những ngày cận kề Rằm tháng Tám, lướt qua các ngã đường lủng lẳng nhiều chiếc lồng đèn đu đưa trước gió ở TPHCM, dòng ký ức ngọt ngào của đêm Trung thu thời thơ ấu bỗng chốc lại… ùa về trong tâm khảm của không ít người. Cảm xúc háo hức trước đêm rằm lẫn không khí xôn xao, nao nức thi đua làm đèn ông sao, đèn cá chép… cũng bất giác len lỏi vào dòng suy nghĩ của những người đang sống trong thời công nghệ số.
Những miền ký ức ấy, cùng với hình ảnh ánh trăng rằm mềm mại xuyên qua rặng tre già để “dõi theo” những đôi chân bé bỏng cùng nhau rước đèn ngày tết Trung Thu…cùng nghêu ngao hát bài Đồng dao, trong ánh mắt xoe tròn với biết bao ước mơ đẹp về ngày mai, dù chỉ hiện về trong giây phút thôi cũng làm cho biết bao người cảm thấy hạnh phúc khôn nguôi.
Bởi lẽ ở thời công nghệ, nhiều người vì mải miết chạy đua với gánh nặng “cơm áo gạo tiền” và nhịp sống ồn ào của phố thị mà đôi khi vô tình quên đi ý nghĩa của mùa trăng tròn. Trẻ em thì bị hấp dẫn bởi thiết bị kỹ thuật số hiện đại nên không còn cảm giác mong chờ và đếm ngược từng ngày để tụm nhau phá cỗ vào dịp Tết Trung thu như thuở trước.
Ở thời công nghệ “lên ngôi”, việc chuẩn bị đón Tết Trung thu cũng không còn được “chăm chút” như những ngày xưa ấy. Trẻ em cũng không còn tự tay mình làm nên những chiếc lồng đèn mà đa số đều đặt mua qua mạng internet. Những người lớn không còn đến gặp nhau để phá cỗ trung thu hay cùng nhau nhâm nhi tách trà dưới ánh trăng rằm, mà “đổ xô” đặt mua bánh, thậm chí gửi tặng bánh trung thu cũng “bằng… mạng xã hội”.
Tại TPHCM, việc đón Tết Trung thu trong thời công nghệ trở nên khá đơn giản, thuận tiện và có phần “nhanh gọn” hơn. Nhưng không phải vì thế mà ngày hội trăng rằm không còn đẹp. Hay nói cách khác, nhờ sự phát triển của công nghệ mà hình ảnh lung linh của các phố lồng đèn lại được nhiều người biết đến và yêu thích hơn. Chính vì vậy, vào dịp Tết Trung thu, không chỉ có các em thơ mà nhiều đôi bạn trẻ, lẫn những nghệ sĩ tên tuổi cũng nô nức tìm đến phố lồng đèn để chụp hình và lưu lại những kỉ niệm đẹp.
Hoa hậu Áo dài Phạm Thị Như Quỳnh cho biết, rất nhiều bạn trẻ tìm đến phố lồng đèn để chụp hình lưu niệm và chuẩn bị cho Tết Trung thu năm nay.
Là một người vui hội trăng rằm sớm, Hoa hậu Áo dài Phạm Thị Như Quỳnh tâm sự: “Xem hình ảnh trên mạng xã hội, Quỳnh rất thích thú với vẻ đẹp của phố lồng đèn ở đường Lương Nhữ Học (quận 5, TPHCM), nên từ những ngày đầu tháng 8 Âm lịch đã tìm đến đây để mua lồng đèn, chụp hình lưu niệm. Không chỉ có Quỳnh mà rất nhiều bạn trẻ cũng đã đến con phố này để thưởng lãm cảnh đẹp. Nhờ có sự phát triển của công nghệ mà nhiều người ở những độ tuổi khác nhau trở nên gần gũi hơn, hứng khởi hơn khi tham gia chung vui cùng các em thiếu nhi trước và trong dịp Tết Trung thu năm nay”.
Lưu lại những kỷ niệm đẹp
Tết Trung thu không chỉ là dịp để các em thiếu nhi có cơ hội được thỏa mãn khao khát được rước đèn, xem múa lân, nhận quà bánh… mà còn là dịp để biết bao người đã qua tuổi ấu thơ có cơ hội được thực hiện khát vọng thắp lên niềm tin, sự lạc quan trong mắt thế hệ “hậu bối”. Cho nên, khi công nghệ phát triển, những nhà hảo tâm, mạnh thường quân… lại có thêm điều kiện để biết đến nhiều trường hợp trẻ em có hoàn cảnh khó khăn để quan tâm, giúp đỡ.
Hiển nhiên, song song với việc “thắp sáng” niềm tin cho các em, những người đi trước luôn mong muốn lưu giữ kỷ niệm tốt đẹp ấy. Vài năm trở lại đây, khi công nghệ số được chú trọng đẩy mạnh, việc lưu giữ những thông tin, hình ảnh… nguyên vẹn qua năm tháng không còn là điều khó khăn.
Nhà báo Ngô Công Quang trong chuyến trao quà trung thu cho các em học sinh người đồng bào Mơ Nâm
Nhà báo Ngô Công Quang (báo Dân trí) cho biết, đến mùa trung thu năm nay, nhìn lại hình ảnh chụp cùng các em học sinh người đồng bào Mơ Nâm (hồi Tết Trung thu năm 2017) ở huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) với những đôi mắt đen tuyền, những mái đầu khét nắng, đôi chân trần không dép mang… trên trang cá nhân của mình mà niềm hạnh phúc như “sống lại” trong anh.
Các em vùng cao đón Trung Thu
“Nhờ có sự phát triển của công nghệ thông tin mà hồi năm 2017, tôi và nhóm từ thiện của mình có thêm điều kiện để được biết đến và đã tổ chức Tết Trung thu, tặng quà cho hơn 1000 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn một số nơi thuộc các tỉnh Kon Tum, Bình Phước. Trong những giây phút hạnh phúc đến vô cùng ấy, những chiếc điện thoại thông minh đã giúp chúng tôi kịp thời ghi lại được nhiều khoảnh khắc tuyệt vời. Đón Tết Trung thu trong thời công nghệ, việc lưu giữ lại những kỷ niệm đẹp dễ dàng hơn rất nhiều. Mà giờ đây, những kỷ niệm đáng quý ấy đã trở thành món quà tinh thần vô giá mà chúng tôi không bao giờ quên”, Nhà báo Ngô Công Quang nói.
Lâm Khải Minh