Donald Trump: Những ngày cuối cùng tồi tệ và nỗ lực ‘phá’ Biden đến cùng

Thứ sáu, 15/01/2021 13:43 PM - 0 Trả lời

(CLO) Nhiệm kỳ của ông Trump chỉ còn vài ngày nữa là hết, nhưng dư âm của nó sẽ còn kéo dài và phức tạp khi chính quyền của ông tung ra serie lệnh trừng phạt nhắm vào các đối thủ trong những ngày cuối cùng, khiến chính quyền mới đối mặt với nhiều khó khăn trong cách giải quyết các vấn đề quốc tế.

Ông Donald Trump đang sống trong những ngày cuối cùng tồi tệ của nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ - Ảnh: AP

Ông Donald Trump đang sống trong những ngày cuối cùng tồi tệ của nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ - Ảnh: AP

Bài liên quan

Những ngày cuối cùng tồi tệ của chính quyền ông Trump

Trong nỗ lực ngăn cản ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden bước vào Nhà Trắng sau cuộc bầu cử ngày 3/11/2020, Tổng thống Trump đã thực hiện hàng loạt các biện pháp, từ việc triển khai chiến dịch pháp lý cáo buộc gian lận bầu cử, kiện lên Tòa án Tối cao Mỹ, lôi kéo các đồng minh ở hai viện Quốc hội, gây sức ép với Phó Tổng thống Mike Pence từ chối xác nhận kết quả bầu cử.

Đỉnh điểm của hành động kháng cự ngằm lật ngược kết quả bầu cử là lời kêu gọi của ông Trump, thúc đẩy những người ủng hộ kéo đến tòa nhà Quốc hội Mỹ, gây áp lực cho các nhà lập pháp đang nhóm họp để xác nhận chiến thắng đối với ông Joe Biden vào ngày 6/1.

Những tưởng hành động quyết liệt ấy từ ông Trump và những người ủng hộ sẽ khiến các nghị sĩ đổi ý, nhưng hành động bạo lực không đoán trước và không thể kiềm chế đã biến ngày 6/1 trở thành “vết nhơ” trong lịch sử nước Mỹ.

Từ một người thống trị đảng Cộng hòa với nền tảng ủng hộ vững chắc, ông Trump dường như đã đạp đổ mọi thứ sau cuộc bạo loạn ở tòa nhà Quốc hội. Từ từ vị thế của người thua cuộc vĩ đại nhất (Tổng thống đảng Cộng hòa có số phiếu bầu cao nhất, hơn 75 triệu phiếu), ông Trump trở thành “kẻ phá hoại” khi bị cáo buộc “kích động nổi dậy”.

Hậu quả là Hạ viện Mỹ, dẫn đầu là Chủ tịch Nancy Pelosi đã kêu gọi và thông qua nghị quyết luận tội Tổng thống lần thứ hai. Ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử bị 2 lần luận tội.  

Mọi việc tồi tệ chưa dừng lại. Lần lượt các tập đoàn truyền thông xã hội như Facebook, Twitter, Youtube, Snapchat… khóa, xóa hoặc đình chỉ vĩnh viễn tài khoản của ông Trump cũng như nhóm chiến dịch của ông, khi cáo buộc Tổng thống nhiều lần vi phạm các quy tắc của công ty và có nguy cơ "tiếp tục kích động bạo lực".

Ông Donald Trump vốn được biết đến là một ngôi sao của mạng xã hội. Vì thế, việc các mạng xã hội cấm sử dụng vĩnh viễn không khác nào “cái tát” đau điếng đối với Tổng thống Mỹ. Và điều này cũng tạo ra một tiền lệ vô cùng nguy hiểm, mà Thủ tướng Đức đã phải lên tiếng chỉ trích quyết định này của những gã khổng lồ mạng xã hội.

Không có những chiếc loa phóng thanh – mạng xã hội – ông Trump cũng lần lượt mất cả những người thân tín khi hàng loạt quan chức trong chính phủ từ chức sau sự kiện ngày 6/1. Những ngày cuối nhiệm kỳ của ông Trump ở Nhà Trắng trở nên vô cùng tồi tệ.

Cảm giác buồn bã và bị cô lập của ông Trump ngày càng tăng khi không chỉ các thành viên trong chính phủ ra đi, mà còn những đồng minh trong đảng Cộng hòa cũng bỏ rơi ông, với tuyên bố từ chối ngăn cản những nỗ lực luận tội Tổng thống.

Ngay cả mối quan hệ với những đồng minh thân cận nhất của ông Trump cũng đang bộc lộ vết rạn nứt. Ông Trump chỉ trích Phó Tổng thống Mike Pence, rồi tuyên bố không thanh toán thù lao 20.000 đô la mỗi ngày cho luật sư Rudy Giuliani trong chiến dịch pháp lý ở các bang chiến trường.

Ngoại trưởng Mike Pompeo và Tổng thống Donald Trump sẽ rời nhiệm sở vào ngày 20/1 - Ảnh: Getty

Ngoại trưởng Mike Pompeo và Tổng thống Donald Trump sẽ rời nhiệm sở vào ngày 20/1 - Ảnh: Getty

Mike Pompeo và nỗ lực ‘phá’ Joe Biden đến cùng

Trong những ngày gần đây, Ngoại trưởng Mike Pompeo liên tục đăng đàn và đưa ra những quyết định, thể hiện quan điểm cứng rắn của chính phủ với các quốc gia, tổ chức mà ông Pompeo cho là đối đầu với Mỹ.

