(CLO) Trực tiếp quản lý và sử dụng đất đã hơn 40 năm, được chính quyền từ cấp phường, quận và thành phố công nhận hợp pháp bằng nhiều văn bản khác nhau nhưng chỉ cần dựa vào một chứng cứ thiếu thuyết phục, UBND TP. HCM đã "biến" gần 3000m2 đất từ của người này sang của người khác. Nghiêm trọng hơn, khi người dân kiện ra Tòa án thì cả 2 cấp Tòa lại cố tình lờ đi những chứng cứ có thật để ra phán quyết đầy khó hiểu.
Phóng viên báo Nhà báo & Công luận có cuộc điều tra làm hé mở sự thật ẩn khuất sau bản án thông qua các bài viết: "Việc giải quyết tranh chấp đất đai tại TP. Hồ Chí Minh: Nhiều bất thường cần được làm sáng tỏ" và "Vụ giải quyết tranh chấp đất đai tại quận Thủ Đức TP. HCM: Bản án thiếu thuyết phục!". Sau khi thông tin được báo đăng tải, chúng tôi gửi kèm hồ sơ vụ việc đến một số luật sư uy tín và nhận được những phân tích chi tiết khá bất ngờ về bản án.
Phán quyết theo định hướng?
Vấn đề được xem là tình tiết làm thay đổi quyết định của thành phố có lẽ nằm tại tờ di chúc do ông Trần Văn Phú lập năm 1971 được ông Trần Văn Ngọc sử dụng làm cơ sở cho Thanh tra Chính phủ (TTCP) lập đoàn thanh tra rồi Báo cáo kết quả đến Thủ tướng, cũng từ đó, UBND thành phố "lật" lại quyết định của chính mình.
[caption id="attachment_78836" align="aligncenter" width="633"]
khu vực vi trí đất tranh chấp .[/caption]
Việc TTCP có Báo cáo và kiến nghị hướng giải quyết vụ việc đến với Thủ tướng đã được UBND TP. HCM "phản biện" lại bằng một văn bản giải trình chi tiết do ông Nguyễn Thành Tài ký năm 2010 (văn bản này cũng được gửi trình Thủ tướng Chính phủ), gồm nhiều căn cứ pháp luật chặt chẽ theo những chứng cứ, tài liệu có thực được lưu giữ đầy đủ. Không hiểu sao, đến năm 2012, lúc ông Nguyễn Hữu Tín làm Phó Chủ tịch UBND thành phố thì lại ký một quyết định trái ngược lại hoàn toàn với những giải trình trước đó của ông Nguyễn Thành Tài. Sự thay đổi quyết định của UBND thành phố đã gây thiệt hại lớn cho cá nhân và gia đình, tình thế buộc ông Đinh Thế Hùng phải nộp đơn khởi kiện ra Tòa án.
Mục “Xét thấy…” của bản án Tòa phúc thẩm tại TP. HCM ghi lại đầy đủ thông tin từ bản Báo cáo của TTCP để làm căn cứ giải quyết vụ án tranh chấp, nội dung: “Phần đất có nguồn gốc của ông Trần Văn Phú đứng bộ từ năm 1937. Ông Phú lập di chúc năm 1971 để lại cho các ông Trần Văn Quý (con trai) và ông Trần Văn Ngọc (cháu nội) toàn quyền quyết định lô đất 769 thửa 84 tờ số 3 …" đã vô tình công nhận tính hợp pháp của tờ di chúc trên. Chính sự công nhận tính hợp pháp của tờ di chúc nên Tòa phúc thẩm đồng ý với những suy luận mang tính bắc cầu, có di chúc tức là có quản lý, trái ngược hoàn toàn với chứng cứ và tài liệu thực tế.
Việc ông Trần Văn Ngọc thừa nhận "không quản lý trực tiếp sử dụng từ năm 1975 đến nay" được ghi chép tại biên bản làm việc giữa ông Trần Văn Ngọc với UBND quận Thủ Đức năm 2001 cũng như thể hiện trong bản báo cáo của UBND TP. HCM gửi Thủ tướng Chính phủ năm 2010, vậy mà Toà Phúc thẩm lại đồng ý với nội dung "ông Trần Văn Ngọc thực tế có quản lý đất thổ mộ" (!?) Hay việc kê khai đất theo Chỉ thị 299, theo tài liệu: "ông Đinh Thế Hùng đăng ký, thực hiện nghĩa vụ đóng thuế, ông Trần Văn Quý có đăng ký nhưng không đóng thuế và không trực tiếp sử dụng".
