Dự án năng lượng tái tạo liên tục bị xử phạt, hệ sinh thái của 'đại gia' Hoàng Quốc Huy kinh doanh 'èo uột'?

07/11/2022 09:51

(CLO) Quy mô lớn lên đến hàng trăm thậm chí hàng nghìn tỷ, tuy nhiên các doanh nghiệp trong hệ sinh thái dưới chướng “đại gia” Hoàng Quốc Huy lại chỉ mang về những khoản lãi rất mỏng.

Sau hơn một thập kỷ xây dựng “đế chế” trong ngành nhựa với hạt nhân là CTCP Nhựa Châu Âu (Europlast), “đại gia” kín tiếng Hoàng Quốc Huy (sinh năm 1968) đã mở rộng hệ sinh thái sang lĩnh vực năng lượng tái tạo, với hàng loạt dự án mặt trời quy mô lớn. Bước đi đầu tiên đánh dấu sự chuyển mình này là việc thành lập CTCP Đầu tư Năng lượng Europlast (Europlast Energy) vào ngày 27/11/2017.

du an nang luong tai tao lien tuc bi xu phat he sinh thai cua dai gia hoang quoc huy kinh doanh eo uot hinh 1

Công ty Nhựa Châu Âu (Europlast). Ảnh: Internet

Theo tìm hiểu của báo Nhà báo & Công luận, Europlast Energy có quy mô vốn điều lệ 600 tỷ đồng trong đó Europlast góp 480 tỷ đồng và nắm chi phối 80% cổ phần. Ngoài ra, công ty còn có các cổ đông sáng lập gồm ông Huỳnh Song Trà góp 10% cổ phần, ông Bùi Quốc Hương và bà Nguyễn Khánh Vân, mỗi người góp 5% cổ phần. Ông Hoàng Quốc Huy hiện là người đại diện theo pháp luật của Europlast Energy.

Các dự án của Europlast liên tục bị xử phạt

Một trong những dự án điện đầu tay của Europlast phải kể tới Nhà máy điện Europlast Long An, công suất 50MW, tổng mức đầu tư 1.157 tỷ đồng, tại xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Dự án này được khởi công từ tháng 9/2018, đi vào hoạt động từ tháng 5/2019, do CTCP Điện mặt trời Europlast Long An (Europlast Long An) làm chủ đầu tư. Pháp nhân này được thành lập ngày 16/3/2018, trong đó Europlast Energy và Europlast là các cổ đông sáng lập, nắm quyền chi phối.

Europlast Long An đã bị Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Long An xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng đối khi thực hiện dự án điện năng lượng mặt trời trên địa bàn với số tiền hơn 110 triệu đồng. Đồng thời, buộc thực hiện kiểm định chất lượng công trình, có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu theo quy định.

Cụ thể, CTCP Điện mặt trời Europlast Long An khi thực hiện dự án đầu tư Nhà máy điện mặt trời tại xã Mỹ Thạnh Bắc, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An đã có hành vi vi phạm trong việc lựa chọn tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư xây dựng; khởi công và nghiệm thu công trình.

Cụ thể là CTCP Điện mặt trời Europlast Long An đã lựa chọn tổ chức, cá nhân không đủ năng lực thi công và giám sát xây dựng; không gửi báo cáo cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc gửi báo cáo không đầy đủ các thông tin liên quan đến quá trình xây dựng theo quy định; bàn giao, đưa công trình xây dựng vào sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

Ngoài ra, ông Hoàng Quốc Huy còn đang đứng tên tại CTCP Điện mặt trời Europlast Phú Yên (Europlast Phú Yên) và CTCP Điện mặt trời Thành Long Phú Yên (Thành Long Phú Yên). Thành lập sau Europlast Long An ít ngày, Europlast Phú Yên là chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Europlast Phú Yên, công suất 50MW, tổng vốn đầu tư 1.150 tỷ đồng, tại xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hoà. Dự án này đã đi vào vận hành phát điện từ tháng 6/2019.

Trong khi đó, Thành Long Phú Yên là chủ đầu tư dư án nhà máy điện Thành Long Phú Yên, công suất 50MW, tổng vốn đầu tư 1.045 tỷ đồng, tại xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hoà. Nhất là Thành Long Phú Yên là công ty con của CTCP Sản xuất điện tử Thành Long - một pháp nhân có liên quan mật thiết tới giới chủ Europlast.

