Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3

Thứ tư, 21/07/2021 17:54 PM - 0 Trả lời

(CLO) Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến đưa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) để thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) theo quy trình tại ba kỳ họp.

Quang cảnh phiên thảo luận chiều 21/7 về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

Quang cảnh phiên thảo luận chiều 21/7 về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021.

 

Kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật chưa nghiêm

Chiều nay (21/7), trình bày Tờ trình Về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 (Chương trình), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết: Trong nhiệm kỳ khóa XIV, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan đã tập trung, nỗ lực thực hiện hoạt động lập pháp và cơ bản hoàn thành nhiệm vụ đã đặt ra.

Thể chế hóa đường lối của Đảng, đặc biệt là văn kiện, nghị quyết Đại hội XII của Đảng, các nghị quyết, kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư cùng với việc triển khai thi hành Hiến pháp, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhiều luật, bộ luật nhằm cụ thể hóa Hiến pháp, kịp thời đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật trên các lĩnh vực, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Công tác lập Chương trình có nhiều đổi mới, không chạy theo số lượng mà tập trung vào chất lượng; yêu cầu đối với việc lập đề nghị xây dựng dự án đưa vào Chương trình chặt chẽ hơn. Vai trò, trách nhiệm của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong việc thẩm tra dự án ngay từ khâu lập đề nghị đưa vào Chương trình ngày càng được phát huy.

Công tác phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) với Chính phủ, giữa các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội và cơ quan, tổ chức có liên quan ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn… Nhờ đó, phần lớn các dự án được đưa vào Chương trình để trình Quốc hội xem xét, thông qua đã bảo đảm tiến độ, có dự án vượt tiến độ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Hoàng Thanh Tùng cũng nêu rõ những hạn chế như: Việc điều chỉnh Chương trình vẫn còn nhiều, trong đó có không ít dự án được đề nghị bổ sung gần sát kỳ họp Quốc hội, có dự án được đưa vào Chương trình nhưng nội dung chưa đạt được sự đồng thuận, còn nhiều ý kiến khác nhau, phải lùi tiến độ trình Quốc hội hoặc đưa ra khỏi Chương trình để tiếp tục chuẩn bị. Việc gửi hồ sơ dự án cho cơ quan thẩm tra, trình UBTVQH, Quốc hội nhiều trường hợp chưa bảo đảm thời gian theo quy định...

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, những hạn chế nêu trên có nguyên nhân khách quan nhưng nguyên nhân chủ yếu là do tổ chức thực hiện chưa tốt; kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật chưa nghiêm. Trong lập đề nghị xây dựng luật, một số cơ quan được giao chủ trì chuẩn bị chưa thực sự chủ động, thiếu sự quan tâm, đầu tư thoả đáng; chưa tuân thủ đúng yêu cầu của Luật BHVBQPPL. Lãnh đạo một số Bộ, cơ quan chưa trực tiếp chỉ đạo quyết liệt công tác xây dựng pháp luật mà giao phó, ủy quyền cho cấp dưới…

Ông Hoàng Thanh Tùng chỉ rõ: "Đây là những vấn đề đã tồn tại từ nhiều năm nhưng chưa được khắc phục triệt để. Vì vậy, đề nghị Chính phủ và các cơ quan hữu quan cần tiếp tục đề cao trách nhiệm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật; xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cơ quan mình; có giải pháp cụ thể, thiết thực để phát huy các kết quả tích cực đã đạt được, khắc phục hạn chế, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV".

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, UBTVQH trình Quốc hội bổ sung 01 dự án vào Chương trình năm 2021, cụ thể là bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục – Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê vào Chương trình kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021) để trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến và thông qua theo quy trình tại 01 kỳ họp.

Lùi thời gian trình dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) từ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021) sang trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022).

Sau khi điều chỉnh, bổ sung như trên, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 sẽ là: Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV (tháng 7/2021): thông qua 01 dự thảo Nghị quyết;

Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021): thông qua 01 dự án luật theo quy trình tại 01 kỳ họp; cho ý kiến 05 dự án luật khác.

Theo ông Hoàng Thanh Tùng, qua xem xét, đánh giá việc thực hiện Chương trình các năm trước, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn và điều kiện thực tế chuẩn bị của các cơ quan, UBTVQH cơ bản tán thành với đề nghị của Chính phủ về các dự án dự kiến trong Chương trình năm 2022 và xin báo cáo Quốc hội cụ thể như sau:

Thứ nhất, về các dự án luật được đề nghị đưa vào Chương trình thông qua tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022): Theo Luật BHVBQPPL và nguyên tắc lập Chương trình, các dự án đã có trong Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp trước sẽ tiếp tục được đưa vào Chương trình của kỳ họp sau; do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với Chính phủ dự kiến trình Quốc hội khoá XV xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) đối với 05 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021).

