Donald Trump - Joe Biden: Cuộc chuyển giao trắc trở và tương lai nước Mỹ

Thứ hai, 28/12/2020 10:30 AM - 0 Trả lời

(CLO) Cuộc bầu cử Mỹ đã kết thúc nhưng độ nóng của nó vẫn còn nguyên vẹn sau gần 2 tháng, kể từ ngày bỏ phiếu. Cuộc chiến pháp lý dai dẳng của ông Trump diễn ra trong bối cảnh đại dịch tạo nên một cuộc chuyển giao quyền lực đặc biệt với những dấu hỏi lớn cho tương lai của nước Mỹ.

Ông Joe Biden được xác nhận giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ, nhưng công cuộc chuyển giao quyền lực gặp rất nhiều trắc trở - Ảnh: Getty

Ông Joe Biden được xác nhận giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Mỹ, nhưng công cuộc chuyển giao quyền lực gặp rất nhiều trắc trở - Ảnh: Getty

Bài liên quan

Chính trường Mỹ từng nhiều lần chao đảo bởi các cuộc bầu cử, nhưng chưa khi nào quốc gia này rơi vào tình cảnh năm 2020: người chiến thắng thì bất an và lo lắng, còn kẻ thua cuộc kích động sự hỗn loạn của đám đông. Người Mỹ đang phải sống trong một bầu không khí căng thẳng vốn đã ngột ngạt bởi đại dịch Covid-19 hoành hành suốt gần một năm.

Cuộc chuyển giao quyền lực lẽ ra là một sự kiện tự hào của nước Mỹ, thì nó dần biến thành sự tò mò và hiếu kỳ của dư luận, để xem chuyện gì sẽ xảy ra vào thời khắc Tổng thống đắc cử nhậm chức, ngày 21/1. Nước Mỹ bước vào năm 2021 với nhiều trúc trắc và bất ổn ngay ở thượng tầng.

Donald Trump cáo buộc gian lận bầu cử và những vụ kiện

Cuộc bầu cử Mỹ năm 2020 được xem là ngã ngũ vào ngày 8/11. Năm hôm sau Ngày bầu cử chính thức (3/11), các kênh truyền thông uy tín gọi tên ứng cử viên Joe Biden là người chiến thắng, với dự báo giành được 306 phiếu đại cử tri, vượt xa ngưỡng cần thiết 270 phiếu để trở thành Tổng thống đắc cử.

Tuy nhiên, mọi chuyện không diễn ra đơn giản như một phép tính cộng, hay đúng hơn diễn biến hậu bầu cử trở nên phức tạp và rắc rối như việc tìm nguồn gốc xuất phát của virus Corona dẫn đến đại dịch Covid-19.

Trong quá trình vận động tranh cử và ngay trước ngày bầu cử diễn ra, ông Trump nhiều lần tuyên bố nghi ngờ về gian lận bỏ phiếu có thể xảy ra. Ông nhấn mạnh sự không tin tưởng đối với việc bỏ phiếu bầu qua thư như một biện pháp ngăn chặn sự lây lan của đại dịch.

Điều này càng trở nên rõ ràng hơn trong suy nghĩ của Donald Trump, khi những con số trong quá trình kiểm phiếu bắt đầu đảo ngược về Joe Biden sau ngày 3/11. Tổng thống đương nhiệm lập tức kêu gọi các bang ngừng nhận phiếu bầu qua thư sau ngày bầu cử, đồng thời nhắc lại thông điệp “gian lận bầu cử”, trấn an cử tri về một “chiến thắng chắc chắn” của đảng Cộng hòa.

Ông Donald Trump liên tục cáo buộc gian lận bầu cử và không chấp nhận thua cuộc bất chất Cử tri đoàn xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden - Ảnh: Getty

Ông Donald Trump liên tục cáo buộc gian lận bầu cử và không chấp nhận thua cuộc bất chất Cử tri đoàn xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden - Ảnh: Getty

Thông thường ở các cuộc bầu cử Mỹ, kết quả thường được công bố với tỷ lệ chính xác rất cao vào cuối Ngày bầu cử chính thức, nhưng năm 2020 với đặc thù của đại dịch Covid-19, việc nhiều bang tổ chức bầu cử bằng cách bỏ phiếu bầu qua thư, dẫn đến sự chậm trễ trong việc kiểm phiếu.

Điều này dẫn đến một khoảng trống kỳ dị, với chuỗi ngày chờ đợi dằng dặc trong sự hồi hộp và thấp thỏm của hàng triệu cử tri. Nếu ví cuộc bầu cử Mỹ như một trận đấu bóng đá có hai hiệp, thì màn so găng giữa Donald Trump và Joe Biden phải tương đương hai mươi hiệp, ở đó khán giả sau một giấc ngủ dài vẫn chưa biết được người chiến thắng.

