Đợt bùng phát đại dịch thứ 4, khiến “đất vàng” cho thuê TP.HCM phải “bật khóc”

Thứ sáu, 11/06/2021 13:22 PM - 0 Trả lời

(CLO) So với 3 đợt bùng phát dịch bệnh trước đó, đợt bùng phát đại dịch COVID-19 lần thứ 4 có tốc độ lây lan nhanh, quy mô lớn, đã khiến phân khúc nhà phố, mặt bằng cho thuê rơi vào cảnh “ngủ đông” dài hạn.

Đợt bùng phát dịch thứ 4 gánh một đòn mạnh lên mặt bằng cho thuê

Trải qua 3 đợt bùng phát đại dịch COVID-19, với sự kiểm soát tốt dịch bệnh trong nước, phân khúc nhà phố cho thuê, mặt bằng cho thuê tại TP.HCM đã có những tín hiệu hồi phục và tăng trưởng tích cực.

Theo ghi nhận của PV Báo Nhà báo và Công luận, vào đầu năm 2021, nhiều mặt bằng cho thuê tại quận 1, quận 3 đã có chủ mới. Tỷ lệ lấp đầy có thể đạt 70% - 75%. Giá thuê cũng nhích khoảng 3% - 5% so với thời điểm giữa năm 2020.

Chủ nhà đối diện việc giảm 20-40% giá thuê mặt bằng.

Chủ nhà đối diện việc giảm 20-40% giá thuê mặt bằng.

Ghi nhận từ thị trường cho thấy, những thương hiệu bán lẻ trong ngành ăn uống, cửa hàng tiện lợi, các ngành thiết yếu vẫn có kế hoạch thuê mặt bằng, mở rộng ở các thành phố lớn.

Tuy nhiên, kể từ khi xuất hiện đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4, COVID-19 một lần nữa nhấn chìm tia hy vọng của mặt bằng cho thuê. So với 3 đợt bùng phát dịch bệnh trước đó, đợt bùng phát lần này có tốc độ lây lan nhanh, quy mô lớn, đã khiến nhiều phân khúc rơi vào cảnh “ngủ đông” dài hạn.

Cũng theo ghi nhận của PV Báo Nhà báo và Công luận, tại TP.HCM, nhiều mặt bằng đang trong giai đoạn thi công, hoàn thiện. Nhưng khi bùng phát dịch bệnh, khách thuê vẫn chấp nhận “mất trắng” và trả lại mặt bằng cho chủ. Một số khác thì tạm ngừng thi công để chờ đợi dịch bệnh đi qua.

Ngay cả những “khu đất vàng” của TP.HCM, như đường Hồ Tùng Mậu, Huỳnh Thúc Kháng, Đồng Khởi (quận 1), tỷ lệ lấp đầy đang có xu hướng giảm mạnh trong 1 tháng bùng phát dịch bệnh.

Trước tình hình này, đa số chủ mặt bằng cho thuê đông ý giảm giá 20% - 40%, cho thời gian giãn cách toàn xã hội theo chỉ thị 15 và 16 nhằm giữ được hợp đồng thuê.

Bên cạnh đó, chủ nhà cũng chấp nhận không tăng giá thuê, trong thời hạn từ 3 - 5 năm để “chiều lòng” khách thuê.

Bà Võ Thị Khánh Trang, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu, Savills TP.HCM nhận định: Trong bối cảnh hiện nay, khách hàng mới là người “nắm đằng chuôi”, và là đối tượng dẫn dắt thị trường.

Ngược lại, chủ mặt bằng đang giảm dần sự lạc quan, chấp nhận một số yêu sách, nhằm giữ chân khách thuê.

Bà Trang đánh giá: “Hiện nay, một số doanh nghiệp nhỏ đã chuyển sang mô hình kinh doanh online, và việc thuê mặt bằng gần như không cần thiết. Do đó, để níu giữ những khách hàng này, chủ nhà buộc phải đồng thuận, để tìm được tiếng nói chung giữa hai bên”.

Triển vọng hồi phục của nhà phố cho thuê

Nhận định về phân khúc nhà phố, mặt bằng cho thuê, bà Trần Phạm Phương Quyên, Quản lý mặt bằng thương mại bán lẻ, Savills TP.HCM cho rằng: Trong ngắn hạn, thị trường nhà phố cho thuê có thể tiếp tục đối mặt làn sóng trả mặt bằng, hoặc giảm bớt diện tích thuê để cắt giảm chi phí. Ngoài ra, việc tìm khách thuê mới trong hoàn cảnh này cũng rất khó khăn.

Trong ngắn hạn, thị trường nhà phố cho thuê có thể tiếp tục đối mặt làn sóng trả mặt bằng.

Trong ngắn hạn, thị trường nhà phố cho thuê có thể tiếp tục đối mặt làn sóng trả mặt bằng.

Theo bà Quyên, chủ nhà sẽ không còn ở thế thượng phong, thay vào đó, khách thuê sẽ chiếm lợi thế với nhiều lựa chọn hơn để đuổi kịp xu hướng thay đổi hành vi của người tiêu dùng.

Trong dài hạn, thị trường mặt bằng bán lẻ nói chung và thị trường nhà phố cho thuê nói riêng được kỳ vọng sẽ có nhiều tín hiệu tích cực. Trong đó, các chỉ số kinh tế vĩ mô vẫn đang tăng trưởng dương.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa tại TP.HCM đã có sự hồi phục sau mỗi đợt dịch và đạt các mức tăng trưởng bền vững qua các năm.