Cụ thể: Luật Cảnh sát cơ động; Luật Điện ảnh (sửa đổi); Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Thứ hai, về các dự án luật được đề nghị đưa vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022):

UBTVQH thống nhất với Chính phủ đưa vào Chương trình để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) đối với 04 dự án luật, bao gồm: Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

Ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, một dự án luật quan trọng đó là Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật phức tạp, có nội dung tác động lớn tới xã hội, cần nhiều thời gian để nghiên cứu, Quốc hội thảo luận kỹ lưỡng. Do đó, UBTVQH dự kiến đưa dự án Luật này vào Chương trình trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) để thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) theo quy trình tại ba kỳ họp.

"Trong quá trình chuẩn bị, nếu chất lượng dự án tốt và tiến độ chuẩn bị nhanh hơn, UBTVQH sẽ trình Quốc hội xem xét đẩy nhanh tiến độ thông qua theo quy trình tại hai kỳ họp", ông Hoàng Thanh Tùng nêu rõ.

Thứ ba, về dự án luật được đề nghị đưa vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022): UBTVQH thống nhất với Chính phủ đưa dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) vào Chương trình trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) để gối sang năm 2023.

Như vậy, dự kiến Chương trình năm 2022 cụ thể như sau: Tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022): thông qua 05 dự án luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2 và dự thảo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; cho ý kiến 05 dự án luật khác.

Tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022): thông qua 04 dự án luật đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3; cho ý kiến 02 dự án luật khác (trong đó có dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cho ý kiến lần 2).

Quốc Trần

Bình Luận

Tin khác

Đến năm 2030, tỷ lệ hòa giải thành trên phạm vi cả nước đạt từ 85% trở lên

Đến năm 2030, tỷ lệ hòa giải thành trên phạm vi cả nước đạt từ 85% trở lên

(CLO) Chính phủ phấn đấu đến hết năm 2030, tỷ lệ hòa giải thành trên phạm vi cả nước đạt từ 85% trở lên. Đối với các xã, phường, thị trấn được chọn làm điểm chỉ đạo của trung ương, tỷ lệ này là trên 90%.

Tin tức
Bổ sung một số loại hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng

Bổ sung một số loại hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng

(CLO) Liên quan đến dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính rà soát đầy đủ các hàng hóa, dịch vụ/nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng; xem xét, bổ sung một số loại hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tin tức
Chính phủ ban hành quy định về giao đất, cho thuê đất, giao khu vực biển để lấn biển

Chính phủ ban hành quy định về giao đất, cho thuê đất, giao khu vực biển để lấn biển

(CLO) Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 42/2024/NĐ-CP ngày 16/4/2024 quy định về hoạt động lấn biển có hiệu lực từ ngày 16/4/2024. Trong đó, Nghị định quy định rõ về giao đất, cho thuê đất, giao khu vực biển để lấn biển.

Tin tức
Bỏ sót gần 100 tỷ đồng tiền sử dụng đất nhà đầu tư phải nộp cho Nhà nước!

Bỏ sót gần 100 tỷ đồng tiền sử dụng đất nhà đầu tư phải nộp cho Nhà nước!

(NB&CL) Kết quả thanh tra tổng thể, toàn diện dự án Khu đô thị sinh thái hai bên bờ sông Đơ cho thấy, công tác lập hồ sơ mời thầu, chậm tiến độ giải phóng mặt bằng, xác định thiếu số tiền sử dụng đất,… dẫn đến bỏ sót cho ngân sách Nhà nước hơn 98 tỷ đồng.

Tin tức
Quy định rõ thẩm quyền, thủ tục cấp 'tín chỉ xanh' đối với các nhà máy sử dụng nguồn năng lượng sạch

Quy định rõ thẩm quyền, thủ tục cấp "tín chỉ xanh" đối với các nhà máy sử dụng nguồn năng lượng sạch

(CLO) Về xây dựng, ban hành cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu cần quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm và trình tự, thủ tục cấp "tín chỉ xanh" đối với các nhà máy sử dụng nguồn năng lượng sạch, hoàn thành và báo cáo Phó Thủ tướng trước 25/4/2024.

Tin tức