Du lịch tâm linh: Đừng bước qua ranh giới mỏng!

Thứ năm, 27/12/2018 07:00 AM - 0 Trả lời

(NB&CL) Phát triển du lịch tâm linh là phù hợp đối với đất nước ta, một quốc gia gần trăm triệu dân. Tuy nhiên, cũng như trong giao thông, chúng ta phải rút ra những bài học đắt giá trong việc đầu tư các dự án dưới hình thức BOT, trong đó có các dự án "BOT cổng chùa". Đất "công" thành "tư" có thể khắc phục. Môi trường ở mức độ nào đó, có thể được tái sinh. Nhưng sự méo mó, biến dạng về văn hóa, tín ngưỡng nếu để xảy ra, kéo dài sẽ không thể cứu vãn!

Báo Công luận
Quần thể du lịch Bái Đính - Tràng An tại tỉnh Ninh Bình.

1. “Du lịch tâm linh vốn” là cụm từ không mới ở nhiều quốc gia có bề dày lịch sử, văn hóa, tôn giáo, từ phương Đông tới phương Tây. Từ hàng ngàn năm qua, con người không thôi khát vọng tìm về với đức tin, nguồn cội. Bởi vậy, Phật tử mơ về Bodh Gaya - nơi đức Phật đạt tới sự giác ngộ, người Do Thái mong đặt lời nguyện ước trong bức tường Than khóc, người Hồi giáo hành hương đến Mecca như một bổn phận,... hay người Việt mong về đất tổ Hùng Vương để tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền nhân. Du lịch tâm linh gắn với đức tin, khát vọng hướng về nguồn cội của con người. Văn hóa và tín ngưỡng là sản phẩm cốt lõi của du lịch tâm linh. Và phát triển du lịch tâm linh được xem là biến văn hóa thành hàng hóa. Theo Tiến sĩ Dương Văn Sáu (Đại học Văn hóa Hà Nội), dưới góc nhìn văn hóa, những phong tục, tín ngưỡng thuần Việt không chỉ mang giá trị nghệ thuật, mà còn là bản sắc dân tộc. Thông qua du lịch, du khách được trực tiếp tiếp xúc, thẩm nhận, trải nghiệm, từ đó nuôi dưỡng và phát triển các giá trị tâm linh tín ngưỡng từ trong tiềm thức của mình.

Việt Nam có các lễ hội tầm quốc gia như: Lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ); Lễ hội Chùa Hương (Hà Nội); Lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh); Lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương); Lễ hội Đền Trần - Phủ Dày (Nam Định); Lễ hội Bà Chúa Xứ (An Giang);… Nhiều năm qua, những lễ hội trên phần nào đã được khai thác như một hình thức của “du lịch tâm linh”, giảm bớt tình trạng người dân đi tự phát, tình trạng “chặt chém du khách”,…

Đặc biệt, bên cạnh đóng góp to lớn của du lịch tâm linh vào sự tăng trưởng mạnh của cả ngành du lịch Việt Nam, từ Phú Thọ tới Quảng Ninh, Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, An Giang,… du lịch tâm linh cũng đã và đang góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương, quảng bá và phát huy giá trị của di sản, kêu gọi được nguồn lực để đầu tư cho bảo tồn…

Và một điều ít ai nhắc tới, là những trải nghiệm trong những chuyến du lịch tâm linh còn giúp con người thư giãn, đạt tới sự cân bằng trong tâm hồn, định hướng hành động và lối sống cho chính mình, hướng về nguồn cội,… Xã hội, cũng vì thế mà thêm hài hòa, tốt đẹp.

Báo Công luận
Chùa Hương được xây dựng từ cuối thế kỷ 17, hiện được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt.

2. Những ngày qua, dư luận xôn xao về việc Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường (Ninh Bình) xin làm dự án khu du lịch tâm linh tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Theo đó, từ cuối tháng 7/2018, Xuân Trường đã đề xuất xây dựng khu du lịch tâm linh Hương Sơn với quy mô khoảng 1.000ha, tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng. Dự án gồm các hạng mục như: Nạo vét các dòng chảy để tạo đường thủy; khôi phục, tôn tạo đền chùa miếu mạo; xây dựng tháp cao 100m thờ Xá Phật Lợi; xây dựng hệ thống khách sạn, nhà hàng;… Tuy nhiên, dự án lập tức vấp phải những ý kiến không thuận chiều từ cơ quan quản lý, nhà khoa học và dư luận xã hội.