Ông Pompeo cáo buộc Iran là căn cứ địa mới của tổ chức khủng bố Al-Qaeda dù không đưa bất cứ bằng chứng nào. Những nhà quan sát lo ngại, tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ có thể tạo tiền đề cho một cuộc tấn công của Mỹ nhắm vào Iran với danh nghĩa chống khủng bố. Bởi theo luật Ủy quyền Sử dụng Lực lượng Quân sự (AUMF) năm 2001, các lực lượng Hoa Kỳ được phép truy đuổi al-Qaeda ở bất cứ đâu trên thế giới.

Sau đó, Ngoại trưởng Mỹ đưa Cuba trở lại danh sách nhà nước tài trợ khủng bố, và một lần nữa cũng không có bất cứ bằng chứng nào, khi cáo buộc Cuba ủng hộ Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro.

Tiếp đó, ông Pompeo liệt phiến quân Houthi vào nhóm khủng bố nước ngoài; cáo buộc Nga liên quan đến các vụ tấn công mạng vào các cơ quan chính phủ nước này; áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với các công ty châu Âu liên quan đến việc xây dựng đường ống dẫn khí Nord Stream 2 từ Nga tới châu Âu; tuyên bố thúc đẩy quan hệ với Đài Loan khiến Trung Quốc nổi giận…

Trong những diễn biến mới nhất của chính quyền Mỹ, đồng bộ với những hành động của ông Pompeo, ngày 14/1, Bộ Thương mại cũng công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới đối với các công ty và cá nhân mà họ cho rằng có thể đang hỗ trợ những người sử dụng tình báo quân sự Trung Quốc, Nga, Cuba và Venezuela.

Vào cuối ngày thứ Tư (13/1), Tổng thống Trump ký một sắc lệnh để tăng cường lệnh cấm kinh doanh với các công ty bị cáo buộc có quan hệ với quân đội Trung Quốc; liệt thêm Xiaomi và 8 công ty Trung Quốc vào danh sách đen; hạn chế thị thực đối với doanh nhân và quan chức Trung Quốc liên quan tới các hoạt động bồi đắp ở các đảo trên Biển Đông.

Các nhà bình luận cho rằng, những ngày cuối cùng của ông Mike Pompeo tại Bộ Ngoại giao Mỹ đang thực hiện “những hành động đáng sợ”.

Việc tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc khiến cho chính quyền Tổng thống đắc cử Joe Biden trở nên khó khăn hơn ở các cuộc đàm phán trong tương lai. Ý định trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran của ông Biden cũng gập gềnh hơn, bởi chính quyền Mỹ đang duy trì thái độ hiếu chiến, sẵn sàng tấn công nước này bất cứ lúc nào, được thúc đẩy bởi một Israel lo ngại bị trả đũa sau cái chết của chỉ huy lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo, tướng Soleimani và Mohsen Fakhrizadeh, nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran.

Chỉ còn 5 ngày nữa ông Donald Trump sẽ rời nhiệm sở, nhưng không dễ để đoán điều gì sẽ xảy ra và quyết định nào sẽ được phê chuẩn tiếp theo của chính quyền Mỹ, cho đến khi ông Joe Biden làm lễ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ vào ngày 20/1.  

Phan Nguyên

Tin khác

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

Israel sẽ lợi dụng tình hình để tiến đánh Rafah?

(CLO) Khi căng thẳng với Iran giảm bớt, quân đội Israel đang chuẩn bị hoàn thành công việc mà họ cho là còn dang dở: Triệt hạ Hamas khỏi thành trì cuối cùng của lực lượng này ở thành phố Rafah, nơi có hơn một triệu người Palestine đang trú ẩn.

Tiêu điểm Quốc tế
Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

Hệ thống giáo dục có thể là rào cản đe dọa giấc mơ 'siêu cường' của Ấn Độ

(CLO) Tạo ra lực lượng lao động sản xuất có năng lực đang được xem là thách thức lớn nhất của Ấn Độ trong bối cảnh đất nước đông dân nhất thế giới quyết vươn lên thành quốc gia "siêu cường".

Tiêu điểm Quốc tế
Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

Bảo tàng Thái Lan tái hiện lịch sử buôn bán thuốc phiện tại khu Tam giác Vàng

(CLO) Tại khu vực Tam giác Vàng của Thái Lan, nằm giữa biên giới với Myanmar và Lào, các bảo tàng dành riêng cho quá khứ sản xuất thuốc phiện của khu vực đã được mở cửa.

Tiêu điểm Quốc tế
So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

So sánh sức mạnh quân sự Israel và Iran: Kẻ tám lạng, người nửa cân!

(CLO) Một cuộc xung đột quân sự giữa Israel và Iran đang trở thành mối đe dọa thực sự. Nhưng Israel đã chuẩn bị đến mức độ nào cho một cuộc chiến đa mặt trận có thể với Iran và các lực lượng đồng minh của nước này?

Tiêu điểm Quốc tế
Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

Tại sao Iran và Israel từ đồng minh trở thành đối thủ?

(CLO) Cuộc tấn công và trả đũa giữa Israel và Iran những ngày qua một lần nữa nhắc nhở về sự thù địch giữa hai quốc gia này. Nhưng có thể nhiều người không nhớ, Iran và Israel trước đây từng là những đồng minh thân thiết hiếm có.

Tiêu điểm Quốc tế