Sự chờ đợi vô tình đẩy nước Mỹ vào sâu trong cuộc khủng hoảng của chia rẽ và bất đồng. Ông Donald Trump phủ nhận mọi thông tin mà truyền thông Mỹ đăng tải về một chiến thắng của đối thủ Joe Biden.

Tổng thống thứ 45 của Mỹ thúc đẩy những người ủng hộ cáo buộc gian lận bầu cử trên diện rộng; cáo buộc vi phạm các quy tắc bầu cử; cáo buộc sai sót trong qua trình bỏ phiếu; cáo buộc kiểm phiếu lỗi; cáo buộc đảng Dân chủ can thiệp vào cuộc bầu cử và đổ lỗi cho một âm mưu muốn “cướp đi chiến thắng” vang dội của ông.

Trong khi đó, đảng Dân chủ phủ nhận tất cả, các bang khẳng định không có gian lận bầu cử, còn nhóm ủng hộ ông Biden kêu gọi ông Trump chấp nhận thất bại.

Sự hỗn loạn hậu bầu cử được đẩy lên cao trào khi nhóm chiến dịch tranh cử của ông Trump tiến hành khởi động hàng loạt vụ kiện với tuyên bố sẽ “chiến đấu tới cùng”, “không từ bỏ”.

Hơn 200 triệu USD đã được quên góp cho các hành động pháp lý. Hơn 40 vụ kiện được nhóm pháp lý do luật sư Rudy Giuliani của ông Trump dẫn đầu tiến hành ở rất nhiều bang, trong đó có 5 bang chiến trường là Georgia, Arizona, Nevada, Michigan, Pennsylvania và Wisconsin. Biểu tình giữa hai nhóm ủng hộ và phản đối ông Trump liên tục được tổ chức ở Washington và nhiều nơi. Xô sát giữa hai nhóm cũng đã xảy ra.

Bất chấp hy vọng qua yêu cầu kiểm phiếu lại ở nhiều bang và cố gắng theo đuổi các vụ kiện, ông Donald Trump trước các áp lực cuối cùng cũng miễn cưỡng tuyên bố chấp thuận chuyển giao quyền lực cho nhóm của ông Biden vào ngày 23/11, tức gần 3 tuần sau ngày bầu cử.

Cuộc chuyển giao đặc biệt và tương lai nước Mỹ

Ông Joe Biden được dự báo chiến thắng từ 8/11, nhưng phải hai tuần sau ông mới bắt đầu có được cảm giác của người chiến thắng, khi Cơ quan dịch vụ công của Mỹ (GSA) gửi thông báo rằng chính quyền ông Donald Trump sẵn sàng khởi động quá trình chuyển giao quyền lực chính thức.

Nói là chuyển giao quyền lực nhưng nhóm của ông Biden được tiếp cận một cách hạn chế các nguồn tin quan trọng về tình báo hay các tài liệu mật. Thậm chí, nửa tháng sau kể từ thời điểm Giám đốc GSA công bố quyết định, quá trình chuyển giao còn đột ngột bị dừng lại bởi Lầu Năm Góc chặn nhóm của ông Biden gặp Cơ quan An ninh Quốc gia, Cơ quan tình báo Quốc phòng.

Chiến dịch pháp lý của ông Trump cáo buộc gian lận bầu cử diễn ra ở nhiều bang - Ảnh: AP

Chiến dịch pháp lý của ông Trump cáo buộc gian lận bầu cử diễn ra ở nhiều bang - Ảnh: AP

Có thể nói, Tổng thống đắc cử Joe Biden đã gặp quá nhiều thách thức và khó khăn trong quá trình chuyển giao quyền lực sau một kỳ bầu cử độc nhất vô nhị. Ngay cả sau ngày 14/12, thời điểm Cử tri đoàn nhóm họp bỏ phiếu cho ông Joe Biden, với 306 phiếu thuận, ông Donald Trump vẫn từ chối chấp nhận thua cuộc.

Nhóm chiến dịch và các đồng minh của ông Trump thậm chí tiếp tục công bố những tài liệu cho thấy có sự gian lận. Ngày 17/12, cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro đã công bố một báo cáo dài 36 trang, nêu ra những điểm bất thường trong cuộc bỏ phiếu với số lượng đủ để xoay chuyển kết quả cuộc bầu cử.