Về kinh tế, Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ: “Xuân Trường có văn bản đề xuất TP. Hà Nội xây dựng siêu dự án tâm linh với tổng mức đầu tư 15.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong đề xuất, doanh nghiệp lại đề nghị Nhà nước bỏ tiền ngân sách ra làm đường, hạ tầng, còn các công trình tâm linh doanh nghiệp đầu tư để kinh doanh, thu phí”.

Theo ông Nhưỡng, những công trình đầu tư dạng này, Chính phủ và TP. Hà Nội phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng, bởi đầu tư công trong bối cảnh hiện nay phải đặt vấn đề “ích nước, lợi nhà” lên hàng đầu. Cái ông lo, là tình trạng lợi dụng “xã hội hóa” để biến đất đai, tài sản của chung thành của riêng. Lúc này, dư luận xã hội cũng bày tỏ lo lắng về việc giao tới 1.000ha thì khu vực Chùa Hương gắn liền với đời sống tâm linh bao đời này sẽ lại giống Bái Đính, “rơi” vào tay doanh nghiệp quản lý.

Về môi trường, PGS. TS Đào Trọng Tứ - Giám đốc Trung tâm Phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (Mạng lưới sông ngòi Việt Nam) thẳng thắn: Nếu doanh nghiệp Xuân Trường nạo vét Suối Yến thì rất nguy hiểm. “Suối Yến bao năm nay vẫn thế, tại sao phải nạo vét?... Có nhất thiết du lịch trên sông thì phải nạo vét lòng sông? Nếu không cẩn thận, nạo vét sẽ làm hỏng cả thắng cảnh”, PGS. TS Đào Trọng Tứ phân tích.

PGS. TS Tứ còn cho biết, trong báo cáo gửi TP. Hà Nội, Xuân Trường còn viện dẫn việc đang xây dựng khu du lịch Núi Cốc (Thái Nguyên) với tổng vốn hơn 15.000 tỷ, nhưng thực chất nhà nước phải bỏ ra tới 14.000 tỷ. Đấy là chưa nói dự án đang có vấn đề trong việc nâng đập, không an toàn cho hồ và đập, triển khai dở dang, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân.

3. Câu chuyện kinh tế và môi trường trong dự án ở Hương Sơn là có thể tính toán được qua các con số, nhưng về văn hóa thì không. Bởi, khi những đình, đền, chùa nằm trong dự án không còn thuộc về cộng đồng, không ai có thể biết truyền thống trẩy hội non nước Chùa Hương sẽ về đâu, dòng Suối Yên là điểm nhấn trong lễ hội ngàn năm ấy rồi sẽ còn hay mất,…

Giáo sư, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền bày tỏ: “Hương Sơn (còn gọi là núi thơm) có Chùa Hương được công nhận là di sản Quốc gia đặc biệt. Khi có quá nhiều tác động của con người thì Hương Sơn sẽ mất thơm, tư tưởng Phật giáo sẽ bị bào mòn, tính trần tục được đề cao...”.

Theo Giáo sư Trần Lâm Biền, doanh nghiệp đề xuất xây dựng hàng loạt công trình với quy mô lớn… Trong tu bổ di tích thì có quyền tôn tạo nhưng không thể núp bóng việc tâm linh để làm một cách ẩu tả. “Chẳng hạn như chùa Bái Đính là làm rất ẩu tả. Nó đi ra ngoài giáo lý của đạo Phật. Điển hình là tháp 13 tầng, là tháp của đạo Phật thì nay chỉ còn là đài lên đó chơi, ngắm cảnh. Đã là tháp của Phật thì phải đứng trên trục chính chứ không thể lệch sang một bên như ở đó”, GS Trần Lâm Biền phân tích.