[caption id="attachment_78566" align="aligncenter" width="633"]
Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. HCM.[/caption]
Việc Tòa phúc thẩm xét: "việc sử dụng của ông Hùng có gián đoạn từ năm 1978 đến năm 1980, ông Hùng làm việc ở công ty đường sắt 471 đoạn Tuy Hòa – Quảng Ngãi; năm 1985 đến 1987 ông Hùng bị đưa đi cải tạo tại trại Tân Hiệp nên sử dụng gián đoạn không liên tục" theo Luật sư Thái Văn Chung là hoàn toàn vi phạm tố tụng, bởi: "Việc ông Hùng lập gia đình trước năm 1975, con trai đầu sinh năm 1971, con trai thứ hai sinh năm 1973, trong khoảng thời gian ông Hùng đi làm việc hay bị đưa đi cải tạo thì vợ con ông Hùng vẫn còn tồn tại và sinh sống tại đây, đó là thực tế đã được chính quyền cũng như nhân chứng ghi nhận thì không cớ nào xét là bị gián đoạn". Vấn đề này, trong văn bản UBND thành phố gửi Thủ tướng Chính phủ cũng đã ghi rõ, chỉ có điều khi ra Tòa thì người đại diện cho ông Đinh Thế Hùng trình bày thì Tòa phúc thẩm lại không ghi nhận, trong khi người đại diện của UBND thành phố đã có tình lờ đi?
Tòa phúc thẩm tại TP. HCM vi phạm tố tụng?
Tờ di chúc vô hiệu, theo hồ sơ tài liệu của chính quyền địa phương cũng như lời nhân chứng sống là bà Lê Thị Tám và bà Trần Thị Tâm thì "chưa bao giờ nghe đến việc ông Trần Văn Phú lập di chúc để lại". Sinh thời, ngay cả khi nộp đơn khiếu nại đến chính quyền các cấp, ông Trần Văn Quý (cha ông Ngọc) cũng không hề nhắc đến tờ di chúc do cha đẻ mình để lại cho bản thân mình và cháu trai của mình là ông Trần Văn Ngọc. Vậy từ đâu ra mà phải sau gần 9 năm kể từ ngày cha mất thì ông Ngọc mới đem tờ đi chúc ra để làm cơ sở khiếu nại? Mặt khác, tờ di chúc lại không phải do ông Đinh Thế Hùng (người bị kiện) thắc mắc nghi vấn để yêu cầu đem đi giám định chữ ký thật giả mà lại do một văn phòng luật sư không liên quan tự ý đưa đi giám định tại Phân viện Khoa học Hình sự?
[caption id="attachment_78837" align="aligncenter" width="633"]
Các nhân chứng đang trao đổi với phóng viên.[/caption]
Theo Luật sư Thái Văn Chung – Giám đốc Hãng luật Nguyên Giáp cho biết: "Nếu ông Đinh Thế Hùng nghi ngờ tờ di chúc là giả thì có thể yêu cầu Viện Khoa học Hình sự - Bộ Công an giám định lại chữ ký của người lập, theo điều 29, điều 30 của Luật giám định". Tuy nhiên, có lẽ ông Đinh Thế Hùng chưa cần phải yêu cầu giám định lại tờ di chúc giả hay thật, bởi theo phân tích của Luật sư Nguyễn Văn Hậu – Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. HCM, tờ di chúc trên không hợp pháp nên không thể sử dụng làm căn cứ để giải quyết tranh chấp về thừa kế trong trường hợp này.
Luật sư Hậu phân tích: "Vào thời điểm năm 1971 thì chưa có quy định của pháp luật điều chỉnh quy định về vấn đề thừa kế, di chúc. Tuy nhiên, các văn bản pháp luật sau này như Pháp lệnh Thừa kế năm 1990, Bộ luật Dân sự năm 1995 và Bộ luật Dân sự 2005 cũng đều có những điều khoản cho phép di chúc không cần có người làm chứng hay công chứng, chứng thực, nếu có đầy đủ các nội dung và đáp ứng được những điều kiện nhất định thì cũng được xem là di chúc hợp pháp. Song một điều kiện quan trọng là di chúc phải do người lập di chúc tự tay viết. Do đó, tôi cho rằng việc tờ di chúc được lập bằng hình thức đánh máy, không có người làm chứng, không có chứng thực, chứng nhận thì không đủ cơ sở để xem là di chúc hợp pháp".
Với những tình tiết bất thường trên, ông Đinh Thế Hùng nộp đơn kháng nghị đến Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện kiểm sát Nhân dân tối cao yêu cầu xem xét giám đốc thẩm là lại vụ án là hoàn toàn có sơ sở.
Nhóm PVPL