Trước đó, Bộ trưởng tư pháp bang Texas với sự ủng hộ của 17 bang đã khởi động vụ kiện lên Tòa án Tối cao Mỹ, đòi hủy kết quả bầu cử ở 5 bang chiến trường, bên cạnh một hành động khác của hơn 100 nghị sĩ đảng Cộng hòa cùng ký tên lên tiếng ủng hộ ông Trump đòi lật ngược kết quả bầu cử.

Tòa án Tối cao Mỹ sau đó đã bác đơn kiện của bang Texas, vốn được xem là nỗ lực cuối cùng của phe ủng hộ Tổng thống Trump, nhưng phe Cộng hòa vẫn nuôi tham vọng cho một cuộc lật đổ ly kỳ khác vào ngày 6/1 khi Quốc hội nhóm họp để kiểm phiếu bầu đại cử tri.

Những nỗ lực phản kháng của ông Trump cứ yếu dần, nhưng sự dai dẳng của cuộc chiến pháp lý cũng như âm mưu lật ngược kết quả bầu cử làm chính trường nước Mỹ trở nên hỗn loạn và chia rẽ. Đáng nói, trong bối cảnh ngay cả lãnh đạo đa số đảng Cộng hòa tại thượng viện, thượng nghị sỹ Mitch McConnell, cũng đã gửi lời chúc mừng chiến thắng của ông Joe Biden, ông Trump lên tiếng chỉ trích “đầu hàng quá sớm”.

Không dừng lại ông Trump còn lên tiếng chỉ trích cả những quan chức Nhà trắng, phàn nàn ngay cả “phó tướng” – Phó Tổng thống Mike Pence, người đã tận tụy cùng ông trong suốt 4 năm cầm quyền, bởi thiếu sự ủng hộ cho chiến dịch cáo buộc gian lận bầu cử.

Càng về những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ, Tổng thống Donald Trump đưa ra hàng loạt các lệnh hành pháp nhắm vào các đối thủ và cả đồng minh của Mỹ như Iran, Trung Quốc, Thổ Nhì Kỳ, rồi những cáo buộc một số quốc gia thao túng tiền tệ… Những lệnh trừng phạt, những cáo buộc gia tăng của chính phủ ông Trump cuối năm 2020 được xem là bất thường.

Các chuyên gia thậm chí còn cho rằng, đây là nỗ lực làm phức tạp thêm tình hình vốn đã rất căng thẳng, tạo thêm khó khăn hơn cho chính quyền chuyển tiếp của ông Joe Biden.

Mặc dù hứa hẹn rất nhiều, với các tuyên bố “hàn gắn nước Mỹ”, tập trung vào ngăn chặn đại dịch, tái thiết nền kinh tế trong nước cũng như tham gia vào các diễn đàn, trở lại các hiệp định, hâm nóng các mối quan hệ đồng minh… nhưng phía trước ông Biden là cả một núi khó khăn.

Người ta thường nói, “đầu có xuôi, đuôi mới lọt”. Xem ra, sự bắt đầu của ông Biden không có được chút thuận lợn nào.

Tin khác

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

(CLO) Khi căng thẳng với Iran giảm bớt, quân đội Israel đang chuẩn bị hoàn thành công việc mà họ cho là còn dang dở: Triệt hạ Hamas khỏi thành trì cuối cùng của lực lượng này ở thành phố Rafah, nơi có hơn một triệu người Palestine đang trú ẩn.

Tiêu điểm Quốc tế
Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

(CLO) Tạo ra lực lượng lao động sản xuất có năng lực đang được xem là thách thức lớn nhất của Ấn Độ trong bối cảnh đất nước đông dân nhất thế giới quyết vươn lên thành quốc gia "siêu cường".

Tiêu điểm Quốc tế
Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

(CLO) Tại khu vực Tam giác Vàng của Thái Lan, nằm giữa biên giới với Myanmar và Lào, các bảo tàng dành riêng cho quá khứ sản xuất thuốc phiện của khu vực đã được mở cửa.

Tiêu điểm Quốc tế
So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

(CLO) Một cuộc xung đột quân sự giữa Israel và Iran đang trở thành mối đe dọa thực sự. Nhưng Israel đã chuẩn bị đến mức độ nào cho một cuộc chiến đa mặt trận có thể với Iran và các lực lượng đồng minh của nước này?

Tiêu điểm Quốc tế
Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

(CLO) Cuộc tấn công và trả đũa giữa Israel và Iran những ngày qua một lần nữa nhắc nhở về sự thù địch giữa hai quốc gia này. Nhưng có thể nhiều người không nhớ, Iran và Israel trước đây từng là những đồng minh thân thiết hiếm có.

Tiêu điểm Quốc tế