Đồng Nai: Đề xuất thay đổi nguồn vốn giải phóng mặt bằng của Dự án Tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành
(CLO) Nội dung đề xuất này nằm trong văn bản của Sở Giao thông vận tải (GTVT) tỉnh Đồng Nai gửi Bộ Giao thông vận tải, nhằm góp ý trong hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án Tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành.
Theo Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, do khả năng cân đối nguồn vốn của địa phương đang gặp khó, khi đang phân bổ thực hiện 50% kế hoạch giải phóng mặt bằng Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và 50% tổng mức đầu tư Dự án Đường Vành đai 3 - TP HCM đoạn qua địa bàn tỉnh.
Do đó, tỉnh này khó có khả năng cân đối chi phí giải phóng mặt bằng cho Dự án Đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành. Sở GTVT tỉnh Đồng Nai đề nghị đưa chi phí giải phóng mặt bằng của dự án này bằng nguồn vốn đầu tư công phân bổ từ nguồn ngân sách trung ương.
Ngoài ra, với công tác giải phóng mặt bằng Dự án Đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, đoạn qua địa bàn tỉnh Đồng Nai có đoạn tuyến nằm trong phạm vi tuyến đường tỉnh 25B và tuyến T1, kết nối Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã hoàn tất và đang triển khai thi công. Vì vậy, phạm vi ảnh hưởng của Dự án Tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành không tính diện tích thu hồi đất đối với 23km đi trên tuyến đường tỉnh 25B, tuyến T1 và trong phạm vi sân bay.
Do đó, Sở GTVT tỉnh Đồng Nai đề nghị tính toán lại diện tích thu hồi đất, loại đất thu hồi của dự án đoạn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Đồng thời, tính toán lại chi phí giải phóng mặt bằng cho phù hợp, tham khảo thêm chi phí giải phóng mặt bằng của Dự án Đường Vành đai 3 - TP HCM và Dự án Đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đang thực hiện công tác này.

Tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành sẽ kết nối hai khu vực quan trọng của phía Nam (Ảnh minh họa)
Được biết, Dự án Tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành có điểm đầu tại Ga Thủ Thiêm thuộc phường An Phú (TP Thủ Đức, TP HCM), điểm cuối tại Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành (huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai). Toàn tuyến có 20 nhà ga (16 ga trên cao và 4 ga ngầm), 1 depot bố trí tại xã Cẩm Đường, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai và 1 bãi đỗ tàu, trạm sửa chữa, vệ sinh tàu tại Thủ Thiêm.
Năng lực chuyên chở hành khách của tuyến đáp ứng khoảng 40.000 người/hướng/giờ; kết nối trung tâm TP HCM đến Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành và các đô thị dọc tuyến đường sắt; kết nối với đường sắt đô thị số 2 TP HCM tại Ga Thủ Thiêm; đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu tại ga S18; đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam tại Ga Thủ Thiêm và Ga Long Thành.
Tính toán sơ bộ, tổng mức đầu tư dự án là khoảng 84.752 tỷ đồng (tương đương 3,454 tỷ USD) được đầu tư bằng vốn đầu tư công, trong đó chi phí giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư khoảng 5.504 tỷ đồng. Dự kiến, dự án này được phê duyệt chủ trương đầu tư trong năm 2025; phấn đấu khởi công trước năm 2030, hoàn thiện đưa vào khai thác từ năm 2035.