Bên cạnh đó, các thương hiệu quốc tế hạng sang vẫn tìm kiếm các mặt bằng thương mại tại khu vực trung tâm thành phố cho kế hoạch mở rộng, thâm nhập thị trường Việt Nam. Nhất là tại các thành phố lớn, có mức độ đô thị hóa cao, tiêu thụ nội địa ngày càng tăng, cũng như những kết quả tích cực từ vắc xin Covid-19.

Chuyên gia của Savills nhận xét, về tổng quan thị trường bán lẻ thương mại cho thuê tại TP.HCM, khu vực ngoài trung tâm bị tác động nhiều hơn khu vực trung tâm. 

Khu vực trung tâm với mật độ tập trung cao của các tòa nhà văn phòng, khách sạn cao cấp và các điểm tham quan du lịch chiếm lợi thế trong việc thu hút các khách thuê bán lẻ/ thương hiệu cả trong và ngoài nước mở cửa hàng nhờ vào lượng khách tham quan mua sắm ổn định. Do đó, các mặt bằng tại khu vực trung tâm vẫn sẽ được săn đón hơn so với khu vực ngoài trung tâm. 

Để tồn tại trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát lớn nhất từ trước đến nay đa số các thương hiệu đang làm khá tốt những giải pháp để đối phó, chẳng hạn như việc nắm bắt thay đổi hành vi tiêu dùng và áp dụng chuyển đổi số là một trong những hành động chuyển mình cấp thiết để nắm giữ và mở rộng nguồn khách hàng.

Thực tế cho thấy một số nhà hàng cao cấp đã phát triển dịch vụ giao hàng tận nhà, với những menu giá tốt, đóng gói đẹp để giữ chân người tiêu dùng; các dịch vụ vui chơi, giải trí cũng chào mời những gói hội viên với giá hấp dẫn chỉ áp dụng trong thời gian dịch bệnh bùng phát, và bảo lưu quyền sử dụng không tính vào thời kì giãn cách. 

Ngay cả với những nhà bán lẻ khi ký hợp đồng thuê cũng chú ý thêm vào điều khoản tự bảo vệ chính mình nếu mặt bằng thuê không thể sử dụng, hoạt động, kinh doanh được theo Chỉ thị của Chính phủ.

Bên cạnh đó, tùy thuộc vào khả năng về tài chính, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tạm dừng hoạt động để cắt lỗ hoặc giảm diện tích thuê/ số lượng mặt bằng thuê để duy trì hoạt động kinh doanh hiệu quả, đồng thời tăng cường quảng bá thương hiệu qua các trang mạng thương mại điện tử, tăng các dịch vụ giao hàng, tăng các dịch vụ chăm sóc và hậu mãi đến khách hàng. 

Đây cũng là thời điểm để các doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính đánh giá lại kết quả kinh doanh các cửa hàng vật lý và có thể thay đổi các mặt bằng tốt hơn với giá thuê tương đồng hoặc thuận lợi thuê được các nhà phố với các điều khoản thuê tốt.

Việt Vũ

Tin khác

Khánh Hòa xin thu hồi gần 3.000ha đất để xây 2 khu đô thị cao cấp

Khánh Hòa xin thu hồi gần 3.000ha đất để xây 2 khu đô thị cao cấp

(CLO) Ngày 28/3, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã thông qua 2 nghị quyết về danh mục các dự án cần thu hồi đất và danh mục dự án thu hồi đất để chấp thuận chủ trương đầu tư. Trong đó có việc thu hồi đất cho 2 dự án khu đô thị cao cấp Tu Bông và Đầm Môn.

Bất động sản
Kỳ vọng vào sự trở lại dòng khách quốc tế để đánh thức thị trường bất động sản nghỉ dưỡng

Kỳ vọng vào sự trở lại dòng khách quốc tế để đánh thức thị trường bất động sản nghỉ dưỡng

(CLO) Trong năm 2023, hoạt động kinh doanh nghỉ dưỡng tại phần lớn các quốc gia trên thế giới gần như đã khôi phục về mức trước đại dịch. Riêng tại Việt Nam, thị trường vẫn đang chờ đợi sự trở lại của dòng khách quốc tế, hứa hẹn có sự tăng trưởng trong năm 2024.

Bất động sản
Đà Nẵng Times Square: Chủ đầu tư nợ như “chúa Chổm”, dự án bị cầm cố ở ngân hàng

Đà Nẵng Times Square: Chủ đầu tư nợ như “chúa Chổm”, dự án bị cầm cố ở ngân hàng

(CLO) Trước khi được chuyển đổi từ condotel thành chung cư, trước khi được phép huy động vốn, Đà Nẵng Times Square của chủ đầu tư ngập nợ Kim Long Nam bị Đầu tư Phương Trang cầm cố ở ngân hàng.

Bất động sản
Thị trường đất nền bắt đầu đi vào guồng quay của chu kỳ phát triển mới

Thị trường đất nền bắt đầu đi vào guồng quay của chu kỳ phát triển mới

(CLO) Nhiều số liệu nghiên cứu thị trường cho thấy, nhu cầu tìm kiếm các sản phẩm đất nền đang giữ nhịp tăng khá tốt, đặc biệt là sau giai đoạn Tết Nguyên đán. Đó là những dấu hiệu tích cực báo hiệu thị trường đất nền đang bắt đầu bắt nhịp với sự phát triển trong chu kỳ mới.

Bất động sản
Long An sử dụng 1.000ha đất để phát triển nhà ở xã hội

Long An sử dụng 1.000ha đất để phát triển nhà ở xã hội

(CLO) Theo mục tiêu phát triển đến năm 2030, tỉnh Long An dự kiến sẽ sử dụng 127 khu đất với tổng diện tích hơn 1.000ha để xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH).

Bất động sản