Cũng tại Phú Yên, Europlast đã cùng CTCP Đầu tư Thương mại Thịnh Long (Thịnh Long Group) và ông Lý Quốc Huy (sinh năm 1981) sáng lập CTCP Điện mặt trời Thịnh Long Phú Yên (Thịnh Long Phú Yên). Công ty này là chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Thịnh Long - AAA Phú Yên, công suất 50MW, tổng vốn đầu tư 1.173 tỷ đồng. Dự án này vận hành phát điện từ tháng 6/2019.

Giống như Europlast Long An, Europlast Phú Yên và Thịnh Long Phú Yên cũng đã bị Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 290 triệu đồng do vi phạm các quy định về xây dựng.

Cụ thể, xử phạt vi phạm hành chính đối với Thịnh Long Phú Yên số tiền trên 93 triệu đồng, buộc công ty phải có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu theo quy định đối với hành vi quy định, báo cáo kết quả về Thanh tra Sở Xây dựng sau 15 ngày từ khi nhận quyết định.

Xử phạt hơn 198 triệu đồng đối với Europlast Phú Yên, buộc công ty trong 15 ngày phải có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu theo quy định đối với hành vi quy định; thực hiện kiểm định chất lượng công trình xây dựng đối với hành vi quy định tại khoản 1, Điều 7, Nghị định số 139 ngày 27/11/2017 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà và công sở.

Lợi nhuận không tương xứng với quy mô

Theo tìm hiểu của báo Nhà báo & Công luận, Thịnh Long Group được thành lập vào ngày 27/10/2010. Đến cuối năm 2021, vốn điều lệ của doanh nghiệp này đã lên đến 428 tỷ đồng. Các cổ đông sáng lập gồm: Ông Nguyễn Mạnh Hùng (10%), bà Trần Thị Thu Hương (26%), bà Nguyễn Thị Kim Hoa (26%), ông Hoàng Việt Phú (6%), ông Lý Quốc Huy (6%) và Lý Thu Hằng (26%).

Cùng với việc tăng vốn khủng năm 2020, tổng tài sản của Thịnh Long Group cũng đã tăng vọt từ 143 tỷ lên 544 tỷ đồng. Đến năm 2021, quy mô của doanh nghiệp này nhích nhẹ lên mức 548 tỷ đồng. Doanh thu của Thịnh Long Group đã có sự cải thiện trong trong giai đoạn từ 2019-2021 lên đến hàng trăm tỷ đồng. tuy nhiên lợi nhuận chỉ mang tính tượng trưng vài trăm triệu.

du an nang luong tai tao lien tuc bi xu phat he sinh thai cua dai gia hoang quoc huy kinh doanh eo uot hinh 2

Trong khi đó, Europlast có vốn điều lệ tính đến cuối năm 2021 ở mức 500 tỷ đồng. Tuy nhiên, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này đã liên tục tăng nhờ các khoản lợi nhuận chưa phân phối tích lũy hàng năm. Tính đến cuối năm 2021, vốn chủ sở hữu của Europlast lên đến 850 tỷ đồng. Quy mô tổng tài sản cũng không ngừng mở rộng và đạt đến gần 2.500 tỷ đồng vào cuối năm ngoái.

du an nang luong tai tao lien tuc bi xu phat he sinh thai cua dai gia hoang quoc huy kinh doanh eo uot hinh 3

Đáng chú ý, doanh thu của Europlast thậm chí còn thường xuyên vượt xa tổng tài sản. Năm 2021, doanh nghiệp này mang về đến hơn 4.000 tỷ đồng doanh thu, tăng 20% so với cùng kỳ và gấp 1,6 lần tổng tài sản. Dù vậy, lợi nhuận sau thuế của Europlast lại rất khiêm tốn chỉ quanh mức 100 tỷ đồng trong 3 năm qua. Biên lãi ròng rất thấp chỉ chưa đến 3% tức là 100 đồng doanh thu mới có 3 đồng lãi.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Dự án năng lượng tái tạo liên tục bị xử phạt, hệ sinh thái của 'đại gia' Hoàng Quốc Huy kinh doanh 'èo uột'?
        • Mặc định

        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO