Dòng sông Đáy: Từ dòng sông thơ mộng đến nỗi đau hiện thực
Nguyễn Đoan•19/05/2025 06:18
(CLO) Dòng sông Đáy từng thơ mộng nay đang dần trở thành dòng sông chết bởi tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng và kéo dài suốt nhiều năm qua.
Từng được nhắc đến trong thơ ca như một dòng sông hiền hòa, trong xanh và mang vẻ đẹp trầm mặc của vùng đồng bằng Bắc Bộ, sông Đáy nay đã không còn giữ được dáng hình xưa cũ. Thay vào đó là một dòng nước đen kịt, đặc quánh mùi ô nhiễm.
Ghi nhận của phóng viên, đoạn sông nằm giữa hai huyện Quốc Oai và Hoài Đức (đoạn cầu vượt sông Đáy) nước sông có màu đen kịt, đứng cách xa vài chục mét vẫn ngửi thấy mùi hôi tanh nồng nặc bốc lên.Nguyên nhân chính khiến sông Đáy rơi vào thực trạng đáng buồn này là do nước thải sinh hoạt, công nghiệp và làng nghề xả thẳng ra sông, không qua xử lý. Dòng sông vốn đã ít nước do nằm cuối nguồn, lại càng thêm “nghẹt thở” vì gánh trên mình khối lượng lớn chất thải mỗi ngày.Chia sẻ với phóng viên, những người dân sinh sống dọc hai bên bờ sông không khỏi bức xúc. Họ cho biết, vào những ngày thời tiết nắng nóng, mùi xú uế từ dòng sông trở nên nồng nặc hơn, bốc mùi vào nhà, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.Người dân tại các xã dọc sông Đáy cho biết thêm, hoạt động sản xuất nông nghiệp của họ cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Vốn dĩ phải lấy nước từ sông để tưới tiêu, nhưng nay, nhiều thửa ruộng sau khi được dẫn nước vào đã xuất hiện tình trạng cây trồng héo úa.Bên cạnh đó, phóng viên còn ghi nhận tình trạng dòng chảy của nước sông khá yếu, nhiều khu vực lộ rõ bùn đen. Một số vị trí xuất hiện váng bọt.Dòng sông Đáy đoạn qua Vân Côn (Hoài Đức) và Cộng Hòa (Quốc Oai) phủ đầy bèo tây, che lấp dòng nước đen ngòm và phản ánh mức độ ô nhiễm đáng báo động.Khu vực này còn trở thành điểm tập kết rác thải của người dân. Ngay phía trước cầu 72, rác chất thành đống, bốc mùi hôi thối, gây ô nhiễm nghiêm trọng cho cả dòng sông và môi trường xung quanh.Dọc hai bên bờ, nhiều đoạn xuất hiện các điểm đổ rác trái phép, rác thải bị xả trực tiếp xuống dòng sông, góp phần gia tăng mức độ ô nhiễm nghiêm trọng.
Hội Cơ học Hà Nội đề xuất giải pháp cấp nước sông Đà cho sông Đáy thông qua cống Thuần Mỹ và đường trục Tây Thăng Long, với lưu lượng dự kiến là 30m³/s, nhằm hồi sinh dòng sông tại hội thảo khoa học ngày 15/5.
Mặc dù giải pháp dẫn nước sông Đà vào sông Đáy đòi hỏi nguồn vốn đầu tư đáng kể (16.000-17.000 tỷ đồng), giới chuyên gia nhận định đây là hướng đi đầy tiềm năng. GS Nguyễn Quang Ngọc đánh giá cao tính "thuận thiên" của phương án này, cho rằng chi phí như vậy là hợp lý để giải quyết căn bản vấn đề.
Đồng quan điểm, GS Nguyễn Văn Tính nhấn mạnh tình trạng mực nước sông Hồng xuống thấp đã làm tê liệt khả năng cấp nước tự nhiên cho sông Đáy, biến nhiều đoạn sông thành "sông chết". Do đó, việc bổ sung nguồn nước ổn định từ sông Đà được kỳ vọng sẽ là "liều thuốc" hữu hiệu để vực dậy dòng sông đang hấp hối này.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.