Đồng Nai: Lò mổ lậu nở rộ, lò mổ tập trung lâm cảnh khốn cùng

26/10/2018 08:19

(CLO) Bị cạnh tranh bởi các lò mổ không phép, các lò giết mổ tập trung hiện nay cố gắng lắm cũng chỉ duy trì hoạt động ở mức khoảng hơn 1/10 công suất thiết kế. Tình trạng này đang khiến cho nhiều cơ sở giết mổ tập trung ở Đồng Nai có nguy cơ phải dừng hoạt động do thua lỗ kéo dài, thiếu kinh phí duy trì.

Gia súc giết mổ lậu tràn lan ở Đồng Nai - Ảnh:TL

Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý hoạt động giết mổ, đặc biệt là vấn đề "dẹp" những cơ sở giết mổ trái phép đã được đưa ra tại hội thảo về công tác quản lý, sắp xếp giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai diễn ra vào ngày 25/10/2018, do Sở NN - PTNT Đồng Nai tồ chức.

Tại hội thảo, đại diện các phòng NN - PTNT, phòng kinh tế, trạm thú y các địa phương và chủ các lò giết mổ tập trung… đã đưa ra nhiều ý kiến liên quan đến những khó khăn, bất cập trong quá trình kiểm tra, xử lý các lò giết mổ lậu, tình trạng các lò giết mổ tập trung không thể hoạt động đúng công suất khi bị cạnh tranh bởi các lò mổ không phép.

Điển hình, việc giết mổ lậu tràn lan trên địa bàn huyện Nhơn Trạch đang khiến cho một cơ sở giết mổ tập trung ở huyện Nhơn Trạch được đầu tư cơ sở vật chất, đầy đủ trang thiệt bị với công suất giết mổ từ 400 - 500 con lợn/ngày đêm nhưng hiện chỉ hoạt động với công suất giết mổ gần 50 con lợn/ngày đêm…

Theo thông tin từ Sở NN - PTNT tỉnh Đồng Nai, hiện tại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 75 cơ sở giết mổ gia súc gia cầm đủ tiêu chuẩn được cấp phép hoạt động. Tuy nhiên, tính đến tháng 9, Đồng Nai đã phát hiện và xử lý 44 điểm giết mổ lậu, tăng 14 điểm so với tháng 8/2017, tập trung nhiều tại TP Biên Hòa và các huyện Long Thành, Trảng Bom, Nhơn Trạch, Cẩm Mỹ.

Lý giải cho sự tồn tại, chưa thể xử lý dứt điểm của các lò mổ lậu đã đưa ra tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, việc phát hiện và bắt quả tang các cơ sở giết mổ lậu hoạt động không phép rất khó khăn, nhưng hiện chế tài xử phạt lại quá nhẹ, chưa đủ tính răn đe nên hầu hết các lò mổ sau khi bị xử phạt vẫn tiếp tục hoạt động và chấp nhận đóng phạt. Hành vi này của chủ các cơ sở giết mổ trái phép cũng là điều dễ hiểu, bởi với mức phí hiện nay ở các lò mổ tập trung là khoảng 50.000 đồng/con thì chỉ với số lượng 30 con/ngày sẽ phải tốn 1,5 triệu đồng, và như vậy 1 tháng phải mất khoảng 40 triệu đồng tiền chi phí. Trong khi đó, giết mổ không phép, nếu bị phát hiện chỉ bị xử phạt 8 triệu đồng.

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu còn chỉ ra các khó khăn, vướng mắc trong việc quản lý, sắp xếp các cơ sở giết mổ trên địa bàn, nhất là các cơ sở giết mổ lậu như khó thay đổi tập quán giết mổ nhỏ lẻ cũng như việc phối hợp giữa cơ quan công an và chính quyền địa phương trong việc phát hiện xử lý lò mổ lậu chưa nhịp nhàng, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm đến tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân...

Trước thực trạng trên, Giám đốc Sở NN - PTNT Đồng Nai Huỳnh Thành Vinh cho biết sắp tới ngành nông nghiệp, lãnh đạo địa phương và các cơ quan chức năng liên quan cần tăng cường phối hợp kiểm tra, xử lý triệt để tình trạng giết mổ lậu, tạo điều kiện nâng công suất hoạt động của các lò mổ tập trung.

Theo quy hoạch đến năm 2020, Đồng Nai sẽ có 50 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Hiện cả tỉnh đã triển khai đầu tư xây dựng được 40 cơ sở giết mổ tập trung theo quy hoạch, trong đó có 33 cơ sở được dự án Lifsap hỗ trợ đầu tư. Tuy nhiên, công suất hoạt động của các cơ sở này còn rất hạn chế do chịu sự cạnh tranh từ các lò mổ lậu.

Được biết, sau gần 7 năm triển khai sắp xếp lại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm và xóa bỏ các lò mổ lậu, nhưng đến nay các lò mổ lậu vẫn hoạt động và số lò mổ lậu thực tế hoạt động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai vẫn chưa thể có con số thống kê chính xác.

Thanh Hải

    Nổi bật
        Mới nhất
        Đồng Nai: Lò mổ lậu nở rộ, lò mổ tập trung lâm cảnh khốn cùng
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO