Dự án đường liên kết vùng đi hồ Suối Lạnh (TP. Phổ Yên, Thái Nguyên): Người dân khiếu kiện cho rằng đền bù chưa thỏa đáng?
(NB&CL) Việc cưỡng chế giải phóng mặt bằng thu hồi đất thực hiện dự án đường kết nối từ đường liên kết vùng đi hồ Suối Lạnh, xã Thành Công, TP. Phổ Yên (Thái Nguyên) đang vấp phải sự phản đối của người dân, vì cho rằng cách tính đền bù của chính quyền địa phương là không thỏa đáng, không phù hợp với thực tế.
Đường cắt góc nhà nhưng chỉ đền bù theo ranh?
Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án tuyến đường nối từ đường liên kết vùng đi hồ Suối Lạnh, xã Thành Công là dự án nhóm B, công trình giao thông cấp III, được phê duyệt tại Quyết định số 10.408/QĐ-UBND ngày 05/12/2023 của UBND thành phố Phổ Yên với tổng mức đầu tư dự án sau điều chỉnh gần 100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Thời gian thực hiện trong giai đoạn 2023-2025.
Dự án nhận được sự đồng thuận cao của hơn 200 hộ dân bị ảnh hưởng tới tài sản, đất đai, hoa màu… Trong đó có gia đình ông Nguyễn Hứa Dương ở xóm Nhe, xã Thành Công, TP. Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên.

Trình bày với Báo Nhà báo và Công luận, ông Dương cho biết: Kể từ ngày nhận được quyết định thu hồi đất số 1571/QĐ/UBND, gia đình ông hoàn toàn ủng hộ, đặc biệt sau khi nghe Chủ tịch TP. Phổ Yên chia sẻ về tầm quan trọng và gấp rút hoàn thành của tuyến đường trước ngày 30/4/2025, gia đình đã phối hợp di chuyển 3.700 con lợn đang ở độ tuổi lớn (70kg/con) chưa tới tuổi xuất chuồng, nhằm tạo điều kiện cho đơn vị thi công thực hiện dự án.
Tuy nhiên, việc phê duyệt phương án dự toán bồi thường, cách tính đền bù của chính quyền địa phương là không thỏa đáng, không phù hợp với thực tế. Số tiền hỗ trợ đền bù quá thấp so với số tiền gia đình đã bỏ ra đầu tư xây dựng và nhiều năm qua đang vận hành ổn định.
Thêm vào đó, dù chưa nhận tiền bồi thường và đang có đơn khiếu nại về việc chi trả bồi thường hỗ trợ đất, tài sản trên đất nhưng đến ngày 16/4/2025, chính quyền TP. Phổ Yên đã huy động lực lượng, máy móc tiến hành cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng của gia đình. Đồng thời tức tốc thi công dự án, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu của ngôi nhà và cuộc sống của gia đình – ông Dương bức xúc.
Tại biên bản làm việc với UBND xã Thành Công (23/4/2025), ông Dương trình bày: Ranh giới thu hồi dự án vào một góc nhà, Nhà nước chỉ bồi thường một góc nhà như vậy gia đình không đồng ý vì khi thu hồi một góc nhà thì phần nhà còn lại gia đình ông không sử dụng được… “Hiện tại đơn vị thi công đã đổ đất tràn vào móng nhà của gia đình tôi cao khoảng 1,5 – 2m, gây nguy hiểm cho việc sử dụng, một số vị trí nhà bị nứt tường do đổ đất và lu lèn gây rung lắc” - ông Dương cho biết và đề nghị UBND TP. Phổ Yên cần có biện pháp bồi thường toàn bộ ngôi nhà nhằm đảm bảo cuộc sống gia đình.
Thanh tra TP. Phổ Yên đang thụ lý vụ việc
Trước kiến nghị của người dân, UBND TP. Phổ Yên đã giao Thanh tra TP vào cuộc. Qua đó, ghi nhận 3 nội dung khiếu nại của gia đình ông Dương gồm: Khiếu nại Quyết định số 2601/QĐ-UBND ngày 1/4/2025 của UBND TP. Phổ Yên về việc thu hồi đất để thực hiện dự án vì cho rằng, việc thu hồi đất phục vụ cho dự án thương mại dịch vụ sân Golf không phải dự án phục vụ lợi ích Nhà nước… Vị trí thu hồi đất của 3 thửa đất rừng và thửa đất ở là không đúng.

Thứ hai, UBND TP. Phổ Yên phê duyệt phương án dự toán bồi thường, giải phóng mặt bằng tính toán chưa đầy đủ và chưa đúng các tài sản trên đất của gia đình. Cụ thể, tại các buổi làm việc khoảng cuối tháng 2/2025 và đầu tháng 3/2025 giữa đơn vị tính toán giá trị bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng (Trung tâm phát triển quỹ đất thành phố) với gia đình thì lên phương án bồi thường, hỗ trợ với tổng giá trị khoảng 26 tỷ… Sau đó lại nhận được Quyết định 2164/QĐ-UBND ngày 21/3/2025, tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ là 11.320.275.579 đồng và đến ngày 9/4/2025, số tiền lại bị giảm xuống còn 9.915.123.811 đồng.
Thứ ba, ông Nguyễn Hứa Dương cho rằng việc thực hiện quy trình cưỡng chế không đúng quy định…
Xác nhận với phóng viên (ngày 12/5/2025), ông Nguyễn Công Thịnh, Chủ tịch UBND TP. Phổ Yên cho biết: Các nội dung công dân phản ánh gửi UBND tỉnh Thái Nguyên và TP. Phổ Yên. “Hiện chúng tôi đang tập trung giải quyết những khiếu nại này theo quy định trong thời gian sớm nhất. Đã giao Thanh tra thành phố thụ lý và dự kiến trong tháng 5 hoặc đầu tháng 6 sẽ có kết luận chính thức về sự việc’’ – ông Thịnh cho biết thêm.
Trước đó, trao đổi về trường hợp của gia đình ông Dương, ông Thịnh cho rằng: Đây là trang trại tương đối lớn, bởi vậy từ tháng 10 - 11/2024 chính quyền đã họp phổ biến chính sách, thông báo thu hồi đất đến hộ gia đình.... Chúng tôi ghi nhận gia đình ông Dương rất phối hợp trong quá trình kê khai, kiểm đếm toàn bộ tài sản trên phạm vi khu đất. Lúc đầu kê khai tổng thể thì tính toán hơn 20 tỷ tiền bồi thường giải phóng mặt bằng, nhưng ranh thu hồi chỉ khoảng 3.600m2 (trong đó có 800m2 đất ở) đi qua cả 3 trang trại và 1 phần nhỏ diện tích nhà ở hiện tại, nên chỉ đền bù theo ranh thu hồi.

“Nhà bác ấy có 3 trang trại, thì con đường cắt chéo trang trại số 1, 2 còn mỗi bên khoảng 100m, thì áp dụng chính sách phá dỡ và thu hồi toàn bộ, còn trang trại khoảng 2.000m2 chuẩn tiêu chuẩn, rất đẹp nhưng con đường chỉ vào 50m, chéo đúng góc nên chỉ hỗ trợ để bác ấy xây lại chứ không thể đền bù theo ý kiến bác ấy cho rằng, đây là chuồng kín, không thể chăn nuôi tiếp và phải đền bù hết. Nếu thu hồi thế thì trái quy định’’ – ông Thịnh nói.