Đông Giang (Quảng Nam): Thu ngân sách 6 tháng đầu năm đạt 56,97%
(CLO) Trong 6 tháng đầu năm 2023, huyện Đông Giang đã thu ngân sách đạt 126 tỷ đồng, đạt 56,97% kế hoạch năm.
Ngày 19/5, UBND huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam) cho biết trong 6 tháng đầu năm 2023, địa phương đã thu ngân sách đạt 126 tỷ đồng, đạt 56,97% kế hoạch năm 2023. Tuy nhiên, UBND huyện cho biết nguồn thu ngân sách của địa phương không ổn định, trên 90% nguồn thu từ 6 nhà máy Thuỷ điện trên địa bàn phụ thuộc vào yếu tố thiên nhiên. Số 10% nguồn thu tương ứng dưới 20 tỷ đồng/năm thu từ các doanh nghiệp, Hợp tác xã, kinh tế hộ gia đình.

Một góc huyện Đông Giang.
Ông A Vô Tô Phương - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết trong năm 2021, 2022, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của huyện đạt 12,8%/năm. Ông Phương cho hay nguồn vượt thu trong các năm qua là nguồn lực quan trọng để đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế xã hội địa phương. Đặc biệt, nguồn vốn này được bố trí đầu tư xây dựng hệ thống giao thông tuyến huyện/xã và để xây dựng nông thôn mới, nước sinh hoạt, điện thắp sáng; đầu tư xây dựng trường lớp học đạt chuẩn quốc gia.
Theo ông Phương, tỷ lệ hộ nghèo năm 2021 và 2022 giảm bình quân trên 6%/năm. Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Đông Giang còn 45,4% theo chuẩn nghèo đa chiều. Thu nhập bình quân năm 2022 đạt 35 triệu đồng/người.
UBND cho biết hệ thống giao thông nông thôn, đường ĐH được tập trung đầu tư hoàn chỉnh, đến nay 11/11 xã, thị trấn có đường ô tô đến được 2 mùa, 40/40 thôn có đường ô tô đến thôn; điện thoại di động, đường truyền internet phủ sóng trên toàn huyện; gần 100% hộ dân được sử dụng điện và nước sinh hoạt.
Tuy nhiên, huyện Đông Giang vẫn còn gặp nhiều khó khăn để phát triển như kết cấu hạ tầng tuy được đầu tư nhưng vẫn còn thiếu và yếu. Đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối với vùng phát triển trong đó quốc lộ 14G chưa được đầu tư nâng cấp dẫn đến công tác thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, nhiều dự án có quy mô lớn như Khu du lịch Suối khoáng nóng A Păng, Khu du lịch nghĩ dưỡng sinh thái cao cấp Tây Bà Nà, Dự án trồng rừng kinh tế công nghệ cao, Nhà máy ván OKAL và viên nén năng lượng mặc dù đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư nhưng đến nay do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan khiến các doanh nghiệp không xúc tiến đầu tư.
Bên cạnh đó, chất lượng cuộc sống người dân mặc dù được cải thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo còn cao 45,4%, chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân chưa đáp ứng nhu cầu; Một số phong tục, tập quán lạc hậu vẫn còn trong nhân dân làm cản trở sự phát triển.
Trần Hậu – Trần Thức