Đặc biệt, theo Giáo sư Trần Lâm Biền: “Tại nhiều công trình mang kiến trúc Phật giáo của doanh nghiệp Xuân Trường xây dựng và đề xuất luôn xuất hiện những hạng mục to lớn gắn với tầm quốc gia, quốc tế. Chúng tôi không bao giờ muốn có những ngôi chùa thật to lớn, to lớn của hình thức sẽ át chế tâm hồn dân tộc. Người Việt không muốn đẩy thần linh lên cao, đó là lý do vì sao người Việt không xây dựng kiến trúc vươn theo chiều cao, nay lại xây dựng kiến trúc theo dạng này thì đi ngược lại bản sắc văn hóa dân tộc”.

Sau những phân tích với đầy đủ cứ liệu về quản lý đất đai, bài toán kinh tế, môi trường, bảo tồn di sản,… của các chuyên gia với các dự án du lịch tâm linh, có thể thấy, việc để các đền chùa, miếu mạo của cộng đồng cho tư nhân “chặn cổng thu tiền” đã thể hiện một bộ mặt khác méo mó.

Có thể khẳng định rằng, phát triển du lịch tâm linh là phù hợp đối với đất nước ta, một quốc gia gần trăm triệu dân. Thu nhập của người dân ngày càng cao, đời sống tinh thần ngày càng được chú trọng. Nhất là, như Tiến sĩ Dương Văn Sáu từng đánh giá: Tâm lý người Việt trọng tín ngưỡng.

Tuy nhiên, cũng như trong giao thông, chúng ta phải rút ra những bài học đắt giá trong việc đầu tư các dự án dưới hình thức BOT, trong đó có các dự án “BOT cổng chùa”.

Đất “công” thành “tư” có thể khắc phục. Môi trường ở mức độ nào đó, có thể được tái sinh. Nhưng sự méo mó, biến dạng về văn hóa, tín ngưỡng nếu để xảy ra, kéo dài sẽ không thể cứu vãn!

Kiên Giang

Tin khác

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

Kỳ 4: Ráo riết chuẩn bị cho trận đánh lớn

(NB&CL) Ngay sau khi Chiến dịch Điện Biên Phủ được khai mở, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Thực hiện chỉ thị của Người, ngay từ cuối năm 1953, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được ráo riết tiến hành với quyết tâm cao độ và tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”.

Góc nhìn
Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

Phát triển du lịch xanh: Không phải cứ nói suông là được!

(NB&CL) Tại Việt Nam, du lịch xanh đang dần hình thành và phát triển ở nhiều địa phương. Giới chuyên gia nhận định trong thời gian tới, du lịch xanh không chỉ đóng vai trò to lớn trong bảo vệ đa dạng sinh học và văn hóa cộng đồng mà còn đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam. Tuy nhiên, “Diễn đàn Du lịch Việt Nam - Chuyển đổi Xanh để phát triển bền vững” nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam VITM Hà Nội 2024 đã khẳng định: Chuyển đổi du lịch xanh không chỉ là vấn đề phủ xanh không gian du lịch, bảo vệ môi trường sinh thái mà cần có sự đổi mới tư duy của những người làm du lịch, ứng xử đúng mực với thiên nhiên.

Góc nhìn
Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

Lại chuyện đặt tên phố, tên làng!

(CLO) Một đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị sinh con đầu lòng, nghĩ nát óc cả dăm bảy tháng để đặt tên cô con gái rượu sắp ra đời.

Góc nhìn
Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

Kỳ 3: Mở chiến dịch Điện Biên Phủ - Đường đến quyết định lịch sử

(NB&CL) Theo nhìn nhận của nhiều nhà nghiên cứu, sử gia, việc ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt toàn bộ quân địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là quyết định mang tính lịch sử. Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dựa vào những cứ liệu nào để có được chủ trương hết sức linh hoạt, sáng tạo và kịp thời ấy? - Đó là câu hỏi mà đến nay, tròn 70 năm sau, vẫn được hết sức quan tâm.

Góc nhìn
Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

Ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của chủ tọa phiên tòa: Báo chí cần được đảm bảo quyền tác nghiệp

(NB&CL) Dự thảo Luật Tòa án (sửa đổi) quy định theo hướng “thắt chặt” việc ghi âm, ghi hình tại phiên tòa. Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, quy định này là cần thiết, để phiên tòa tập trung xét xử, trang nghiêm.

Góc nhìn