Liên tục cơi nới mục tiêu vẫn không đạt
Năm 2015, Đồng Nai đặt mục tiêu đến năm 2017, tỷ lệ rác thải sinh hoạt được xử lý theo hình thức chôn lấp trên địa bàn tỉnh sẽ ở dưới mức 15%. Tuy nhiên, mục tiêu này đã không hoàn thành, tỉnh phải điều chỉnh, đặt lại mục tiêu. UBND tỉnh đã 3 lần gia hạn cho các chủ đầu tư dự án xử lý rác về giảm tỷ lệ chôn lấp.
Và gần nhất đặt mục tiêu đến cuối năm 2016 phải đưa tỷ lệ chôn lấp chất thải sinh hoạt về dưới 15%. Song mục tiêu này cũng không thực hiện được nên tỉnh phải điều chỉnh lại là đến cuối năm 2018 và chỉ giảm tỷ lệ chôn lấp xuống dưới 50%, năm 2019 dưới 30% và đến năm 2020 dưới 15%. Thế nhưng đến nay năm 2018 sắp trôi qua, nhưng hơn 60% rác thải sinh hoạt tại Đồng Nai vẫn được xử lý bằng chôn lấp.
Sau nhiều năm đầu tư đến nay 100% rác thải ở Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) vẫn được xử lý bằng hình thức chôn lấp
Đồng Nai quy hoạch 7 khu xử lý chất thải với 17 dự án, tổng diện tích hơn 354ha. Đây là các dự án xử lý rác thành phân bón compost, đốt, phát điện có tổng vốn để đầu tư lên đến hơn 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên sau hơn 10 năm triển khai, việc lắp đặt lò đốt, đầu tư công nghệ xử lý rác tại nhiều dự án vẫn ì ạch, thậm chí có dự án vẫn chưa có động thái đầu tư.
Hiện chỉ mới có 2 dự án vận hành hoàn chỉnh, những dự án còn lại, tỷ lệ chôn lấp rác thải sinh hoạt vẫn gần như 100%. Điển hình như khu xử lý rác Bàu Cạn (huyện Long Thành), Tây Hòa (huyện Trảng Bom), Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) sau nhiều năm đầu tư đến nay 100% rác thải vẫn được xử lý bằng hình thức chôn lấp.
Nguyên nhân khiến cho mục tiêu giảm tỷ lệ rác chôn lấp của Đồng Nai liên tục “vỡ trận” được cho là do các doanh nghiệp được cấp phép dự án xử lý rác thời gian qua phần lớn vẫn đang cố tình kéo dài. Và việc dây dưa kéo dài thời gian đầu tư hoàn thiện các nhà máy xử lý rác xuất phát từ việc ngân sách chi trả cho việc xử lý rác sinh hoạt thành phân bón, đốt lại tương đương với rác đưa về đem chôn lấp (khoảng 420.000 - 490.000 đồng/tấn). Trong khi thực tế xử lý rác bằng cách đốt hoặc làm phân bón phải bỏ vốn đầu tư, vận hành sẽ tốn kém hơn nhiều so với chôn lấp.
Được biết, hằng năm Đồng Nai phải chi khoảng 190 tỷ đồng để trả phí xử lý rác cho các chủ đầu tư dự án xử lý rác thải. Thế nhưng thay vì phải đầu tư công nghệ xử lý hiện đại tốn kém để giảm tỷ lệ chôn lấp rác thì các chủ dự án vẫn chọn hình thức xử lý thô sơ và gây hại cho môi trường nhiều nhất để có được lợi nhuận cao nhất.
Dùng biện pháp mạnh để xử lý
Hiện mỗi ngày, trên địa bàn Đồng Nai phát sinh khoảng 1.400 tấn rác sinh hoạt và con số này tiếp tục tăng từng ngày. Vì vậy, để giảm tỷ lệ rác chôn lấp tạm thời, Đồng Nai đang tính đến chuyện vận chuyển rác từ những dự án có tỷ lệ chôn lấp cao về các dự án có thể xử lý bằng phương pháp đốt hoặc làm phân compost.
Và chỉ có như vậy mới mong mục tiêu giảm tỷ lệ rác thải sinh hoạt được xử lý theo hình thức chôn lấp xuống dưới mức 30% vào năm 2019 mới thành hiện thực.
Một trong 2 dự án lớn nhất tỉnh Đồng Nai ở huyện Vĩnh Cửu, 100% rác thải vẫn được xử lý bằng hình thức chôn lấp
Đồng thời, Đồng Nai sẽ rà soát lại tất cả các dự án, xem xét lại khả năng đầu tư của các dự án. Qua đó, sẽ cương quyết rút giấy phép đầu tư đối với các dự án chậm triển khai, cố tình kéo dài và cả chủ dự án không còn đủ khả năng thực hiện. “Các địa phương cùng với các sở, ngành xem xét lại tất cả những dự án xử lý rác trên địa bàn xem nguyên nhân chậm do đâu. Nếu chủ đầu tư cố tình kéo dài dự án và chỉ chôn lấp thì buộc ngưng hoạt động, chuyển rác đến những nơi đang xử lý thành phân bón hoặc đốt để giảm tỷ lệ chôn lấp” - Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái nhấn mạnh.
Còn Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - Trần Văn Vĩnh khẳng định, Đồng Nai luôn đặt vấn đề đảm bảo môi trường lên hàng đầu, vì thế sẽ không thể để các khu xử lý chất thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng khiến người dân bức xúc. Do đó, sau khi rà soát những dự án xử lý rác, chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện thì sẽ thu hồi giao cho những doanh nghiệp có đủ khả năng thực hiện nhanh.
Quyết liệt hơn, dự án nào vẫn chôn lấp rác 100% thì sẽ buộc phải ngưng hoạt động hoặc giảm lượng rác đưa về dự án đó. Và bắt đầu từ tháng 12/2018, hằng ngày sẽ có hơn 100 tấn từ khu Bàu Cạn và 200 tấn rác sinh hoạt của khu Vĩnh Tân chuyển về khu Quang Trung để xử lý. Động thái quyết liệt này của UBND tỉnh Đồng Nai đã buộc 2 khu xử lý rác Bàu Cạn và Vĩnh Tân phải lựa chọn, một là nhanh chóng hoàn thiện nhà máy hoặc là ngưng hoạt động.
Và sự quyết liệt này của UBND tỉnh Đồng Nai đã bắt đầu có tác dụng. Cụ thể, khu xử lý Tây Hòa (huyện Trảng Bom) và Xuân Mỹ (huyện Cẩm Mỹ) đang gấp rút lắp đặt lò đốt để đưa rác sinh hoạt vào đốt trong tháng 12 này.
Cùng đó, Đồng Nai cũng đã điều chỉnh giá xử lý rác sinh hoạt từ 420.000 - 490.000 đồng/tấn xuống còn 370.000 – 380.000 đồng/tấn và dự kiến sẽ còn thông qua đấu thầu để chọn giá xử lý rác sinh hoạt thấp nhất. Tuy nhiên, nếu vẫn với cách tính giá xử lý rác thành phân bón tương đương với giá xử lý bằng chôn lấp thì sẽ khó khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư công nghệ xử lý rác hiện đại?
Thanh Hải