Dòng vốn lớn sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản trong năm 2024
(CLO) Sau giai đoạn khó khăn, bất động sản vẫn là kênh đầu tư được ưa chuộng của các nhà đầu tư nhỏ lẻ, cũng như thu hút được dòng vốn lớn từ các "đại gia" quốc tế.
Dòng vốn ngoài đang hướng đến bất động sản
Theo Báo cáo Tình hình kinh tế – xã hội năm 2023 của Tổng cục Thống kê cho thấy, dù thị trường bất động sản trải qua một năm khó khăn nhưng trong suốt năm 2023, cả nước có 4.725 doanh nghiệp bất động sản được thành lập mới. Ngoài ra, có 2.081 doanh nghiệp kinh doanh bất động sản quay trở lại hoạt động, bằng 109,1% so với năm 2022.
Bên cạnh đó bất động sản vẫn là lĩnh vực hấp dẫn nhà đầu tư khi đứng ở vị trí thứ 2 về thu hút vốn đầu tư ngoại. Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy biết, tính đến ngày 20/12/2023, kinh doanh bất động sản thu hút gần 4,67 tỷ USD, chiếm hơn 12,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 4,8% so với cùng kỳ.

Các doanh nghiệp nước ngoài dành nhiều sự quan tâm cho các thị trường lớn như TP HCM và Hà Nội.
Bất chấp các khó khăn của thị trường bất động sản, việc số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số doanh nghiệp quay lại hoạt động tăng; cũng như nguồn vốn FDI đổ vào bất động sản đứng thứ hai trong thu hút đầu tư nước ngoài cho thấy bất động sản vẫn là một kênh đầu tư được ưa chuộng.
Một khảo sát của Cushman & Wakefield Việt Nam cũng cho thấy, nhà đầu tư quốc tế đang quan tâm và có phản hồi đều rất tích cực với tiềm năng đầu tư tại Việt Nam. Xuất phát từ việc Việt Nam là một thị trường tiêm năng với tỷ suất sinh lời hấp dẫn.
Điều đó cũng được thể hiện qua các thương vụ M&A lớn trên thị trường bất động sản vừa qua với những thương hiệu quốc tế như Hong Kong Land, Frasers Property, Mapletree, Daiwa House, Nomura, GS,...
Bên cạnh các dự án nhà ở, loại hình bất động sản công nghiệp và hậu cần cũng có sức húut vượt trội, nhờ vào sự phát triển của ngành sản xuất và xuất khẩu, thương mại điện tử, vận tải và kho bãi.

Dòng vốn FDI cũng đang chảy mạnh vào các khu công nghiệp.
Ngành sản xuất chế biến, chế tạo chiếm cũng phần lớn trong tổng vốn FDI, dẫn tới việc nhiều doanh nghiệp đang quan tâm tới Việt Nam như một điểm đến mới cho việc mở rộng sản xuất từ Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á. Trong đó, sự quan tâm của các quốc gia châu Âu và Mỹ đến thị trường bất động sản Việt Nam cũng ngày càng tăng.
Năm 2024 là thời điểm tốt để đầu tư?
Nhận định về thị trường, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía Nam cho biết, giai đoạn cuối năm 2023, trong nhiều sự kiện bán hàng được các chủ đầu tư tổ chức, lượng nhà đầu tư, khách quan tâm đến tham dự, tham quan tăng đáng kể.
Dù chưa thể khẳng định lượng khách đến tham dự đông có tỉ lệ thuận với tỉ lệ khách mua hay không nhưng việc nhà đầu tư đến tham dự và thực tế dự án cho thấy cơ hội bán hàng và nhu cầu tìm mua sản phẩm bất động sản vẫn hiện hữu. Nhu cầu này sẽ rõ nét hơn trong năm 2024.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, đánh giá năm 2024 là một năm thách thức của ngành bất động sản. Tuy nhiên, những thách thức này cũng mở ra các cơ hội rất lớn để thị trường bất động sản tăng tốc trong giai đoạn tới.
Các dấu hiệu tạo đà cho sự tăng tốc xuất hiện ngay từ cuối năm 2023 khi nhiều dự án quy mô lớn rầm rộ tung hàng trên thị trường, góp phần quan trọng thúc đẩy giao dịch và đa dạng hóa nguồn cung.

Nhiều ý kiến cho rằng năm 2024 là thời điểm thích hợp để đầu tư bất động sản.
Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhấn mạnh, việc các dự án ra hàng, mở bán thời điểm cuối năm cho thấy thị trường bất động sản đang trên đà phục hồi. Cùng với đó, các chính sách kinh tế vĩ mô của Nhà nước, hành lang pháp lý cũng đang hỗ trợ cho sự phát triển của thị trường thời gian tới.
Đây sẽ là tiền đề tạo đường băng cho thị trường bất động sản 2024 cất cánh. Vì vậy, trong năm 2024, nhà đầu tư thấy được cơ hội tốt có thể tranh thủ “bắt đáy” thị trường để lựa chọn và mua bất động sản ưnng ý nhất với giá tốt nhất.
Tuy nhiên, theo ông Neil MacGregor, Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam cho rằng, thách thức lớn của các nhà đầu tư bất động sản tại Việt Nam lúc này là những trở ngại về thủ tục hành chính, đặc biệt là trong việc giải quyết các khoản phí sử dụng đất.
Cùng với đó, các nhà đầu tư hiện nay đang hết sức cẩn trọng về quyền sở hữu pháp lý của dự án, đảm bảo có một lộ trình rõ ràng để đạt được phê duyệt cần thiết từ Chính phủ. Việc giải quyết phí sử dụng đất và phê duyệt quy hoạch 1/500 là những yếu tố quan trọng nhất đối với các dự án phát triển nhà ở.
Do đó, có ít dự án có quyền sở hữu hợp pháp rõ ràng và có đủ các phê duyệt cần thiết để phát triển, ít nhiều dẫn đến những khó khăn đối với việc các nhà đầu tư tham gia thị trường.
"Những thay đổi trong khung pháp lý vẫn chưa được triển khai đầy đủ, do đó chính quyền địa phương vẫn ngần ngại trong quá trình thực hiện. Điển hình với các sản phẩm condotel, nhiều cơ quan chính quyền địa phương vẫn còn do dự trong việc cấp chứng nhận cho các dự án mặc dù có những giải thích rõ ràng trong khung pháp luật", ông Neil MacGregor nhận định, .